Đôi giày đặc biệt
|
Hầu như ngày nào cũng vậy, khoảng 3 - 4 giờ sáng là bà Kiều Thị Ánh Liên trở dậy lo cơm nước cho con cái và chuẩn bị đi làm công nhân. Cái bóng đèn treo trên ngôi mộ trước căn chòi của mẹ con bà đã bị sét đánh, thế là bà phải mò mẫm nấu cơm, rồi ra cái hồ phía trước giặt đồ, khi bóng tối vẫn còn bao phủ những hàng mộ ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa, TP.HCM.
Bà Liên cho biết bà mắc nhiều bệnh, trong đó có chứng thiếu máu não. Có lần bà bị xỉu té xuống gần hồ nước, may mà đứa con phát hiện kịp... "Sao chị không bật đèn trong chòi?", chúng tôi thắc mắc. Bà Liên khẽ khàng: "Để cho tụi nhỏ ngủ, có sức đến trường".
Hiện cả ba đứa con của bà Liên đều được đi học. Trong đó, Kiều Minh Đ. (16 tuổi) bị yếu một mắt, chân đi không vững, đang theo học lớp 6 Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.Tân Phú. Còn Kiều Minh V. (12 tuổi) học lớp 4 và Kiều Minh T. (6 tuổi) học lớp 1 tại Mái ấm Thiên Ân.
Bà Liên kể: “Mới đây, thằng Đ. được cho một đôi giày để đi học. Tui phải làm đơn xin trung tâm cho nó mang giày khác màu so với bạn bè. Thành ra đôi giày của nó là đặc biệt nhất trong trường”.
|
Minh Đ. khoe với chúng tôi, em mới đoạt giải trong một cuộc thi làm thơ ở trường và Đ. dành toàn bộ tiền thưởng 80.000 đồng để “mua sữa cho mấy đứa em”. Đ. bày tỏ: “Con ao ước có cái nhà để ở. Nơi đây ô nhiễm, các em con thì còn nhỏ quá. Con sợ chúng nó thấy cái này cái kia không hay rồi bắt chước theo, trong đó có hút chích xì ke”. Đ. mơ ước sau này làm trong lĩnh vực tin học, trong khi cả hai đứa em của Đ. đều thích làm bác sĩ. Đặc biệt, cậu bé Minh V. có vẻ ngoài trầm tĩnh, tuyên bố: “Con là thanh niên nên phải mạnh mẽ. Con phải học giỏi để sau này giúp mẹ!”.
Đường học gập ghềnh
“Em Hồng Thủy ở trong nhà mồ chú Hỏa học rất chăm, rất giỏi!”, anh Dương Thanh Quý, Phó bí thư Đoàn P.Tân Đông Hiệp (Dĩ An, Bình Dương) cho chúng tôi biết.
Anh Quý nhận xét: “Do hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn nên Thủy không được đến trường. Năm 2010, lớp học tình thương khu phố Tân An được mở ra và Thủy cũng bắt đầu tham gia. Lúc đó em rụt rè nhút nhát lắm và chưa biết chữ”.
Được biết, có thời gian Thủy bỏ học mà không báo thầy cô. Hóa ra em phải theo mẹ bán nhang ở trong chùa ở trên núi Châu Thới. Những người phụ trách phải đi vận động, để gia đình cho em trở lại lớp.
Theo chân anh Quý, chúng tôi tìm đến “nhà mồ chú Hỏa” - nơi em Thủy và người thân trú ngụ suốt nhiều năm qua. Ánh sáng nhợt nhạt của chiếc bóng đèn duy nhất trong khu nhà mồ không sao soi tỏ mặt người và làm bớt không khí thâm u.
Hằng ngày, Hồng Thủy (9 tuổi) và đứa em Hồng Nhung (5 tuổi) phụ mẹ bán hủ tiếu trước hẻm. Nhiều buổi tối trong tuần, Thủy tranh thủ đến lớp tình thương. Bà Nguyễn Thị Lan, mẹ bé Thủy, bày tỏ với vẻ âu lo: “Mình thất học rồi, nên muốn cho con đi học đặng sau này kiếm việc làm. Hai đứa nhỏ này không có giấy tờ gì cả, trừ giấy chứng sinh. Mấy lần tui lên phường để xin làm khai sinh cho mấy đứa mà không được. Mình bỏ quê đi đã lâu nên dưới đó đã cắt hộ khẩu rồi”.
