Sống thấp thỏm dưới chân núi Cô Tiên

Hiền Lương
Hiền Lương
05/09/2021 08:00 GMT+7

Cứ cận kề mùa mưa bão là hàng trăm nhà dân sống tạm dưới chân núi Cô Tiên TP.Nha Trang (Khánh Hòa) lại nơm nớp lo.

Cảnh tượng sạt lở kinh hoàng năm 2018 dưới chân núi Cô Tiên

HIỀN LƯƠNG

Hiện nay, tại TP.Nha Trang, thì khu vực núi Cô Tiên là nơi nguy hiểm,  bởi tại đây đã từng xảy ra tai nạn thảm khốc do mưa bão gây ra mà hậu quả của nó giờ nhắc lại ai cũng ám ảnh.

Sống trong âu lo

Ngày 4.9, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết vừa giao UBND TP.Nha Trang chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch di dời các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở khu vực núi Cô Tiên, P.Vĩnh Hòa trước mùa mưa bão năm nay. Theo địa phương, khu vực ven núi Cô Tiên hiện có 270 hộ dân ở trong vùng có nguy cơ sạt lở do nhà chỉ xây dựng tạm trên đất lâm nghiệp, ngay khu vực xung yếu. Trong khu vực núi Cô Tiên hiện có 41 hộ ở lân cận dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú, 139 hộ ở lân cận dự án Chỉnh trang núi Hòn Xện và khu nhà ở quân độI, 65 hộ ở lân cận dự án Khu dân cư Hồ Điều Hòa.

Nhiều nhà xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp dưới núi Cô Tiên

HIỀN LƯƠNG

Bà Nguyễn Thị Năm (tổ 1 Hòa Tây, P.Vĩnh Hòa) sống ở đây hơn 10 năm, cho biết cách đây hơn 5 năm, qua giới thiệu người quen gia đình bà mua lại mảnh đất lâm nghiệp của một người dân trong tổ dân phố. Dù biết rằng việc xây dựng nhà ở trên đất lâm nghiệp là trái quy định, nhưng vì ít tiền, lại thấy xung quanh dân chúng cũng xây cất được nên làm liêu mua đất cất nhà, chờ sau này Nhà nước thương tình hợp thức. Nhà bà Năm ở ngay dưới chân núi Cô Tiên, phía trên là dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú, nơi xảy ra vụ sạt lở hồi tháng 11.2018 khiến 4 người trong một gia đình nhà giáo chết thảm và hàng chục nhà dân bị sập hoàn toàn. Vậy nên, dù có xây được căn nhà tạm bằng xi măng, nhưng hễ mưa lớn là cả nhà bà dọn đồ đi mướn trọ, phòng ngừa bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. “Nhìn cảnh nhà cửa cả khu phố sập trong tích tắc cách đây 3 năm mà giờ vẫn thấy run. Nhưng biết sao giờ, không bám trụ ở đây thì chẳng biết đi đâu để sống. Tôi mong Nhà nước có những chính sách hỗ trợ cho dân”, bà Năm bày tỏ.

Một căn nhà vừa xây mới trên đất lâm nghiệp tại núi Cô Tiên

HIỀN LƯƠNG

Cùng cảnh với bà Năm còn có hàng chục hộ dân khác, như ông Lê Xuân Tân, nhà cùng tổ dân phố. Trong trận sạt lở kinh hoàng cuối năm 2018, nhà ông Tân bị sập hoàn toàn, chỉ còn đống đổ nát. Sau trận lở, ông Tân cũng vay mượn để xây tạm một căn nhà khác ngay vị trí nhà bị sập với diện tích chỉ 25 m2 để ở tạm và chờ Nhà nước di dời, tái định cư. Tuy nhiên, đến nay các thủ tục đền bù tái định cư vẫn chưa xong nên họ vẫn sống tại đây dù biết nguy hiểm rình rập. Cả ông Tân bà Năm và nhiều hộ dân khác ở đây mong mỏi sớm nhận được hỗ trợ, quyết sách hợp lòng của chính quyền địa phương.

Phải tính đến quyền lợi cho dân

Theo tường trình của một số hộ dân nơi đây, đa số những ngôi nhà được xây cất lên đều nằm trên đất lâm nghiệp, họ biết chưa đúng quy định nhưng đều xuất phát do hoàn cảnh khó khăn nên làm liều. Bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch UBND P.Vĩnh Hòa, cho biết 270 hộ dân lấn chiếm xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp ở núi Cô Tiên đã diễn ra hơn chục năm trước, qua nhiều thế hệ lãnh đạo vẫn chưa xử lý dứt điểm. Việc mua bán chủ yếu bằng giấy tờ viết tay sau đó lén lút xây dựng nên rất khó kiểm soát. Hiện UBND phường cũng đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng xác định nguồn gốc đất, hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật đối với 270 hộ dân nêu trên.

Một căn nhà tạm được xây cất trên khu vực bị sạt lở năm 2018

HIỀN LƯƠNG

Để giải quyết dứt điểm vấn đề này nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, ngày 23.8 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản giao UBND TP.Nha Trang chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch di dời cụ thể đối với các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở. Tỉnh Khánh Hòa yêu cầu TP.Nha Trang chỉ đạo P.Vĩnh Hòa phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, đặc biệt tại các khu vực đồi núi có nguy cơ sạt lở đất; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp xây dựng công trình vi phạm về trật tự xây dựng; vận động các hộ dân xây dựng công trình vi phạm tự tháo dỡ di dời, đồng thời hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm hành chính và lập kế hoạch, tổ chức tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa còn đề nghị UBND TP.Nha Trang chủ động phối hợp với Sở Xây dựng, các đơn vị tư vấn đánh giá mức độ nguy cơ sạt lở tại khu vực núi Cô Tiên và một số khu vực đồi núi khác trên địa bàn thành phố khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất đồi núi, cây xanh sang đất xây dựng đô thị; trên cơ sở đó, đề xuất định hướng các giải pháp chống sạt lở khả thi để bổ sung nội dung này vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Nha Trang đến năm 2040 nhằm đảm bảo tính tổng thể, toàn diện của đồ án.
Theo tìm hiểu của PV, nạn xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, đặc biệt là vùng xung yếu dưới các chân núi diễn ra khá phổ biến thời gian qua tại địa bàn TP.Nha Trang. Chỉ riêng một phường như Vĩnh Hòa đã có hàng trăm nhà xây trái phép có phần trách nhiệm không nhỏ của địa phương và các cơ quan quản lý. Việc di dời, giải tỏa các công trình sai phạm dưới chân núi Cô Tiên là cần thiết, nhưng cần phải tính đến quyền lợi của người dân đã ở ổn định ở đây để đưa ra các chính sách hợp lý.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.