Sống trong nghĩa địa

30/09/2014 02:00 GMT+7

Ban đêm, bất đắc dĩ phải đi giữa nghĩa địa với hàng nghìn ngôi mộ, có lẽ ai cũng cảm thấy rợn người. Ấy vậy mà có nhiều gia đình với những đứa trẻ bao năm qua đã gắn đời mình bên các nấm mồ!

>> Phá trường gà trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa
>> Xây dựng khu thương mại dịch vụ tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa
>> Duy trì 13 lò hỏa táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa

 Mẹ con bà Kiều Thị Ánh Liên sống trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa - Ảnh: Như Lịch
Mẹ con bà Kiều Thị Ánh Liên sống trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa - Ảnh: Như Lịch

Bốn thế hệ

Một trong những gia đình có nhiều đứa trẻ sống trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM) là gia đình chị Trần Thị Hồng với 4 cháu. “Năm 1985, khi mới lọt lòng tôi đã sống ở đây. Nhưng mẹ và ngoại tôi đã ở nơi này từ năm 1980. Cả 4 đứa con của tôi sau khi chào đời ở bệnh viện được mấy ngày cũng về đây sống cho đến tận bây giờ”, chị Hồng bộc bạch.

Đó là các em: Trần Thanh V. (14 tuổi), Trần Hoàng L. (12 tuổi),  Trần Hồng P. (6 tuổi) và Trần Thị X. (2 tuổi). Trừ bé X. còn quá nhỏ, còn lại các trẻ ở đây đều rất rành rẽ nghề “gõ mả” và lau mộ. Chúng tôi từng chứng kiến cảnh cu Phúc cầm dao, cầm bay hì hục cạo sơn trên những nấm mộ rồi dùng chổi quét sạch một cách thuần thục.

Bà Trần Thị Nghĩa, ngoại của đám trẻ, cũng chuyên làm nghề chăm sóc mồ mả cho thiên hạ. Tuy nhiên, tiền công của cái nghề này chẳng đáng là bao khi không ít mộ phần ở nghĩa trang này là vô thừa nhận. Mặt khác, những năm gần đây, nhiều người dân đã tiến hành hốt cốt cho thân nhân của họ, khi hay tin về chủ trương sắp di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

Cũng như bà Nghĩa, chị Hồng nhiều năm qua cũng mưu sinh bằng việc lau mộ. Khi không còn người thuê, chị xin làm công nhân trong một xưởng inox. Chúng tôi gặp chị trở về “nhà” trong buổi hoàng hôn nhập nhoạng ở nghĩa trang. Giải thích về nhà tương tế Thanh Hóa, nơi chúng tôi đang đứng trò chuyện, chị Hồng nói: “Hồi trước, chỗ này là nhà quàn xác”. Cạnh đấy, gia đình chị Hồng che tạm mấy cái chòi nhỏ để chui ra chui vào. Giọng chị Hồng như e ngại: “Thực sự người ta đâu cho mình ở đây, vì đây là nghĩa trang. Nhưng cùng đường, tụi mình mới tá túc nơi này”.

“Cùng đường mới vào đây”

Đi sâu vào bên trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa, chúng tôi tiếp tục chứng kiến những đứa trẻ khác, cũng đã và đang trải qua tuổi thơ giữa bốn bề mồ mả.

Căn chòi nhỏ nằm giữa các lớp mộ, cách khá xa đường Tân Kỳ Tân Quý là nơi trú ngụ của bà Kiều Thị Ánh Liên (41 tuổi) và ba đứa con: Kiều Minh Đ. (16 tuổi), Kiều Minh V. (12 tuổi) và Kiều Minh T. (6 tuổi).

Bà Liên tâm sự, do thường xuyên bị chồng hành hạ, bà đành ôm con trốn về quê mẹ ở H.Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Tại đấy, bà đi làm thuê làm mướn kiếm sống, để mấy đứa con ở nhà mà lòng canh cánh nỗi lo. “Cậu ruột tụi nhỏ bị câm và bệnh tâm thần, cứ bồng mấy đứa cháu dộng ngược đầu xuống cái giếng, còn chân thì đưa hổng lên trời. Tôi sợ quá nên phải dắt díu con ra đi”, bà Liên nhớ lại.

Theo bà Liên, khi xuống TP.HCM, mẹ con bà không biết đi đâu ngoài nghĩa trang Bình Hưng Hòa - nơi có đứa em gái bà làm nghề giữ mả. “Mẹ con tui lang thang qua các ngôi mộ, tối ngủ ngoài nhà mồ kia kìa. Ở riết ngoài đó, mấy ông địa phương xuống hỏi, mình nói thật hoàn cảnh của mình, họ không nỡ đuổi. Về đây 4 - 5 năm nay nhưng mình không có giấy tạm vắng tạm trú gì cả”, bà Liên bày tỏ.

