"Check var"
Vào tối 12.9, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đăng tải 12.028 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (siêu bão Yagi). Trong danh sách này thống kê chi tiết ngày, số tiền cũng như nội dung giao dịch của người dân. Sau đó, dân mạng đã dành thời gian để "check var" (kiểm tra) các thông tin trong danh sách sao kê, xem liệu những người (đa phần là nổi tiếng), đã từng đăng tải lên mạng xã hội những biên lai giao dịch chuyển khoản ủng hộ, liệu có nói chính xác hay không hay là "thổi phồng" quá mức.
Và sau khi "check var", cụm từ sống "phông bạt" đã xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội. Lý do là bởi không ít người, dù tự khoe đã ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão Yagi số tiền lớn, thậm chí rất lớn. Thế nhưng, qua kết quả mà dân mạng kiểm tra trên 12.028 trang sao kê, số tiền thực tế không đúng như vậy.
Chẳng hạn, có người từng đăng Facebook cho biết đã ủng hộ số tiền lên đến 9 con số, tức hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế số tiền ủng hộ là 500.000 đồng.
Trường hợp khác, có người cho biết đã ủng hộ 100 triệu đồng. Nhưng sau đó, dân mạng phát hiện, người này chuyển từ tài khoản của ngân hàng này sang tài khoản ngân hàng khác của bản thân.
Chủ tịch MTTQ Việt Nam: Sẽ tiếp tục công bố sao kê tiền ủng hộ
Cũng có trường hợp, dân mạng "check var" để kiểm tra một người từng khoe đã gửi ủng hộ 200 triệu đồng. Tuy nhiên, dân mạng ngỡ ngàng khi phát hiện biên lai giao dịch chuyển khoản chỉ là một sản phẩm photoshop.
Nhiều hội fan của các ca sĩ nổi tiếng cũng đăng bài lên các hội, nhóm, cho biết đã ủng hộ số tiền hàng triệu đồng. Tuy vậy, trong sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 mà Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đăng tải, số tiền cụ thể chỉ vài ngàn đồng.
Phản tác dụng
Chính từ những câu chuyện trên đã khiến dân mạng buộc phải dùng đến cụm từ sống "phông bạt". Trần Ngọc Ngãi, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, giải thích: "Sống phông bạt, nhằm ý chỉ những người có kiểu sống ảo tưởng. Họ đã che đậy sự thật bằng những hình ảnh hào nhoáng".
Nguyễn Kiều Thương, sinh viên Trường ĐH Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ, nói: "Không hiểu vì sao có những người sống phông bạt. Họ vẽ vời đủ thứ trên mây, còn thực tế lại không đúng như thế".
Dân mạng cũng cho rằng, kiểu sống "phông bạt" không phải quá mới mẻ, đã hiển hiện và tồn tại từ trước đến nay. Nhưng đến khi những trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 được công bố vào tối 12.9, thì cụm từ sống "phông bạt" mới trở nên phổ biến.
Cũng đã có những trường hợp sau khi bị phát hiện sống "phông bạt", nghĩa là nói sai sự thật, tự nâng số tiền chuyển khoản ủng hộ, đã… ăn năn hối hận và viết bài xin lỗi trên mạng xã hội. Cụ thể, H.P.A, ngụ ở TP.Hà Nội, cho biết rất "muối mặt" khi bị phát hiện chỉ chuyển khoản 1 triệu đồng, dù cách đây vài ngày, đăng lên Facebook biên lai chuyển khoản 20 triệu đồng.
"Mình photoshop rồi đăng lên mạng nhưng bị phát hiện. Giờ mình rất buồn vì không lường trước hậu quả của cách sống phông bạt. Mình chấp nhận những chỉ trích của mọi người và mong được tha lỗi. Nếu thời gian quay trở lại, mình sẽ không sống phông bạt", A. nói.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Đỗ Thảo My, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cụm từ sống "phông bạt" mà người trẻ hay sử dụng, có ý giống như "sống ảo", "làm màu". Người sống "phông bạt" muốn khoe những vẻ ngoài hào nhoáng, hình ảnh lý tưởng, hoàn hảo… nhằm được ngợi khen, ngưỡng mộ.
"Thực tế cuộc sống cho thấy, có những người trẻ đang sống theo xu hướng này", chị My nói. Thạc sĩ tâm lý này cũng cho rằng: "Sống thật, sống chân thành sẽ giúp cuộc đời này thêm ý nghĩa. Đừng cố tình tạo ra những điều sai sự thật. Sống ảo, sống phông bạt không giúp tăng sự ngưỡng mộ của người khác mà sẽ gây phản tác dụng, bị chỉ trích".
Bình luận (0)