Gia cảnh khó khăn, nhưng người mẹ luôn đồng hành cùng con trai khiến ai cũng rưng rưng.
“Nó đâu có tội”
Đón cậu bé 2 tháng tuổi nhỏ xíu “như con mèo” về nhà chăm sóc, nhập viện liên tục, nhưng mẹ con bà Tuyết vẫn hết lòng nuôi nấng. Đến nay, 25 tuổi, cậu bé ngày nào cũng vẫn chỉ nói ú ớ, nặng vỏn vẹn 30 kg. Năm 1997, bà Trần Thị Bạch Tuyết nên duyên cùng một người đàn ông đã có con riêng, đó là cậu bé Nhí - khi đó 2 tháng tuổi nhưng chỉ nặng chừng 2 kg. Nhìn đứa bé thở thoi thóp, bà Tuyết càng thương nên đón về chăm sóc.
Thấy mẹ đau vai, Nhí chủ động đến xoa bóp |
Bà Trần Thị Huệ (77 tuổi, mẹ bà Tuyết) là người ở bên bón từng muỗng sữa để Nhí cầm cự qua ngày. Bao nhiêu đợt Nhí nhập viện vì bệnh viêm phế quản, bà Huệ vẫn ngày đêm ở bên túc trực để vợ chồng bà Tuyết đi làm kiếm tiền. Ban ngày đầu tắt mặt tối với gánh xôi dạo, tối về, bà Tuyết lại cùng mẹ chăm sóc Nhí, lo cho cậu bé từ miếng ăn đến giấc ngủ. “Ngày ấy tôi thương ba Nhí nên nhận nuôi nó luôn. Nhưng Nhí không như những đứa trẻ bình thường, đến 3 - 4 tuổi vẫn chỉ lết. Buôn gánh bán bưng chật vật từng đồng, nhưng tôi vẫn gom góp mua mỗi lần 100 gr sữa về quấy lên để đút cho Nhí uống”, bà Tuyết kể.
Năm 2002, ba Nhí có gia đình mới, Nhí được đón về ở cùng ba. Nhưng chưa đầy 1 tháng, cậu bé khóc qua điện thoại, bà Tuyết lại đón về chăm sóc. “Làm như kiếp trước hai mẹ con tôi mắc nợ với nó vậy. Thấy nó con nít, không có tội nên mình dang tay đón nhận, được ngày nào thì cứ cố ngày đó chứ nhất quyết không bỏ”, bà Tuyết nói. Hơn 10 tuổi, Nhí mới biết nói ú ớ, giọng khàn đặc và lò dò tập đi. Đến lúc này, sức khỏe của em cũng ổn định hơn, không phải đi bệnh viện. Gánh nặng trên vai mẹ con bà Tuyết mới nhẹ đi đôi chút.
Nhưng chưa được bao lâu, 3 năm trở lại đây, bà Huệ bị tai biến, nằm một chỗ. Mọi chi tiêu trong nhà như tiền trọ, tiền ăn uống, tiền thuốc men phụ thuộc hết vào gánh xôi của bà Tuyết.
Nhí đã 25 tuổi, nhưng vệ sinh cá nhân vẫn do bà Tuyết lo liệu dù không là con ruột |
V.P |
Ngày không có mẹ, ngoại sẽ thế nào?
Trong căn nhà trọ chừng 12 m2 nằm cuối dãy, bà Tuyết ngồi trên chiếc ghế xếp, tay liên tục tự xoa các khớp vì bị đau nhức; bà Huệ nằm trên chiếc nệm cũ, liệt nửa người.
Nhí 25 tuổi nhưng chỉ cao chừng 1 m, nặng khoảng 30 kg và vẫn hồn nhiên ngồi xem chương trình thiếu nhi trên điện thoại, tủm tỉm cười một mình.
Bà Tuyết thở dài, giờ Nhí đã có thể tự ăn cơm, tự uống nước nhưng không phân biệt được cơm thiu hay cơm ăn được, cũng không thể tự tắm rửa, vệ sinh cá nhân. Mỗi ngày, bà Tuyết dậy từ 2 giờ sáng nấu xôi, dọn dẹp nhà cửa, lau mình mẩy cho mẹ già rồi đẩy gánh đi bán.Về đến nhà, dù mình mẩy đau nhức vì bệnh xương khớp, nhưng bà vẫn lo cơm nước cho Nhí và mẹ ruột.
Bà Tuyết vừa chăm mẹ tai biến, liệt nửa người, vừa chăm người con nuôi 25 tuổi |
Bà bộc bạch: “Ngày mới nhận nuôi Nhí, tôi để Nhí và con ruột của mình trên chiếc xe đẩy xôi đi bán khắp nơi. Nhìn nắng nôi, mưa gió, thương hai đứa mà chảy nước mắt. Nhưng vì không ai giữ trẻ từ 5 giờ sáng cả nên phải làm như vậy. Đến giờ, mẹ tôi và Nhí đều cần phải có tôi chăm sóc nên tôi không cho phép mình được nghỉ ngơi”.
Tình cảm của mẹ con bà Tuyết dành cho Nhí xứng đáng được bao nhiêu điểm?
Bà Huệ lấy khăn lau nước mắt khi nhắc về đứa cháu không máu mủ mà bà nuôi nấng suốt bao năm qua: “Giờ nó muốn ăn thì ăn, muốn ngủ thì ngủ. Ngày trước thấy ba mẹ nó không chăm nên tôi chăm, nhìn thấy thương. Giờ tôi nằm một chỗ như này, không biết khi tôi qua đời nó sẽ ở với ai”.
Cùng nỗi lo với mẹ, bà Tuyết nói thêm, bao năm qua chăm sóc Nhí, mẹ con bà hiểu được tính của Nhí thế nào nên không biết một ngày không có ngoại và mẹ ở bên, Nhí sẽ ra sao. Thấy ngoại rơi nước mắt, Nhí hét lên nhắc: “Ngoại!”. Không biết nói những câu từ mỹ miều, bộc lộ cảm xúc, Nhí chỉ biết hét lên như vậy, trả lời đôi ba câu đơn giản rằng “Thương mẹ nhất trên đời, rồi đến ngoại, đến ba, đến út”.
Bình luận (0)