TỐI ĐẾN LÀ ĐI TÌM CHỖ NGỦ
Những ngày mưa vừa qua, chúng tôi đến chân núi Van Cà Vãi, thuộc tổ dân phố Làng Dầu, TT.Di Lăng (H.Sơn Hà, Quảng Ngãi). Cách đây chừng 5 năm, khu nhà dân ở đây lưng dựa vào núi, mặt nhìn ra dòng sông Rin uốn lượn đẹp như tranh. Còn bây giờ, mưa đến là dân nhìn lên núi Van Cà Vãi đỏ lòm, thấp thỏm không biết có bị sạt đất xuống nữa không.
Năm 2021, núi Van Cà Vãi bất thần đổ đất đá xuống nhà của 5 hộ dân dưới chân núi, lấp nhà bếp, làm sập nhà trong đêm. Vào tháng 6.2021, H.Sơn Hà quyết định đầu tư 3 tỉ đồng để khẩn cấp chống sạt lở núi Van Cà Vãi, dự án thi công từ 19.6.2021 - 30.10.2022.
Thế nhưng sau khắc phục, núi Van Cà Vãi lại bị sạt lở tiếp vào mùa mưa năm 2023. Bà Trần Thị Thọ (65 tuổi) cho biết, cách đây 4 năm, đất đá từ núi Van Cà Vãi đổ xuống làm nhà bà bị sập. Rất may là 6 người trong nhà không ai bị thương. Trong đêm tối mịt mùng hôm ấy, cả nhà được chính quyền xã, huyện đưa đi ở nhờ nơi khác. "Năm vừa rồi (mùa mưa năm 2023) núi lại sạt nữa, nhưng không đè nhà tôi mà là nhà người khác", bà Thọ cho biết.
Theo bà Thọ, nhà ông Đinh Văn An và con gái là Đinh Thị Thẻo có 2 lần bị sạt lở núi làm sập, nứt tường. Cũng theo bà Thọ, đã 4 năm rồi sau khi núi Van Cà Vãi sạt lở, chính quyền 2 lần chi tiền tỉ để chống sạt lở, nhưng vẫn chưa an tâm. "Khắc phục rồi lại sạt nữa, cũng chỗ này luôn. Nay đã 4 năm rồi, năm nào cứ mưa là tụi tui phải chạy. Khi khắc phục sạt lở núi, gia đình tui tối nào cũng đi ngủ nhờ chỗ khác", bà Thọ nói.
"Năm nay thì yên tâm chưa?", chúng tôi hỏi. Bà Thọ nói chưa biết tình hình ra sao, còn chính quyền xã và huyện thì khuyên nên đi, không nên ở lại.
Trò chuyện với ông Đinh Văn An, 2 lần bị sập nhà do sạt lở núi Van Cà Vãi (năm 2021 và 2022), chúng tôi mới biết ông rất muốn đi chỗ khác tái định cư, vì ở đây mưa xuống là lòng thấp thỏm, phập phồng không yên. Mấy hôm nay nước mưa chảy vào phòng khách, nhìn dòng nước đỏ lòm, gia đình lại gói ghém đồ đạc, cứ đêm mưa là phải bỏ nhà đi ngủ nhờ.
83 ĐIỂM CÓ NGUY CƠ SẠT LỞ
Trao đổi với PV Thanh Niên, UBND H.Sơn Hà cho biết, qua thống kê, rà soát, hiện trên địa bàn toàn huyện có 83 điểm có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong thời gian tới. Cụ thể, có 27 điểm có nguy cơ sạt lở núi, 47 điểm có nguy cơ ngập sâu, 9 điểm có nguy cơ lũ quét…
Trong tháng 9 vừa qua, huyện phát hiện thêm điểm sạt lở núi Mang Kà Muồng ở thôn Tang, xã Sơn Bao. Theo ông Đinh Văn Sen, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Bao, có thể điểm sạt núi xuất hiện vào những trận mưa lớn cuối năm 2023, qua kiểm tra thì phát hiện có vết sạt. Tháng 8 vừa qua, sau những cơn mưa giông buổi chiều, xã Sơn Bao kiểm tra ngọn núi phát hiện vết nứt, sạt núi lớn hơn, nên báo cáo cho UBND H.Sơn Hà.
Trò chuyện với chúng tôi, người dân ở đây rất lo lắng. "Vết nứt ai cũng sợ, nhất là trẻ em đi học. Lỡ bị sạt núi vào ban đêm thì không biết làm sao. Vào ban đêm, bà con ai cũng sợ, cứ thấy mưa là bỏ nhà đi hết, không ai dám ngủ", anh Đinh Văn Buốt ở thôn Mang Kà Muồng cho biết.
