Bộ Tài chính Sri Lanka ngày 12.4 tuyên bố vỡ nợ và thông báo với các chủ nợ nước ngoài rằng họ có quyền vốn hóa chi phí lãi vay (cộng tiền lãi vào khoản vay chính) hoặc chọn phương án được hoàn vốn bằng đồng rupee Sri Lanka, theo AFP.
Người dân Sri Lanka chờ đổ xăng tại Colombo ngày 12.4 |
AFP |
Quốc gia Ấn Độ Dương này đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập niên khi mắc khoản nợ nước ngoài lên đến 51 tỉ USD, trong đó ước tính 7 tỉ USD đáo hạn trong năm nay.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu từ ngành du lịch, cộng với chính sách giảm thuế trước đó khiến nguồn thu nhà nước bị thâm hụt. Lượng dự trữ ngoại hối tính đến cuối tháng 3 chỉ còn 1,93 tỉ USD, khiến chính phủ tạm ngừng nhập khẩu nhiều mặt hàng trong khi người dân thiếu thốn đủ thứ từ nhiên liệu, thực phẩm, thuốc men. Tình trạng cúp điện diễn ra kéo dài đến 13 giờ mỗi ngày.
Năm ngoái, các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế hạ mức xếp hạng đối với Sri Lanka, khiến nước này gặp khó trong việc tiếp cận thị trường vốn nước ngoài để vay thêm tiền đáp ứng nhu cầu thực phẩm và nhiên liệu.
Bộ Tài chính Sri Lanka cho rằng biện pháp khẩn cấp mới nhất là phương án sau cùng, được thực hiện nhằm "ngăn vị thế tài chính suy giảm thêm". Trong tuần tới, Sri Lanka dự kiến sẽ bắt đầu đối thoại với Quỹ Tiền tệ quốc tế về một khoản cứu trợ.
Cuộc khủng hoảng đã dẫn đến những vụ biểu tình nghiêm trọng, buộc chính quyền gần đây ban bố tình trạng khẩn cấp và giới nghiêm để duy trì trật tự.
Thủ tướng Mahinda Rajapaksa ngày 11.4 kêu gọi người dân kiên nhẫn khi chính phủ tìm cách đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng.
"Ngay cả khi chúng tôi không thể chặn đứng cuộc khủng hoảng này trong 2 hoặc 3 ngày, chúng tôi cũng sẽ giải quyết nó sớm nhất có thể. Mỗi phút các bạn biểu tình trên phố, chúng ta lại mất một cơ hội kiếm những đồng đô la về cho đất nước. Xin hãy nhớ rằng đất nước cần sự kiên nhẫn của các bạn vào thời điểm hệ trọng này", ông Rajapaksa nói.
Bình luận (0)