Theo Financial Times, Kimio Maki, người đứng đầu mảng kinh doanh điện tử của Sony cho biết việc tăng tốc tự động hóa nhà máy sẽ được kết hợp với việc tập trung nhiều hơn vào bán hàng trực tuyến và phân tích dữ liệu để cắt giảm chi phí sản xuất, đồng thời cũng giúp giảm thiểu các lỗi sản phẩm.
Ông tin rằng việc lắp đặt dây chuyền sản xuất không cần người vận hành dự kiến sẽ cắt giảm 70% chi phí tại nhà máy sản xuất TV chính của Sony ở Malaysia vào năm tài chính 2023 so với năm 2018. Tập đoàn cũng có tham vọng sử dụng robot trong sản xuất điện thoại thông minh và máy ảnh trong tương lai, nhưng vẫn sẽ duy trì một số nhân sự trong nhà máy.
Kế hoạch sẽ được thực hiện cùng với việc tăng cường tập trung vào bán hàng trực tuyến và phân tích dữ liệu. Dữ liệu bán hàng sẽ được phân tích bằng trí thông minh nhân tạo để thiết lập hiệu quả hơn khối lượng sản xuất.
Việc thúc đẩy kỹ thuật số để đạt được hiệu quả chi phí xuất hiện khi chiến lược của Sony trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng đã được khởi động. Tập đoàn đã khắc phục được khoản lỗ từ TV kéo dài hơn một thập kỷ và ổn định hoạt động tài chính của mình bằng cách chuyển sang các sản phẩm có số lượng nhỏ hơn nhưng cao cấp hơn.
Không chỉ đơn thuần bán phần cứng như TV Bravia và điện thoại thông minh Xperia, Maki được giao nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ hấp dẫn khiến người tiêu dùng quan tâm và quay lại, tạo ra doanh thu định kỳ.
Mặc dù Maki cho biết công ty sẽ tiếp tục bán phần cứng và dịch vụ cho người tiêu dùng, nhưng một phần trong mục tiêu tăng trưởng của họ sẽ đến từ các sản phẩm dành cho mục đích chuyên nghiệp, chẳng hạn như màn hình LED pha lê để sản xuất video ảo và công nghệ theo dõi đối tượng cho ngành giải trí thể thao. Về lâu dài, Sony cũng muốn hướng đến không gian giải trí dành cho ô tô.
Sự thay đổi này cũng đã cải thiện lợi nhuận của các mảng kinh doanh điện tử và y tế của Sony, với tỷ suất lợi nhuận hoạt động của họ tăng lên 7,2% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2021 so với 3,3% trong năm tài chính 2018. Maki nói với các nhà đầu tư rằng ông muốn tăng con số đó lên 10%.
Các nhà phê bình từ lâu đã chỉ ra sự yếu kém của Sony trong mảng dịch vụ và nền tảng kỹ thuật số là lý do lớn khiến nhà sản xuất Walkman thua trận trước iPod của Apple và Kindle của Amazon, mặc dù nắm giữ danh mục giải trí phong phú bao gồm trò chơi, âm nhạc, phim và hoạt hình. Một thách thức khác là cấu trúc phân cấp và riêng biệt của Sony, khiến các bộ phận của tập đoàn gặp khó khăn trong việc hợp tác trong một hệ sinh thái tích hợp nhiều sản phẩm khác nhau.
Maki lập luận điều đó đã thay đổi kể từ khi Sony tách các mảng kinh doanh điện tử của mình thành một công ty con riêng biệt và sáp nhập các mảng kinh doanh âm thanh, TV, điện thoại di động, máy ảnh và y tế thành tổ chức duy nhất vào tháng 4 vừa qua.
“Bằng cách tập hợp lại với nhau dưới một tổ chức và cơ cấu quản trị duy nhất, giờ đây chúng tôi có thể hợp tác hữu cơ để tạo ra những điều mới mẻ. Điều đó không chỉ áp dụng cho việc tạo ra sản phẩm mà còn cho việc thu mua, sản xuất, phát triển sản phẩm và bán hàng", ông nói.
Bình luận (0)