Nói về căn chòi đang ở, bà Liên cảm kích cho hay, đó là nhờ bà Tư Phấn, một người giữ mả lâu năm trong khu đất tư này đã thương tình nhường cho. Không những vậy, bà Tư Phấn còn giới thiệu trường tình thương cho mấy đứa con bà Liên vào học.

Tại khu phố Tân An, P.Tân Đông Hiệp (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), đã 10 năm nay gia đình bà Nguyễn Thị Lan (48 tuổi) cũng trú ngụ ở một nơi rất đặc biệt, mà người dân ở đó gọi là “nhà mồ chú Hỏa”. Cả 5 đứa con của bà Lan đều trải qua tuổi thơ ở cái chốn vốn là chỗ ở của người chết. Trong đó, hai bé Hồng Thủy (9 tuổi) và Hồng Nhung (5 tuổi, con của bà Lan với người chồng sau) ở đây từ khi mới sinh ra cho đến tận bây giờ. Cả hai bé gái này đều không có giấy khai sinh.

Làm bạn với những ngôi mộ

Thật xót xa khi biết rằng, “bạn bè” thân thiết của ba chú bé Kiều Minh Đ., Kiều Minh V. và Kiều Minh T. là mấy con chó, hai con mèo hoang và vài cây trứng cá, cây ổi, cây bình bát mọc đây đó trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Bà Kiều Thị Ánh Liên xót xa cho biết, thấy bạn được đi chơi ở Đầm Sen, đứa con út của bà là Kiều Minh T. về ao ước mẹ... bị bệnh tim. Bà Liên hỏi: “Sao con ước vậy?”, T. hồn nhiên đáp: “Để mấy cô chú kia vô đưa mẹ đi chữa bệnh và con được đi chơi như các bạn”.

Còn Kiều Minh Đ. kể rằng, những lúc buồn quá, em thường đi thơ thẩn giữa những ngôi mộ. Đặc biệt, Đ. thường viết nhật ký rồi mang ra phía trước đốt nhang, đọc cho... người đã khuất nghe. “Chú ấy là “hàng xóm” gần căn chòi tụi con nhất, nên con coi chú ấy là người bạn lớn tuổi của mình. Có chuyện gì, con hay tâm sự với chú ấy”, Đ. chia sẻ.

Chúng tôi hỏi: Ở đây có sợ không con? Kiều Minh Đ. nói: “Mấy tuần đầu con khóc hoài. Con năn nỉ mẹ dẫn đi chỗ khác đi, vì chỗ này ghê quá! Một đêm mưa gió tầm tã, con ngủ bên tấm ván này, còn mẹ ngồi bó gối với hai em trên giường, không dám ngủ vì lo chòi sập hay có chuyện gì. Rồi con mệt quá ngủ thiếp đi. Tới nửa đêm, con thấy có bàn tay quơ qua quơ lại bên cửa sổ, như là người ta đói về xin ăn hay là đuổi mình đi vậy”.

Còn Kiều Minh V. thì nói: “Hồi mới chuyển về đây con sợ ma lắm, mắc tiểu là nín luôn”.

Chúng tôi hỏi: “Có khi nào tụi con buồn về chỗ ở của mình?”.

Kiều Minh Đ. nói với giọng buồn buồn: “Lúc mới đi học, con khóc suốt vì mặc cảm với bạn bè. Sau này con tự an ủi và nghĩ lại, là mẹ đã cố gắng, vất vả vì tụi con nhiều rồi”.

Tương tự ba cậu bé trên, mấy đứa con của chị Trần Thị Hồng cũng quẩn quanh với những trò chơi năm mười trốn tìm, mà nơi núp là những tấm bia, ngôi mộ. Có những buổi trưa hoặc xế chiều, các em len lỏi trong nghĩa địa để bắt chuồn chuồn, tìm hoa dại hay hái ổi ăn.

Tối 8.9, chúng tôi lại ghé vào nghĩa trang Bình Hưng Hòa, để xem các bé ở đây có vui chơi trong đêm trung thu này hay không. Tuyệt nhiên không có gì! Càng vào sâu càng lặng như tờ, chỉ có ánh trăng huyền ảo trên hàng ngàn ngôi mộ...

Như Lịch - Thanh Nam

>> Nghĩa trang của cha xứ: Bài 2: Giáo dục ở… nghĩa trang!
>> Nghĩa trang của cha xứ
>> Kẻ cướp trong nghĩa trang
>> Hàng nghìn người tham gia lễ cầu siêu tại nghĩa trang Bình Dương
>> Đồi rác trước nghĩa trang
>> Kẹt xe cục bộ đường vào nghĩa trang
>> Nghĩa trang Nhân dân Bình An có bị giải tỏa?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.