|
Gần đây, nhóm tình nguyện Ươm mầm xanh tại TP.HCM hỗ trợ cho Thủy học bổng 400.000 đồng/quý. Dù vậy, anh Dương Thanh Quý vẫn ưu tư: “Lớp tình thương này chỉ nhận dạy từ lớp 1 đến lớp 5. Ban quản lý lớp có xin phường hỗ trợ cho các em một số điều kiện để có thể tiếp tục học ở ngoài sau lớp 5. Nhưng đến thời điểm này em Thủy đã học lớp 4 rồi mà giấy tờ vẫn chưa có”.
Bà Nguyễn Thị Bé Ba, Phó bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận khu phố Tân An, cho biết: Địa phương và tổ phụ nữ ở đây rất quan tâm, đã nhiều lần nêu hoàn cảnh của gia đình bà Lan và giấy khai sinh của chị em bé Thủy, song đây là vấn đề nan giải. “Nói thiệt ra là do cơm áo gạo tiền là chính. Vợ chồng bà Lan tất tả mưu sinh để kiếm tiền mua gạo ăn đắp đổi qua ngày nên không có điều kiện về quê xác nhận thường trú”, bà Bé Ba cho biết.
Trong khi đó, chị Trần Thị Hồng (tá túc ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa) vẫn chưa thể nào cho đứa con 6 tuổi là Trần Hồng Phúc đến trường. Chị Hồng nói: “Có lẽ chờ khi nó được 7 tuổi, tui xin cho nó vào lớp tình thương”. Chị cho hay, đã mấy lần chị định cho đứa con gái đầu (14 tuổi, lớp 8) nghỉ học, vì không lo nổi học phí. Riêng em Trần Hoàng Long (12 tuổi, lớp 6) may mắn hơn, bởi vẫn còn nhận được sự hỗ trợ ít nhiều từ một cơ sở từ thiện. Chị Hồng tâm sự: “Mình rất muốn cho con đi học. Tụi nhỏ cũng luôn đòi đến trường. Nhưng cuộc sống quá bấp bênh, không biết cầm cự tới chừng nào”.
Vượt lên nghịch cảnh bản thân và nỗi lo của người lớn, cô bé Hồng Thủy sống trong “nhà mồ chú Hỏa” và hơn 10 đứa trẻ trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa mà chúng tôi gặp được vẫn ngày đêm cần mẫn đến lớp tìm chữ.
Điều nghiệm ra khi sống với... người chết Đã 21 năm qua, ông bà Trần Văn Hẹn và Nguyễn Thị Cúc cùng hai đứa con sống trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Ông Hẹn chân chất: “Ngày trước, cô chú bôn ba ở ngoài đời nhiều rồi. Sau chú vận chuyển vật tư cho ông anh để xây mồ mả cho người ta trong này. Ông anh bảo chú đưa vợ con vô đây luôn để làm nghề coi sóc mồ mả. Hồi đó cô chú ở ngoài bãi không à, chứ có chòi chiếc gì đâu. Vậy mà gắn đây luôn như cái nghiệp!”. Ông Hẹn cho hay, người con trai đầu bỏ học sớm và mắc nghiện ma túy, còn người con trai út học tới lớp 11 rồi nghỉ, dù ông “năn nỉ hết lời”. Anh út hiện đã lấy vợ, có hai con (bé trai đang học lớp 1; còn bé gái 4 tuổi). Ông Hẹn tâm sự: “Chừng nào nhà nước giải tỏa nghĩa trang, chắc tụi tui phải ra ngoài cho tụi nhỏ đi học. Còn tui thực tình chỉ muốn ở đây thôi, hoặc nếu phải đi thì muốn về vùng nông thôn cất cái chòi nho nhỏ để ở, nuôi vài con gà. Tui thích chốn yên tịnh, đời bon chen lắm cũng chả được gì, chết rồi có mang theo được gì đâu. Đó là những gì tui nghiệm ra khi sống với... người chết trong nghĩa địa này!”. |
Như Lịch - Thanh Nam
>> Sống trong nghĩa địa
>> Cảnh báo dịch viêm não tăng ở trẻ nhỏ
>> Vẹo cột sống ở trẻ nhỏ
>> Rất khó chẩn đoán chứng đau ở trẻ nhỏ
Bình luận (0)