Sốt xuất huyết vẫn diễn tiến phức tạp

18/11/2015 09:57 GMT+7

Những ngày qua, tại Đà Nẵng dịch sốt xuất huyết (SXH) gia tăng, trong đó có rất nhiều trường hợp mắc bệnh là học sinh, sinh viên.

Những ngày qua, tại Đà Nẵng dịch sốt xuất huyết (SXH) gia tăng, trong đó có rất nhiều trường hợp mắc bệnh là học sinh, sinh viên.

Phun thuốc diệt muỗi, bọ gậy diện rộng trên địa bàn Đà Nẵng - Ảnh: D.HPhun thuốc diệt muỗi, bọ gậy diện rộng trên địa bàn Đà Nẵng - Ảnh: D.H
Ổ dịch ở nhà trọ sinh viên
Sinh viên N.T.M.H (CĐ Việt-Hàn) là một trong những bệnh nhân mắc SXH thể nặng, điều trị tại Trung tâm Y tế Ngũ Hành Sơn nhiều ngày qua. Theo chẩn đoán của BS CKII Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Trung tâm, em M.H bị SXH dạng xuất huyết tiêu hóa, nôn ra máu, đi phân đen... Khi nhập viện tri giác lừ đừ, sốt cao, mỏi cơ, đau đầu... Không xuất huyết ngoài da nên không biết mình bị SXH. Đến khi sốt quá cao, nôn ra máu thì mới nhập viện kịp thời, lúc này mới được chẩn đoán mắc SXH và điều trị đúng hướng, nếu không sẽ rất nguy hiểm.
Cùng khu nhà trọ với M.H cũng có một trường hợp bị SXH phải cấp cứu tại bệnh viện. Khu nhà trọ ngay lập tức được khoanh vùng để phun thuốc diệt bọ gậy.
Tại ký túc xá của Trường CĐ Dạy nghề số 5 (tại 85 Ngũ Hành Sơn), hơn 1 tuần qua cũng có 2 trường hợp sinh viên mắc SXH. Theo ông Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng) thì những trường hợp trong cùng một khu vực có 2 ca mắc, thì được xác định là ổ dịch nhỏ, phải khoanh vùng để phun thuốc diệt bọ gậy.
“Chúng tôi sẽ tiến hành vệ sinh lại khu vực ký túc xá, làm việc với y tế của quận để có hướng xử lý, không để dịch ảnh hưởng đến sức khỏe của các em học viên”, đại úy Huỳnh Quận, Trưởng phòng Hành chính Trường CĐ Nghề số 5 khẳng định.
UBND TP.Đà Nẵng cũng đã có công văn yêu cầu các quận, huyện phối hợp cơ quan chức năng đánh giá tiêu chuẩn phòng trọ, và trong trường hợp cần thiết có thể đóng cửa các nhà trọ không thực hiện đúng quy định vệ sinh môi trường.
Trong khi đó, tại nhiều khu nhà trọ sinh viên, cán bộ y tế xác định không đảm bảo vệ sinh trong công tác phòng dịch bệnh SXH.
Khó khăn trong phòng dịch
Theo yêu cầu đặt ra của UBND TP.Đà Nẵng, cụ thể là tại cuộc họp về tình hình dịch bệnh đầu tháng 11, ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu đến giữa tháng 11 phải khống chế được dịch SXH. Nhưng trong thực tế, dịch SXH vẫn không lắng dịu.
BS Phạm Văn Tài, Giám đốc Trung tâm Y tế Ngũ Hành Sơn cho hay trên địa bàn quận đã tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy. UBND quận đã trích 50 triệu đồng cho kinh phí dập dịch. Nhưng khó nhất hiện nay là những khu vực giải tỏa, nhiều nhà tạm không có người cư trú, mất vệ sinh, ứ đọng nước là nơi phát sinh loăng quăng, bọ gậy rất nhiều. “Những điểm như khu dân cư Bình Kỳ, Trị An, Hải An... là những khu vực ứ đọng nước, dân làm nhà tạm bợ nên rất khó để đảm bảo vệ sinh môi trường. Thêm nữa mưa nắng thất thường, càng dễ phát sinh dịch”, BS Tài cho hay.
Theo BS Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, bệnh SXH tăng nhanh từ tháng 9 đến nay. Tổng số người mắc lên hơn 804 trường hợp, tập trung ở các quận: Liên Chiểu, Sơn Trà, Hải Châu…
Tuy nhiên, theo BS Tôn Thất Thạnh, hiện nhiều người vẫn còn thờ ơ, chủ quan với dịch bệnh SXH. Mặc dù công tác diệt bọ gậy, phòng chống SXH được tổ chức thường xuyên, nhưng người dân vẫn chưa thực sự mặn mà với chuyện... diệt bọ gậy.
Trong khi đó, BS Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng cho rằng nguy cơ dịch SXH vẫn diễn tiến phức tạp. Nếu chúng ta nỗ lực thì có khả năng số ca bệnh không tăng mạnh trong thời gian tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.