Sống trong tâm dịch bạch hầu

19/07/2015 05:17 GMT+7

Khoảng 1 tuần qua, trong túi áo nhiều người dân thôn 8A và 8B (xã Phước Lộc, H.Phước Sơn, Quảng Nam) luôn có vài viên thuốc kháng sinh. Họ dùng nó để chống chọi với dịch bạch hầu quái ác.

Khoảng 1 tuần qua, trong túi áo nhiều người dân thôn 8A và 8B (xã Phước Lộc, H.Phước Sơn, Quảng Nam) luôn có vài viên thuốc kháng sinh. Họ dùng nó để chống chọi với dịch bạch hầu quái ác.

Hai thôn 8A và 8B, xã Phước Lộc, nơi lưng chừng rừng già đang phải gánh chịu dịch bệnh bạch hầu - Ảnh: Hoàng Sơn
Nói chuyện qua… khẩu trang
Sau khi phát hiện ổ dịch bạch hầu tại thôn 8A và 8B, xã Phước Lộc, H.Phước Sơn (Quảng Nam), Bộ Y tế đã có công điện đề nghị Sở Y tế Quảng Nam khẩn trương phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang thực hiện ngay việc tiêm vắc xin chống dịch.   
 H.X.H
Xã Phước Lộc nằm lọt thỏm giữa bạt ngàn núi rừng Trường Sơn. Từ huyện lỵ, để vào được địa phương này phải mất 2 giờ chạy xe máy, qua những cung đường cheo leo và hiểm trở. Mấy hôm nay, xã liên tục đón những đoàn xe chở cán bộ y tế vào ra. Từ khi căn bệnh lây lan nhanh, 2 thôn 8A và 8B trở thành địa danh mà nhiều người muốn đến cũng phải dè chừng. Ngay từ cổng vào thôn, người ta đã dựng barie bằng tre để cách ly khu vực nhiễm bệnh. Cư dân trong làng hạn chế ra ngoài nếu không có việc gì cần thiết.
Chúng tôi vào vùng dịch khi quá trưa 16.7. Từ xa, những ngôi nhà của đồng bào Bh’noong hiện ra trong lúp xúp mái tôn, vách nứa. Trước căn nhà của một gia đình vừa có người chết do bạch hầu, một đám thanh niên bịt kín khẩu trang đang vô tư đánh bài. Dọc con đường qua làng tuyệt nhiên không nhà nào mở cửa dù họ vốn rất hiếu khách. Thấy có người lạ, anh Hồ Văn Thau (19 tuổi) đặt những quân bài xuống chiếu rồi nói qua lớp khẩu trang dày: “Cái bụng thì ưa nói chuyện lắm nhưng ai cũng ngại lây bệnh. Cái bệnh chi lạ, nói chuyện với nhau thôi mà cũng lây. Giờ ai cũng sợ, làng chết nhiều người quá rồi…”.
Thau kể, tháng 5 vừa rồi ở 2 thôn đã chết 3 người “chỉ vì đau ở cái họng”. Người dân cứ nghĩ là bệnh bình thường nên chẳng ai đề phòng gì. Nhưng rồi đến tháng 7, có thêm 3 người chết nữa, tất cả có biểu hiện giống nhau. Lúc này dân làng mới thấy sợ.
Hồ Văn Đạt (15 tuổi), một trong những bệnh nhân điều trị tại chỗ, bảo ban đầu không biết bệnh lây qua nói chuyện, tiếp xúc nên không “kiêng cữ” gì rồi bị nhiễm. Đến khi hiểu chuyện, đi đâu Đạt cũng đeo khẩu trang. Đánh bài với đám bạn nhưng Đạt ngồi khá xa, khẩu trang đeo kín chỉ để lộ đôi mắt. “Em đang bị bệnh nên giờ phải giữ để không lây cho người khác. Giờ mỗi ngày em đều uống thuốc 2 lần đấy”, Đạt nói rồi lục trong túi áo lấy ra 2 viên thuốc kháng sinh màu hồng đưa chúng tôi xem.
Những viên thuốc người làng được cấp để chống chọi với bạch hầu
“Cưỡng chế” người bệnh đi chữa
Không phát sinh thêm ca bệnh mới
Ông Huỳnh Tấn Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế H.Phước Sơn, cho biết sau 10 ngày nỗ lực khống chế dịch bệnh, đến hôm qua 18.7 tại ổ dịch bạch hầu thôn 8A và 8B không phát sinh thêm ca bệnh mới.
