"Cò đất" là người địa phương
Những năm qua, đất của nhiều hộ dân xã Ea Drơng (H.Cư M'gar, Đắk Lắk) hầu như đã được giới bất động sản thu mua. Với niềm tin bán đất giá cao để mua đất rẫy canh tác, người dân lại rơi vào tình cảnh éo le, sổ đỏ biệt tăm, tiền mua đất chưa được nhận đủ và chỉ hy vọng vào lời hứa của… "cò đất".
Xã Ea Drơng (H.Cư M'gar) nhìn từ trên cao
ẢNH: HỮU TÚ
Thời gian qua trên địa bàn xã Ea Drơng xuất hiện nhiều bảng hiệu "đất tranh chấp, không mua bán" dọc các tuyến đường. Những người dân ở đây cho biết, họ bị "sập bẫy" bởi chiêu trò của "cò đất".
Ông Y.B Niê (trưởng buôn Yông B) cho hay vào năm 2022, gia đình đã bán hơn 1.200 m2 đất cho giới bất động sản với giá 1,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, gia đình chỉ mới nhận được 200 triệu đồng, sổ đỏ "không cánh mà bay".
"Thời điểm đó, gia đình tôi bán đất vì được trả giá cao. Chúng tôi cũng ấp ủ, sau khi bán đất sẽ đi mua đất rẫy để canh tác. Tuy nhiên, người mua chưa trả đủ tiền, sổ đỏ cũng mất. Người mua đã phân lô, bán hết đất của tôi", ông Y.B Niê kể.
Ông Y.B Niê cho biết thêm, gia đình đã nhờ luật sư để khởi kiện người mua đất vì vi phạm hợp đồng. Không chỉ gia đình ông Y.B vướng vào tình cảnh này, nhiều hộ dân trong buôn Yông B cũng gặp trường hợp tương tự.
Người dân rơi vào tình cảnh éo le vì "cò đất"
ẢNH: HỮU TÚ
Đối với hộ ông Y.K Niê, gia đình đã bán khoảng 2.000 m2 đất với giá 2,4 tỉ đồng nhưng đến nay chỉ nhận được 900 triệu đồng. Gia đình ông đã gửi đơn từ kiến nghị đến chính quyền địa phương để xử lý việc "cò đất" vi phạm hợp đồng, không trả đủ tiền mua bán đất, lừa mất sổ đỏ.
"Chúng tôi tin tưởng "cò đất", môi giới là người trong buôn nên gia đình mới chấp nhận bán đất và giao sổ đỏ cho họ. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi chưa nhận đủ tiền, đất đã bị bán lại cho nhiều người khác và xảy ra tranh chấp. Mỗi lần liên lạc, "cò đất" cứ hẹn 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng… để trả tiền nhưng vẫn chưa thấy đâu", ông Y.K Niê bày tỏ.
Xử lý bằng hòa giải
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Tiến Trường, Chủ tịch UBND xã Ea Drơng, cho biết sau khi nhận được đơn từ của người dân kiến nghị, phản ánh về đất đai, chính quyền địa phương tiến hành xác minh và thành lập đội xử lý, tổ chức hòa giải.
Đối với việc xử lý các đơn từ về đất đai, chính quyền sẽ mời cả 2 bên đến trụ sở để tiến hành hòa giải, có được tiếng nói chung. Những trường hợp không đến để hòa giải, chính quyền địa phương sẽ hoàn tất thủ tục chuyển ra tòa.
"Ước tính hòa giải 10 vụ thì chỉ có khoảng 4 – 5 vụ mới thành. Đa số các trường hợp này họ tự thỏa thuận và thống nhất với nhau. Còn phần lớn người mua đất đều bỏ trốn biệt tăm, không chịu phối hợp để giải quyết", ông Trường nói.
Ông Trường cho biết thêm, về trường hợp người môi giới là người địa phương, chính quyền đã tổ chức hòa giải và người này đã hứa là sẽ trả lại tiền cho các hộ dân. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, người này vẫn chưa trả lại tiền.
Đợt "sốt đất" lần 2 tại địa phương, đây chỉ là chiêu trò mua qua bán lại trong giới bất động sản, đẩy giá đất lên cao để thu hút người mua. Đất của người dân đã được giới bất động sản mua hết từ đợt "sốt đất" lần một (năm 2020).
"Chúng tôi khuyến cáo người dân khi mua bán đất nên đến trụ sở xã để làm việc, tránh bị lừa đảo như thời gian trước. Nếu thông qua phòng công chứng tư nhân, người dân sẽ không được hướng dẫn, đọc rõ các điều khoản thì sẽ rơi vào cảnh tiền mất tật mang…", ông Trường nhấn mạnh.
Bình luận