Sốt xuất huyết, trách nhiệm của ai?

04/12/2013 10:37 GMT+7

Cô em dâu họ của tôi đang nhập viện vì sốt xuất huyết đã bốn ngày nay, ngay vào thời điểm vụ mùa đang bắt đầu. Bây giờ, chỉ một mình chú Th. Phải cáng đáng vào ban ngày. Còn ban đêm lại vào bệnh viện để canh trực cho vợ. Hôm qua, trong bữa chạp mả, chú than: Đã mất riêu hơn 2,5 triệu đồng để chi phí cho vợ điều trị sốt xuất huyết…

Trong xóm Trên của làng Thanh Quýt, từ sau trận lụt vừa qua đến nay đã có đến 10 trường hợp sốt xuất huyết phải nhập viện như trường hợp vợ chú Th.; có nhà bị đến hai ba mẹ con…

Trên toàn tỉnh Quảng Nam, chỉ một tuần sau lũ, thống kê từ khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm vaccine sinh phẩm, thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh  đã có gần 70 bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết. Trong đó tập trung ở các huyện đồng bằng như huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc và TP.Hội An. Hầu hết các ca sốt xuất huyết đều ở thể nặng, bệnh nhân phần lớn trong tình trạng tiểu cầu giảm, huyết áp thấp và đã có tình trạng xuất huyết niêm mạc…

Đi thực địa tại các vùng trên, hơn 10 ngày sau khi lũ rút, rác và bùn vẫn còn đó trên các đường làng ngõ xóm. Nhiều giếng nước bị ô nhiễm vẫn còn đục ngầu, nhiều cống rãng không được khơi thông, lẫn trong xác cây cối bị ngã đổ khiến tạo nên những vũng ao tù đầy ruồi nhặng và muỗi. Phía đông H.Duy Xuyên hầu như các giếng nước đều bị nhiễm bẩn do nước lũ ngập sâu. Bên cạnh ô nhiễm do bão lũ để lại, dịch bệnh lây lan còn do phân gia cầm gia súc chăn nuôi trong gia đình không được xử lý, gặp mưa lũ lại càng gây hôi thối, tạo môi trường cho ruồi nhặng phát sinh…

Nếu nhìn con số báo cáo về bênh sốt xuất huyết trên toàn tỉnh Quảng nam từ đầu năm đến nay (trên thực tế còn cao hơn), đã thấy có trên 1.300 ca và hơn 115 ổ dịch được xử lý. Tuy may mắn chưa có trường hợp tử vong nào,  nhưng nếu tính mỗi ca điều trị tốn 2 triệu đồng, thì chi phí người dân đã bỏ ra đã đến gần 3 tỉ; chưa kể thiệt hại do bệnh phải nghỉ việc cho điều trị và nghỉ dưỡng sau đó.

Quan sát trên đại bàn Quảng Nam từ sau bão lũ đến nay, chúng tôi nhận thấy ngành y tế chỉ mới hành động thay kiểu “ngứa đâu gãi đó”, nơi nào có bệnh thành “ổ dịch” mới đi phun thuốc. Thông tin trên các đài truyền thanh tuy có chú trọng, nhưng ít người quan tâm và không đồng bộ với các hoạt động y tế trên địa bàn. Ý thức của người dân rất sơ sài cộng với sự thiếu tập trung trong chỉ đạo, thiếu kiên quyết trong biện pháp của các cấp chính quyền cơ sở cũng là khía cạnh đáng quan ngại, khiến dịch bệnh cứ lây lan và kéo dài…

Nguyễn Sông Hàn

>> Dịch sốt xuất huyết bùng phát
>> Cảnh giác biến chứng sốt xuất huyết ở trẻ
>> Sốt xuất huyết đang ở mức báo động
>> Hà Nội: Sốt xuất huyết diễn biến bất thường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.