Bất an
Căn nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Lục (ở bản Minh Tiến, xã Châu Tiến) nằm gần QL48 và phía sau là sông Hiếu. Vợ chồng bà sinh sống ở đây từ hàng chục năm. Năm 2018, mưa lớn buộc thủy điện Châu Thắng cách đó khoảng 3 km về phía thượng nguồn phải xả lũ, gây sạt lở nghiêm trọng. “Thủy điện xả cả 6 cửa. Ban đêm, chúng tôi nghe nước lũ về ầm ầm, sáng ra nhiều giường, tủ gỗ của gia đình mua về để bán lại đang để ở kho phía sau bị nước lũ cuốn mất”, bà Lục kể. Sau khi lũ rút, sông Hiếu đã “ăn” vào khoảng 20 m, sát bức tường phía sau của căn nhà. Theo bà Lục, trước khi có thủy điện, lũ lớn nước sông vẫn dâng cao và chảy mạnh nhưng không xiết và tạo sóng mạnh như thời điểm sau khi có thủy điện. “Họ xả lũ quá mạnh nên nước chảy tạo thành các đợt sóng ập vào khu đất ở của chúng tôi gây sạt lở”, bà Lục nói.
Sạt lở ăn sâu vào đất ở của gia đình ông Trần Đình Quang |
Khánh Hoan |
Sát nhà bà Lục, gia đình ông Phan Văn Nhâm cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Chỉ vào hai bụi tre trơ gốc nằm dưới mép sông, ông Nhâm nói hai bụi tre này trước đây nằm trên cao, giữa vườn nhà ông. Nước lũ ồ ạt đổ về, dâng cao do thủy điện xả lũ đã đẩy hai bụi tre trôi khỏi vị trí cũ khoảng 10 m. Còn ông Trần Đình Quang, ngụ kề bên nhà ông Nhâm, cho biết sau nhà ông từng là khu vườn trồng chuối, cỏ voi và chuồng trại. Thế nhưng từ năm 2018 đến nay, sau khi thủy điện tích nước và xả lũ, khu vườn cũng biến mất vì bị sông ăn vào nhiều mét. “Mưa lớn cộng với thủy điện xả lũ khiến nước dâng cao, chảy xiết và nước lũ duy trì dài ngày hơn trước đây nên đất bị ngấm nước lâu, bở ra và sạt xuống”, ông Quang nhận định.
Năm 2019, chủ đầu tư thủy điện Châu Thắng đã hỗ trợ gia đình bà Lục 100 triệu đồng để khắc phục sự cố sạt lở. “Tôi phải bỏ thêm 40 triệu nữa để thuê chở đất về san lấp mới bù được lượng đất đã bị nước cuốn đi. Nhưng tôi vẫn cứ nơm nớp mỗi khi có lũ, vì nếu thủy điện tiếp tục xả lũ như năm đó thì đất sẽ lại trôi”, bà Lục cho hay. Trong khi đó, ông Nhâm cũng được chủ thủy điện này hỗ trợ tiền mua đất đá về san lấp, và dù 2 năm qua không có lũ quá lớn nhưng đất đá san lấp cũng đã bị nước cuốn đi gần một nửa.
Cách đó không xa, gia đình ông Phan Huy Ngọc cũng đang lo nhà bị cuốn trôi lúc nào không hay. Ông Ngọc cho biết sau các đợt mưa lũ, móng nhà, nền, sàn gạch đều bị nứt nẻ. Hai căn nhà gỗ của gia đình ông bị xô nghiêng, phải chằng chống. Năm 2019 chủ đầu tư nhà máy thủy điện Châu Thắng đã cử người xuống kiểm tra thiệt hại, hỗ trợ ông 100 triệu đồng. Ông thuê người sửa lại nhà, nhưng cuộc sống gia đình ông vẫn chưa yên ổn.
Đề xuất xây kè hàng chục tỉ
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Nghệ An, hiện tượng sạt lở ở bản Minh Tiến xảy ra với chiều dài khoảng 1.000 m, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng và tài sản của 22 hộ dân. Nhiều bụi tre, công trình phụ của người dân bị trôi xuống sông, tường nhà dân nứt nẻ. Nguyên nhân sạt lở, báo cáo nhận định có tác động của việc thủy điện xả lũ, gây ngập kéo dài, tạo sóng lớn khiến đất ven sông bị xói lở. Theo người dân địa phương, hiện tượng sạt lở mạnh chỉ xảy ra từ cuối năm 2017, kể từ khi thủy điện Châu Thắng tích nước. Thủy điện này có công suất 14 MW với tổng dung tích hồ chứa 18,21 triệu m3.
Mới đây, UBND H.Quỳ Châu đã vận động doanh nghiệp hơn 400 triệu đồng hỗ trợ gia đình ông Phan Huy Ngọc di dời nhà đến nơi ở mới. Tuy nhiên, ông Ngọc không đồng ý vì thấy không thỏa đáng. “Gây sạt lở không phải do hiện tượng thiên nhiên, thời tiết mà do thủy điện xả lũ nên chúng tôi không đồng ý với kiểu hỗ trợ này”, ông Ngọc nói.
Ông Nguyễn Thanh Hoài, Chủ tịch UBND H.Quỳ Châu, cho biết để quy hoàn toàn trách nhiệm cho thủy điện Châu Thắng phải có đánh giá, kết luận của cơ quan chuyên môn, nhưng hiện nay chưa làm được. Để đảm bảo an toàn cho các hộ dân này, huyện đã đề xuất tỉnh Nghệ An bố trí kinh phí để xây dựng bờ kè chống sạt lở với kinh phí hàng chục tỉ đồng và đang chờ phê duyệt.
Bình luận (0)