Ông Dũng thông tin, vào ngày 16.7, trước việc 6 bệnh nhân đang điều trị các triệu chứng bạch hầu tại trung tâm nằng nặc đòi về nhà vì cho rằng đã khỏi bệnh, trung tâm đã bố trí xe đưa họ về. “Sau khi về nhà, 6 bệnh nhân này vẫn được các bác sĩ túc trực tại địa phương theo dõi và cho uống thuốc. Hiện 10 bệnh nhân nghi nhiễm bạch hầu (có 4 ca điều trị tại chỗ) đã ổn định sức khỏe”, ông Dũng nói và cho biết công tác chống dịch bệnh lây lan vẫn đang tiếp tục triển khai. Theo đó, lực lượng chức năng phun thuốc tiêu độc, khử trùng 2 ngày 1 lần đồng thời “giám sát” chặt chẽ việc uống thuốc kháng sinh của người dân vùng dịch.
Nếu không có chuyện người dân túng quẫn phải ra UBND xã xin tiền về làm ma chay cho người thân thì chính quyền nơi đây cũng khó có thể phát hiện “cơn lốc” bạch hầu đang càn quét 2 ngôi làng này. “Dễ gì họ báo cho mình về bệnh tật, bởi người dân nơi đây còn lạc hậu và rất mê tín. Có người gãy tay lòi cả xương ra ngoài mà vẫn mời thầy về cúng bái mong cái tay có thể liền xương”, ông Nguyễn Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, nói như phân trần chuyện ổ dịch chậm được phát hiện.
Ông Toàn kể, khi mới phát hiện bệnh, chính quyền xã vào vận động người dân về trạm xá để khám và điều trị, nhưng không một ai chịu đi. Cuối cùng, xã, huyện phải ra “quyết định cưỡng chế” và đem về trạm xá được 8 trường hợp có biểu hiện sưng hạch. “Nhưng khổ nỗi, khi được đưa đi chữa trị, được cấp sữa, thức ăn thì dân lại không chịu uống thuốc. Ngành y tế mới nghĩ ra cách phát từng bữa và cẩn thận đứng xem từng bệnh nhân uống thuốc mới ra về”, ông Toàn kể.
Cũng theo ông Toàn, hai thôn 8A và 8B có tổng cộng 43 hộ với 228 nhân khẩu. Tất cả đều là hộ nghèo. Dù ở cách trung tâm xã chỉ khoảng 10 phút đi xe máy và cũng không phải là xa nhất xã, nhưng 2 thôn lại là “vùng trũng” về nhận thức của người dân. Trẻ em liên tục bỏ học, vận động người dân làm việc gì cũng khó. Ngay cả chuyện tiêm chủng để bảo vệ bản thân mà họ cũng từ chối. Nếu không bị bệnh nặng thì không cách nào đâm mũi kim, tiêm thuốc cho đồng bào được. Còn với trẻ em, người dân không bao giờ để con họ “bị” tiêm vắc xin. “Nhà nào có người bị bệnh, nếu cúng bái 10 ngày mà không khỏi họ mới đem tới trạm xá xã. Mà từng đó đã là quá trễ. Đến khi người bệnh ra khám thì nhiều ca đành bó tay”, ông Toàn nói và dẫn chứng: “Mới đây, con của Hồ Văn Thiên là Hồ Thị Đẫy (2 tuổi) có những biểu hiện nhiễm bạch hầu. Thay vì đem con đi khám thì Thiên lại mời thầy về làm phép. Cán bộ tìm đến nhà để trực tiếp khám, Thiên xách dao dọa”.
Không chỉ tin vào bùa chú, Thiên còn tìm mua một con trâu to, gà vịt, rượu cần… với tổng “thiệt hại” khoảng 25 triệu đồng để tổ chức một lễ đâm trâu thuộc hàng đình đám nhất nhì làng từ trước đến nay. Chúng tôi hỏi: “Tiền đâu để mua trâu?”, Thiên chỉ cười: “Không có thì cũng phải vay để cứu con chứ. Thầy cúng dặn sao thì mình làm vậy. Con mình cũng ở trong nhà thôi, không được đưa đi đâu hết”. Sau khi làm lễ đâm trâu xong, căn nhà Thiên cửa chốt then cài, “ngoại bất nhập” trong vòng 10 ngày. Bác sĩ đến khám cho con Thiên cũng chỉ được đứng ngoài hiên vì… kiêng kỵ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.