Không chỉ người Việt Nam, du khách nước ngoài khi đến TP.HCM cũng mê mẩn trước những bức vẽ ký họa của các họa sĩ. Chỉ cần giấy trắng và bút chì, thêm sự khéo léo và cái tâm của người vẽ, chỉ trong vài phút, khách hàng đã có ngay một bức ký họa của riêng mình.
Tìm chất liệu để vẽ ký họa từ đời sống
Những họa sĩ vẽ tranh ký họa thường tập trung ở Bưu điện thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ hay tại Đường sách TP.HCM (Q.1). Ở đây không phân biệt ai là người vẽ chuyên nghiệp, ai là "tay ngang" vào nghề. Bởi mỗi người đều có những điểm mạnh và phong cách vẽ rất riêng.
Ghé Bưu điện thành phố vào một sớm cuối tuần, tôi gặp anh Nguyễn Hữu Lộc (43 tuổi, quê Tiền Giang) đang bày biện mấy món đồ nghề vẽ ký họa của mình ra một góc vỉa hè. Anh Lộc đã vẽ ký họa được hơn 10 năm nay, tuy không phải là nguồn thu nhập chính nhưng nó cũng giúp anh có thêm một khoản để "nuôi" ước mơ lâu dài của mình.
Nói về vẽ tranh ký họa, anh Lộc cho hay đây là một dạng vẽ nhanh các đối tượng, đó có thể là con người, động vật, cây cối… nhằm mục đích ghi lại những đặc điểm nổi bật của đối tượng đó.
"Ký họa là cách mà người họa sĩ lưu giữ lại những rung động, xúc cảm của mình trước những sự vật, sự việc trong đời sống. Hay đơn giản là giúp khách hàng của mình vẽ ký họa chân dung ở một khoảnh khắc nào đó", anh Lộc nói.
Anh Lộc giải thích thêm, vẽ ký họa cũng chia thành nhiều cấp độ, tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng hoặc không gian, thời gian lúc vẽ. Có người muốn một bức vẽ đơn giản, chỉ cần ký những nét chính như gương mặt, tóc tai… Cũng có người muốn một bức tranh chi tiết, chỉn chu, lột tả được sắc vóc, thần thái. Do đó, giá cho mỗi bức vẽ ký họa cũng sẽ khác nhau, bình quân dao động từ 150.000 đồng cho một người.
Theo như chia sẻ của người họa sĩ này thì điểm đặc biệt của vẽ ký họa chính là ở đôi mắt nhìn của người họa sĩ. Mỗi "tay vẽ" sẽ có một cách nhìn và đánh giá chủ thể khác nhau nên thành phẩm cũng khác. Anh Lộc đảm bảo không thể tìm thấy 2 bức hình giống hệt nhau dù cho là cùng một người vẽ.
"Đời sống nhộn nhịp, đa dạng ở TP.HCM chính là chất liệu vàng cho những bức tranh của tôi. Nhiều năm qua, tôi đã ký họa cho hàng nghìn vị khách, mỗi người có một dáng vẻ, nét mặt khác nhau. Khi ngồi vẽ ngoài đường phố, tôi cũng có thể tranh thủ nhìn ngắm, ghi nhớ những nét đặc sắc của TP.HCM để sáng tác", anh Lộc bày tỏ.
Thời buổi hiện đại, khi điện thoại thông minh, máy ảnh ngày càng "chiếm sóng", những người vẽ tranh ký họa như anh Lộc phần nào cũng gặp khó khăn. Anh tâm sự, ngoài ký họa đường phố ra, anh còn vẽ thêm các thể loại tranh khác, mở lớp dạy vẽ để có thêm thu nhập.
Trong tương lai, anh Lộc đặt mục tiêu sẽ trở thành một họa sĩ vẽ tranh chuyên nghiệp, có những triển lãm hay phòng tranh của riêng mình. Những lần vẽ ký họa trực tiếp ngoài đường phố cũng giúp anh rèn nghề, tăng khả năng tập trung và thu nhặt nhiều chất liệu hay từ thực tiễn cuộc sống.
Nán lại xem anh Lộc ký họa, anh Nguyễn Trần Đạt Tiến (29 tuổi, ở TP.Thủ Đức) thích thú chỉ vào bức tranh và nói: "Tôi nể phục các họa sĩ vẽ ký họa đường phố. Đơn cử như ở phố đi bộ Nguyễn Huệ nhộn nhịp người ra kẻ vào, âm nhạc tưng bừng, thế mà họ vẫn tập trung để hoàn thành sản phẩm. Tôi cảm thấy trong mắt người họa sĩ lúc vẽ chỉ có nghệ thuật, dường như họ đang được sống trong thế giới riêng của mình".
Yêu TP.HCM qua những bức tranh
Buổi tối ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhìn qua một lượt tôi thấy có trên dưới chục người vẽ tranh ký họa đủ độ tuổi, giới tính… Không chỉ vẽ đen trắng trên giấy đơn thuần, một số người còn ký họa lên gỗ hay ký họa màu.
Theo chân chị Bích Ngọc (Q.1), một họa sĩ vẽ tranh chuyên nghiệp ở TP.HCM, tôi cũng "học lỏm" được vài bí quyết vẽ tranh ký họa. Nhiều năm trước, chị Ngọc cùng gia đình chuyển từ Bắc vào Nam sinh sống, lập nghiệp.