Ông Phan Anh Quang, Phó chủ tịch UBND H.Sơn Hà, cho biết khi đến thực địa tại hiện trường sạt lở núi Mang Kà Muồng, phát hiện điểm sạt lở núi đã xuất hiện các vết nứt đất dài 60 m, đoạn sụt lún sâu nhất khoảng 2 m. Vết sạt lở này đã đe dọa trực tiếp nhà ở của 4 hộ dân (hơn 20 khẩu, có 4 người già, 2 trẻ em) dưới chân núi, điểm trường mầm non Hướng Dương có 1 cô giáo và 27 trẻ, nhà văn hóa thôn.
Bên cạnh đó, nguy cơ sạt lở còn gây ảnh hưởng đến nhà ở của 5 hộ dân sống lân cận, 5.000 m2 đất nông nghiệp phía trên đỉnh núi và cây keo trồng trên đất. Ngoài ra, vết sạt lở còn có nguy cơ gây tắc nghẽn tuyến đường ĐH77 nối dài đi hồ chứa nước Nước Trong, ảnh hưởng đến đời sống của 80 hộ dân xóm Mang Kà Muồng, Nhà máy thủy điện Nước Trong, nhà điều hành Trạm quản lý thủy nông số 7, điểm Trường tiểu học Sơn Bao.
Ông Quang cho biết hiện cô giáo và 27 cháu học sinh mầm non đã được dời ra khỏi trường, mượn nơi khác dạy học để tránh sạt lở núi Mang Kà Muồng. Với các nhà dân dưới chân núi, xã Sơn Bao sẽ theo dõi chặt chẽ, khi mưa lớn và kéo dài sẽ đưa dân ra khỏi nhà, đến nơi trú ngụ an toàn.
Ngày 3.10, khi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra vết sạt lở núi Mang Kà Muồng, phát hiện các vết nứt, sạt núi này như hình vòng cung, đã lan rộng hơn so 20 ngày trước đó. Các vết trượt của núi rộng ra từ 2 - 2,3 m; điểm nứt núi dài nhất đến 60 m, ít nhất 45 m, thân sườn núi bị nứt ngang, với diện tích vết sạt núi khoảng 1.500 m2 đất.
Trong đêm 8.10, mưa lớn diễn ra ở miền núi H.Sơn Hà, chính quyền xã Sơn Bao đã huy động lực lượng đưa 4 hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở đến ở tạm tại nhà người thân để đảm bảo an toàn.
Ngoài vết sạt lở núi Mang Kà Muồng, theo UBND H.Sơn Hà, tại thôn Làng Bồ, TT.Di Lăng (H.Sơn Hà) cũng đang có vết sạt lở núi rất đáng ngại, đe dọa khoảng 30 hộ dân sống dưới chân núi. Địa phương đang theo dõi chặt chẽ thời tiết và lên phương án để di dời dân khẩn cấp khi có mưa lớn và diễn ra dài ngày.
Theo ông Phan Anh Quang, trước mắt, với các nhà dân dưới chân núi, xã Sơn Bao sẽ theo dõi chặt chẽ, khi mưa lớn và kéo dài sẽ đưa dân ra khỏi nhà, đến nơi trú ngụ an toàn. UBND xã Sơn Bao còn tổ chức dựng biển cảnh báo nguy hiểm, rào lưới B40 để hạn chế đá lớn lăn ra đường giao thông và thông báo rộng rãi cho nhân dân trong vùng biết để phòng tránh nguy hiểm tại điểm sạt lở.
Ngày 9.10, Chi cục Thủy lợi, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thống kê qua báo cáo các địa phương gửi về, các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi có 160 điểm sạt lở núi, đồi, trong đó H.Minh Long 13 điểm, H.Ba Tơ 42, H.Trà Bồng 44, H.Sơn Tây 38 và H.Sơn Hà 23 điểm. Tổng số dân bị ảnh hưởng là 2.061 hộ với hơn 8.600 khẩu. Số điểm có nguy cơ sạt lở núi, đồi cao là 67 điểm, có hơn 1.000 hộ với 4.000 khẩu. Theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi, để đánh giá các nguy cơ sạt lở và mức độ như thế nào thì cần thuê đơn vị tư vấn đi khảo sát; sau đó đưa tất cả vào bản đồ quản lý và có sự theo dõi, cảnh báo rõ ràng ở từng điểm sạt lở. Ngoài ra, cần có thiết bị theo dõi ở các điểm sạt lở này. Tuy nhiên, để làm được điều này thì cần không ít tiền.
Bình luận (0)