Sống thấp thỏm dưới ngọn núi lở

Khánh Hoan
Khánh Hoan
06/05/2023 14:03 GMT+7

Mỗi khi mưa xuống, nhiều gia đình ở khối 4, TT.Mường Xén, H.Kỳ Sơn, Nghệ An lại phải sơ tán vì sợ núi lở dù trước đó đã được đầu tư 48 tỉ đồng để khắc phục sạt lở.

SỢ NHẤT LÀ TRỜI MƯA

Những hộ dân nói trên sống ven QL7, thuộc khối 4, TT.Mường Xén, H.Kỳ Sơn, ngay dưới chân một ngọn núi khá cao từ hàng chục năm trước. Ông Phan Văn Long, một người dân sống ở đây, cho biết hễ có mưa lớn là các gia đình lại phải khăn gói sơ tán vì sợ sạt lở. "Cứ mưa lớn là đất, đá ào ào trượt xuống, rất nguy hiểm. Chúng tôi sống ở đây luôn thấp thỏm, phía sau nhà thì núi sạt, phía trước thì sông Nậm Mộ lở vào", ông Long nói.

Tình trạng sạt lở núi ở đây diễn ra nghiêm trọng nhất vào năm 2018. Sau những ngày mưa lớn, nhiều vết nứt trên núi kéo dài hàng trăm mét gây sạt lở đất khiến hàng trăm khối đất đá trôi xuống, đánh sập nhiều bức tường nhà. QL7 ngay trước nhà dân cũng bị đe dọa. Chính quyền đã cho sơ tán, di dời nhiều hộ dân sống dưới chân núi. Tuy nhiên, do không có chỗ để tái định cư phù hợp nên người dân phải tá túc tạm ở nơi khác. Năm 2019, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở đất tại đây do UBND H.Kỳ Sơn làm chủ đầu tư với kinh phí 48 tỉ đồng.

Sống thấp thỏm dưới ngọn núi lở  - Ảnh 1.

Khu vực đã được xử lý, xây bờ kè và rọ đá nhưng vẫn tiếp tục xảy ra sạt lở

KHÁNH HOAN

Nhà thầu thi công đã cho bạt mái taluy dương với chiều dài 130 m dọc theo tuyến QL7, chiều cao đỉnh mái taluy trung bình khoảng 90 m so với cao độ mặt bằng đường. Sau đó, nhà thầu cho xây tường chắn bằng rọ đá dưới chân taluy để ngăn đất đá lăn xuống. Dự án hoàn thành vào cuối năm 2021. Sau đó, UBND H.Kỳ Sơn bàn giao đất cho người dân và nhiều hộ đã quay về dựng nhà.

Tuy nhiên, khi có mưa lớn kéo dài, hiện tượng sạt lở lại tái diễn; nhiều đoạn bờ kè bị đất đá tràn qua và chính quyền địa phương phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm. Một số hộ dân chưa kịp dựng nhà phải bán rẻ đất để chuyển đi nơi khác. Ông Nguyễn Anh Đoài, Bí thư Đảng ủy TT.Mường Xén, cho biết mỗi khi có mưa lớn, chính quyền xã lại phải đi vận động người dân sơ tán. Dù đã có bờ kè bằng rọ đá nhưng vẫn không ngăn được nước chảy ào ào xuống khiến đất đá ở trên cao mất kết dính đổ xuống.

Sống thấp thỏm dưới ngọn núi lở  - Ảnh 2.

Biển cảnh báo sạt lở

KHÁNH HOAN

DOANH NGHIỆP CŨNG VẠ LÂY

Ngay sát bên khu vực sạt lở này có một dự án san mặt bằng để đấu giá đất ở được thực hiện từ năm 2017. Theo đó, UBND H.Kỳ Sơn đã hợp đồng với một doanh nghiệp múc đất dưới chân núi sát bên tuyến QL7. Mục tiêu của dự án nhằm xử lý vết nứt núi ở phía trên, vừa tạo ra các lô đất ở bám tuyến QL7 để phân lô bán nền. Tuy nhiên, trong khi dự án đang thực hiện thì xảy ra hiện tượng sạt lở núi ở khu dân cư gần đó. Đến đầu năm 2022, dự án phân lô bán nền này mới hoàn thành mặt bằng. Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc BQL đầu tư dự án xây dựng H.Kỳ Sơn, cho biết doanh nghiệp thực hiện dự án này đã tốn khoảng 23 tỉ đồng để múc đất, cải tạo mặt bằng. Sau cải tạo, có 26 lô đất được mang ra đấu giá với mỗi lô dự kiến khoảng 1,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, do tiếp tục xảy ra sạt lở nên việc đấu giá không thành, khiến doanh nghiệp tiến thoái lưỡng nan.

Sống thấp thỏm dưới ngọn núi lở  - Ảnh 3.

Những ngôi nhà dân ở dưới chân núi bị sạt lở

KHÁNH HOAN

Ông Nguyễn Văn Long cho biết thêm hiện vẫn chưa tìm ra giải pháp để khắc phục sạt lở ở khu vực núi phía trên khu dân cư và nếu có cũng rất tốn kinh phí. Do đó, người dân vẫn phải sống chung với sạt lở vì chưa có phương án khả thi nào để xử lý tiếp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.