Triều cường gây ngập ở TP.HCM: Chi 600 triệu nâng nền nhà 1,2m vì chịu hết nổi

09/11/2022 19:07 GMT+7

Chiều 9.11, triều cường dâng gây ngập nhiều tuyến đường ở các khu vực thấp trũng của TP.HCM. Người dân vất vả lội nước sau giờ tan tầm, ai nấy đều ngán ngẩm khi nhắc đến triều cường.

Tốn 600 triệu đồng tiền nâng nhà

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, 16 giờ ngày 9.11 triều cường dâng cao gây ngập ở đường Trần Xuân Soạn và nhiều hẻm ở đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7).

Nước ngập hơn bánh xe máy khiến việc đi lại của người dân vất vả. Mỗi khi có xe ô tô đi qua tạo thành sóng tràn vào nhà dân, trời càng tối nước càng dâng cao. Nhiều người vất vả lội nước, dọn dẹp nhà cửa và kêu than quá khổ vì ngập.

Đường Trần Xuân Soạn nước ngập chiều 9.11

dương lan

Ông Phạm Quang Khải (62 tuổi, ở hẻm 803 đường Huỳnh Tấn Phát) dùng chổi quét dọn khi nước dâng mấp mé sàn nhà. Mỗi lần triều cường lên, con hẻm trước nhà ông nước dâng cao. Buổi sáng nước ngập từ 3 giờ sáng và buổi chiều ngập từ 16 giờ chiều.

Nhiều người vất vả di chuyển qua đường Trần Xuân Soạn

dương lan

Ông mua nhà trong hẻm này từ năm 2010. Mỗi lần mưa to, nước tràn vào nhà ông và ngập sâu khoảng 20cm. Bởi vậy, ông thường xuyên ở một căn chung cư khác cách đó không xa. Ông đang gọi thợ về nâng nền nhà lên cao, mong muốn không còn... khổ vì ngập.

Hẻm 803 đường Huỳnh Tấn Phát ngập do triều cường

dương lan

“2 tuần nay, tôi thuê thợ về để nâng nhà lên cao, trong thời gian tới sẽ hoàn thiện. Tôi nâng lên cao hơn 1,2m (so với mặt đường - NV) với chi phí 600 triệu đồng trong đó 320 triệu tiền thuê thợ, còn lại là tiền vật tư. Tôi nâng nhà để tránh ngập là chủ yếu, chứ khổ lắm, nhiều bữa nước tràn vào nhà, dọn dẹp mất cả buổi. Hồi xưa tôi đã nâng lên khoảng 50cm, cao hơn đường nhưng dần dần vẫn ngập mỗi khi triều cường lên. Trong xóm này nhiều người nâng nhà lên lắm, không phải mỗi nhà tôi”, ông nói.

Ông Khải quét dọn khi nước ngập trước nhà

dương lan

Ông chấp nhận tốn 600 triệu đồng để nâng nhà lên cao

dương lan

Anh Phạm Văn Út (50 tuổi) cho biết, cách đây 2 năm, anh phải nâng nền nhà lên cao để không bị ảnh hưởng do triều cường. Trước đó, gia đình anh vất vả tát nước, có khi 3 giờ sáng cũng phải dậy. Đồ đạc trong nhà cũng bị ngấm nước, hỏng hóc. Việc kinh doanh khó khăn mỗi khi triều cường dâng, ít người qua lại.

“Sáng nước lên một đợt, chiều nước lên đợt thứ hai. Mọi người cũng ngại đi vào những con hẻm bị ngập. Dù gặp nhiều bất tiện nhưng tôi vẫn chấp nhận ở vì đây là nhà của cha mẹ anh để lại. Đối với các bạn sinh viên thuê trọ họ không chịu nổi phải sớm chuyển đi”, anh bộc bạch.

Chấp nhận buôn bán ế ẩm

Bà Võ Thị Thanh Xuân (64 tuổi, ở đường Huỳnh Tấn Phát) ngán ngẩm nhìn hàng trái cây bán ế vì nước ngập, không ai dừng lại mua. Thuê mặt bằng để bán trái cây khoảng 4 năm nay, bà đã quá quen cảnh ngập nước do triều cường. Nếu không ngập, mỗi ngày bà bán được khoảng 500.000 - 600.000 đồng nhưng triều cường dâng, bà đành chấp nhận buôn bán ế ẩm.

Bà Xuân chán nản vì buôn bán ế ẩm mỗi khi triều cường dâng

dương lan

“Nước mỗi năm một dâng cao hơn, tháng hơn 2 lần. Nước ngập nên không ai ghé mua, người ta lo chạy, dừng lại là chết máy. Buôn bán không được trái cây hư hết, lỗ vốn luôn. Nhiều người muốn mua nải chuối, ký mận cũng đành bó tay, không ai dừng vì muốn đi qua đoạn ngập cho nhanh. Nước xuống tôi mới bán được chút đỉnh chứ giờ ngồi chơi, tới tối không ai mua là bê vào. Bởi vậy lỗ vốn hoài luôn, buôn bán càng khó khăn”, bà thở dài.

Nhiều người lội nước qua hẻm 803 đường Huỳnh Tấn Phát

dương lan

Anh Thanh (chủ hàng tạp hóa) cho biết rằng tình trạng ngập ở hẻm 803 đường Huỳnh Tấn Phát đã có từ lâu. Nhiều hẻm xung quanh cũng gặp tình trạng tương tự.

Những ngày ngập nặng anh dọn hàng hóa vào sâu bên trong, dựng tấm ván gỗ để tránh nước tạt vào nhà khi xe chạy qua.

Nhiều người dân sửa lại nhà để "đối phó" với tình trạng ngập

hiền anh

“Mọi người ở đây đều đã chán nản đành chấp nhận ngập do triều cường. Nhiều cuộc họp ở tổ dân phố đã thống nhất sẽ mở rộng hẻm để giảm tình trạng ngập lụt. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện giải pháp này. Một số nhà dân ở sâu trong hẻm đã gọi thợ đến thi công nâng nền”, anh chia sẻ.

Trước đó, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cảnh báo mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai sẽ lên chậm theo kỳ triều cường rằm tháng mười âm lịch, sau xuống nhanh. Đỉnh triều đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 9 - 10.11 (tức 16 - 17.10 âm lịch). Tại trạm Phú An và Nhà Bè có thể ở mức 1,60 - 1,65m xấp xỉ hoặc cao hơn BĐIII khoảng 0,05m. Thời gian xuất hiện đỉnh triều từ 3 - 5 giờ và 17 - 19 giờ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.