Sau lá thư “dọa” tự hạ giải, đảo ngói chùa Một Cột - Diên Hựu dột nát, cuối cùng thì cuộc đối thoại giữa sư trụ trì Thích Đức Kiên và Q.Ba Đình (Hà Nội) đã diễn ra chiều qua (8.5). Trong suốt thời gian đó, ông Kiên nói lên nỗi khổ của chùa, còn phía quận tiếp tục khẳng định chùa tuy có xuống cấp nhưng cũng đã được tu sửa.
|
“Hết mưa thì sẽ rút hết”
“Năm 2009, quận giao cho ban dự án điều tra, tìm giải pháp khắc phục tình trạng úng ngập của chùa. Năm 2010, mới thực hiện nạo vét, nâng cấp sân vườn nơi đây. Từ đó đến nay, việc úng ngập ở chùa là không có. Nếu có thì chỉ có úng tạm thời do mưa quá to, nhưng hết mưa thì sẽ rút hết”, ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND Q.Ba Đình nói.
Trên thực tế, việc ngập úng tại chùa Một Cột - Diên Hựu có thể đỡ hơn, song ảnh hưởng của nước ngập ngang bụng vẫn còn lưu dấu trên tường trong cụm di tích này. Nhà thờ tổ cũng long mái. Xà gỗ bị mối ăn toang hoác. Hai bên bàn thờ tam bảo, thay vì lọ hoa là những chậu hứng nước. Ngay cả chiếc cột trứ danh mang ý nghĩa vũ trụ quan của chùa Một Cột cũng có vết nứt.
|
Nhưng cho tới giờ việc tu bổ chùa cũng chưa biết sẽ diễn ra theo hướng nào, tốc độ nào. Bởi cho đến chiều qua, chưa có một phương án kỹ thuật nào được cơ quan chuyên môn, các nhà nghiên cứu thông qua. Cuộc hội thảo khoa học về việc tu bổ chùa mới nhất năm 2011 cũng chưa mang lại một phương án cụ thể. “Chúng tôi tiếp thu ý kiến này để chỉnh sửa dự án. Sau đó quận còn xin ý kiến Hội Phật giáo về việc nên xếp mặt bằng khi tôn tạo chùa như thế nào. Riêng phương án cải tạo sao để chùa có cốt trong khi chùa đang ở vị trí thấp như vậy cũng là nan giải”, ông Bình nói.
Thắc mắc về cây cột trứ danh
Còn nhớ, trong một tọa đàm khoa học về cây cột trứ danh chùa Một Cột, nhà nghiên cứu mỹ thuật Lê Cường đã thắc mắc về chất liệu của cây cột này. “Mặc dù TS Trần Trọng Dương cho rằng cây cột duy nhất của liên hoa đài bằng đá (theo tư liệu - NV), tôi vẫn ước ao có thể biết bên trong lớp bê tông hiện nay tại kiến trúc làm bằng gỗ, hay đá”, nhà nghiên cứu Lê Cường, Viện Mỹ thuật nói. Đáp lại ông, KTS Lý Trực Dũng vô cùng ngạc nhiên khi chính các nhà nghiên cứu vẫn còn chưa biết chất liệu của cây cột này. Khuôn viên chùa lớn đến đâu cũng là một thắc mắc chưa có lời giải đáp.
Tất cả những mơ hồ này cho thấy sự kết hợp từ phía Hà Nội với các nhà nghiên cứu chưa ráo riết. Do đó, dễ hiểu vì sao tới giờ, sau bao năm ngập dột, chưa có một phương án nào được thông qua. Quan trọng hơn, bản thân các nhà nghiên cứu lịch sử, khoa học cũng không thể thay thế hoàn toàn những ý kiến từ phía bảo tồn, trùng tu di tích. “Bảo tồn, trùng tu có những phương pháp tiếp cận riêng mà các nhà nghiên cứu khác không thể thay thế được”, KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nói.
Trao đổi sau cuộc gặp mặt, sư trụ trì chùa Một Cột Thích Đức Kiên cho biết mình tạm hài lòng với giải pháp đã thỏa thuận. Theo đó, nhà chùa sẽ tạm thời chữa dột bằng che chắn. Còn việc trùng tu sẽ chỉ được thực hiện theo đúng pháp luật. Nghĩa là ít nhất sau ngày 15.5 tới đây, sau khi có hội thảo mới có phương án cụ thể. “Tôi hài lòng với cuộc đối thoại... Đây cũng là cuộc đối thoại thứ mười mấy rồi”, nhà tu hành nói.
Tuy nhiên, sự hài lòng này vẫn khiến nhiều người băn khoăn. Bởi nhà chùa chỉ có được cuộc đối thoại trước mùa mưa bão sau khi gửi một tối hậu thư “dọa” hạ giải trái phép. Địa phương, trước đó, trải qua hơn chục cuộc đối thoại với nhà chùa, cũng không thể rốt ráo thực hiện cuộc “thỉnh giáo” để lấy ý kiến khoa học, phương án khoa học. Không thể nói sư trụ trì đúng. Nhưng cũng không thể bảo chính quyền vô can trước việc đáng tiếc này.
Trinh Nguyễn
>> Chùa Một Cột nhận kỷ lục kiến trúc độc đáo nhất châu Á
>> Rải tiền ngay dưới chân chùa Một Cột
>> Sư tử “lạ” ở chùa Một Cột
>> Phiên bản chùa Một Cột tại Thái Lan
Bình luận (0)