(TNO) Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh tùng-Côn trùng T.Ư cho biết: Các ca bệnh sốt rét kháng thuốc đã được phát hiện tại 4 tỉnh: Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai và Quảng Nam.
>> Sốt rét diễn biến phức tạp
>> Dụng cụ phát hiện thuốc trị sốt rét giả
>> Vắc xin ngừa sốt rét đầu tiên mất hiệu quả sau khi tiêm 4 năm
>> Sốt rét kháng thuốc có chiều hướng gia tăng
>> Sốt rét và dịch tay chân miệng lây lan ở miền núi
>> TP.HCM xuất hiện ổ dịch sốt rét
>> Đột phá trong đối phó bệnh sốt rét
Theo tiến sĩ Dương, sốt rét kháng thuốc gây nguy hiểm bởi vì bệnh nhân phải kéo dài ngày điều trị. Nếu thông thường sau 3 ngày điều trị bệnh nhân đã hết ký sinh trùng trong máu nhưng với trường hợp kháng thuốc có thể phải 7-10 ngày. Đáng lo ngại, sốt rét kháng thuốc gây bệnh nặng hơn, ác tính, nguy cơ tử vong cao hơn. Việc điều trị khó khăn hơn vừa phải dùng thuốc kết hợp, vừa phải điều trị dài ngày. Tỷ lệ bệnh nhân bị sốt rét kháng thuốc tại một số vùng trọng điểm của nước ta chiếm từ 10-20% các ca mắc sốt rét. Việc điều trị cần được áp dụng theo phác đồ mới ban hành trong năm 2014, cập nhật về thuốc điều trị (liều lượng, sử dụng thuốc kết hợp) để đạt hiệu quả, tránh tử vong.
|
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của sốt rét kháng thuốc do việc tuân thủ điều trị không đúng liều, không đủ thời gian. “Nhưng đặc biệt, đã phát hiện nguyên nhân của sốt rét kháng thuốc là do ký sinh trùng sốt rét có biến đổi gen. Người ta đã xác định được ký sinh trùng có đột biến gen (gen K13) khiến chúng có khả năng kháng thuốc điều trị sốt rét. Tại Việt Nam cũng đã tìm thấy ký sinh trùng kháng thuốc này trên bệnh nhân sổ rét kháng thuốc”, tiến sĩ Dương thông báo.
Theo Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng T.Ư, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 11.070 bệnh nhân mắc sốt rét; 29 trường hợp bệnh nhân sốt rét ác tính và 1 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2013, số bệnh nhân mắc giảm 34,7%, số bệnh nhân sốt rét ác tính giảm 30,9% và số tử vong do sốt rét giảm 2 trường hợp. Tuy nhiên, tiến sĩ Dương nhận định, nguy cơ sốt rét quay trở lại và nguy cơ bùng phát dịch sốt rét rất cao ở nhiều địa phương do: số người sống trong vùng sốt rét lưu hành còn cao, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện ở một số tỉnh và có nguy cơ lan rộng ra nhiều địa phương khác, muỗi truyền bệnh kháng với hóa chất, di biến động dân cư giữa vùng có sốt rét lưu hành và vùng không có sốt rét lưu hành.
Tiến sĩ Trần Thanh Dương cũng cảnh báo thêm về việc đã ghi nhận các ca mắc sốt rét là những người đi xuất khẩu lao động về từ một số quốc gia ở châu Phi. “Các trường hợp xuất khẩu lao động đi về từ vùng có sốt rét cần lưu ý khi có sốt cao kéo dài cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị, tránh để bệnh nặng có thể gây tử vong”, tiến sĩ Dương khuyến cáo.
Liên Châu
Bình luận (0)