Chị Bích Ngọc là một họa sĩ từng có những bức tranh trị giá mấy ngàn đô được bán ra thị trường. Tuy vậy, chị vẫn không ngại khó, tối nào không bận việc lại lên phố đi bộ Nguyễn Huệ vẽ ký họa.
"Tôi ra đây mục đích chính không phải để kiếm tiền mà là tìm kiếm ý tưởng và thỏa sức nhìn ngắm đường phố TP.HCM. Đây cũng là cách để những người vẽ như tôi không cảm thấy bí bách, ngột ngạt", chị nói rồi cười một tiếng giòn tan.
Chị Bích Ngọc chuyên vẽ ký họa chân dung cho du khách nước ngoài và ký họa đường phố TP.HCM. Chị đã từng vẽ nhiều bức tranh về đặc trưng của thành phố này như phố Bùi Viện, thú vui uống cà phê sáng, xe bán hủ tiếu bán dạo trong đêm… Mà để vẽ được những bức tranh sinh động như thật, bản thân chị phải trực tiếp đến tận nơi để trải nghiệm, nghiền ngẫm, lấy chất liệu sáng tác cho mình.
Những ngày đầu khi chuyển vào TP.HCM sinh sống, chị Bích Ngọc cảm nhận thành phố này xô bồ, đông đúc đến lạ. Nhưng càng ở lại càng thấy yêu, yêu con người chân tình, cởi mở, yêu thành phố nhộn nhịp, hào sảng, yêu cả những điều chưa tốt có mặt ở nơi này.
Với tình yêu TP.HCM mãnh liệt như thế, chị Bích Ngọc ấp ủ trong tương lai sẽ thực hiện thêm nhiều tác phẩm về nơi đây, mang nó đi giao lưu với bạn bè trong và ngoài nước.
"Mỗi khi có cơ hội vẽ cho khách nước ngoài, tôi đều giới thiệu cho họ về những điều tuyệt vời của của TP.HCM. Chính những vị khách của tôi cũng nói rằng đến TP.HCM là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất họ từng có", chị Ngọc tự hào nói.
Nữ họa sĩ kể thêm với tôi, nhiều khách ghé phố đi bộ Nguyễn Huệ chơi, ngẫu hứng đến chỗ chị vẽ một bức ký họa để mang về làm kỷ niệm. Nhiều người khi nhận tranh thì sửng sốt và thốt lên "phải tôi không, tôi mà đẹp thế này hả?". Chị giải thích với khách, rằng đó chính là bản thân họ nhưng được nhìn bằng đôi mắt của chị.
"Cùng một chủ thể nhưng mỗi một người vẽ ký họa sẽ nhìn thấy một nét đẹp khác nhau và chọn đó làm trung tâm cho bức tranh. Giả sử tôi vẽ cho một bé gái, tôi thấy đôi mắt cô bé trong sáng, lấp lánh nên lấy đó là điểm nhấn. Vẽ cho một du khách nước ngoài, điểm nhấn của họ lại là chiếc mũi cao hay bộ râu quai nón được chải chuốt tươm tất. Tôi không vẽ quá tay để lấy lòng khách mà chỉ là vẽ những gì mình thấy đẹp. Bản chất của vẽ ký họa vốn là thế", chị Ngọc lý giải.
Nhưng cũng có khi vẽ xong mà khách không hài lòng, đó là điều hiển nhiên. Mỗi người một ý, bản thân người họa sĩ vẽ ký họa đường phố không thể làm khách hài lòng tuyệt đối. Thay vào đó, chị Bích Ngọc hay những "tay múa chì" khác cố gắng làm tốt nhất có thể. Không phải vì giá tiền có vài trăm nghìn mà vẽ nguệch ngoạc vài nét cho xong chuyện, đó là một sự bất kính với tổ nghề.
Con trai chị Bích Ngọc hiện nay cũng nối nghiệp mẹ, buổi tối cùng chị lên phố đi bộ Nguyễn Huệ vẽ và học hỏi thêm. Đó cũng là cách để hai mẹ con trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.
Điểm quan trọng của vẽ ký họa
Từ kinh nghiệm nhiều năm làm nghề, anh Lộc cho biết trong vẽ tranh ký họa, điều quan trọng nhất là phải vẽ ra được cái "thần" của chủ thể. Kể cả đó là con người hay cảnh vật, nếu không có cái "thần" thì dù vẽ trăm lần vẫn thấy không giống.
"Muốn vẽ tranh ký họa đường phố như tôi hay các anh em khác trong nghề, không nhất thiết phải tốt nghiệp chuyên ngành liên quan tới mỹ thuật. Điều quan trọng khi làm nghề này đó là kỹ năng quan sát nhạy bén để bắt được cái thần của chủ thể bức tranh", anh Lộc vừa nói vừa tỉ mẩn gọt lại mấy đầu bút chì.
Chị Bích Ngọc bổ sung, trong vẽ tranh ký họa, không có một khuôn mẫu cố định nào cả. Mỗi người có mỗi gương mặt khác nhau, người vẽ phải linh hoạt, tinh tế để chọn ra điểm đẹp nhất, khiến bức tranh bừng sáng. Loại bút chì, cọ loang mà người vẽ dùng cũng góp phần làm nên sự khác biệt của bức vẽ ký họa.
Bình luận (0)