Startup Mỹ bán máy chủ cá nhân giá 499 USD

Thu Thảo
Thu Thảo
19/10/2018 14:07 GMT+7

Máy chủ giúp khả thi hóa internet hiện đại. Hàng triệu máy tính loại này đang chạy ở những trung tâm dữ liệu từ xa của Google (công ty con của Alphabet), Amazon và Microsoft để chạy trang web, gửi thông tin đến ứng dụng smartphone.

Theo Bloomberg, Privacy Labs, startup có trụ sở gần Microsoft, là hãng Mỹ muốn thay đổi tất cả những điều trên vì lý do bảo mật kỹ thuật số. Hôm 18.10, hãng bắt đầu bán máy chủ chạy dịch vụ email, danh bạ và lịch thông qua tên miền web cá nhân.
Máy chủ Cá nhân Helm là sản phẩm có hình góc cạnh, kích thước ngang một quyển sách bình thường và được sản xuất để nằm trên bàn giấy hơn là vào các trung tâm dữ liệu. Thông tin được lưu trữ và mã hóa trên thiết bị này chứ không phải trên đám mây.
Mục tiêu đầu tiên của Helm là giữ tin nhắn cá nhân không bị tấn công hoặc truy cập bởi chính phủ hoặc lực lượng thực thi pháp luật. Sản phẩm này bao gồm nhiều phiên bản được cài trên thiết bị của các dịch vụ đám mây phổ biến chẳng hạn như để lưu trữ hoặc chia sẻ tệp tin, quản lý password và mạng riêng ảo giúp kết nối trực tuyến ẩn danh hơn.
Về lâu dài, Privacy Labs muốn Helm trở thành trung tâm nhận dạng kỹ thuật số cho tất cả mọi thứ người dùng làm online. Thay vì để Google và Facebook lưu trữ thông tin ở trung tâm dữ liệu của họ và bán quảng cáo ngược lại dựa trên thông tin đó, người dùng Helm có quyền kiểm soát dữ liệu và các hãng internet sẽ phải xin phép người dùng quyền truy cập, CEO Privacy Labs Giri Sreenivas cho hay.
“Chúng tôi muốn mọi người vượt qua cách internet ngày nay hoạt động và không tham gia với Google, các hãng công nghệ lớn khác”, Sreenivas chia sẻ.
Kích thước Helm so với vài vật dụng khác trong nhà Ảnh: Helm
Sản phẩm là phép thử xem liệu các vụ vi phạm an ninh kỹ thuật số và bê bối rò rỉ dữ liệu gần đây có khiến người dùng tăng nhu cầu mua sản phẩm bảo mật thuần túy hay không. Giới doanh nghiệp sẽ chi gần 120 tỉ USD cho công nghệ bảo mật, an ninh vào năm 2021 và người tiêu dùng sẽ chi khoảng 5 tỉ USD cho vấn đề này, hãng Gartner dự báo.
Thiết bị Helm có giá 499 USD. Giá trên bao gồm 128 GB bộ nhớ tại chỗ và một năm đầu email, lịch, danh bạ và tên miền web cho nhiều người dùng. Từ năm sau, tất cả các dịch vụ trên có giá 99 USD. 99 USD đắt hơn một chút so với mức giá 90 USD để dùng phiên bản chuyên nghiệp của FastMail, dịch vụ email tập trung vào bảo mật với lịch, danh bạ, tên miền riêng cùng 100 GB bộ nhớ cho mỗi người dùng.
Privacy Labs có khoảng 12 nhân viên và nộp hồ sơ pháp lý từ đầu năm 2017. Công ty vừa gọi vốn được thêm 4 triệu USD. Ông Sreenivas không tiết lộ số tiền tài trợ mà hãng có, song danh sách các nhà đầu tư vào Privacy Labs có hãng đầu tư mạo hiểm vào giai đoạn đầu Initialized Capital do Garry Tan và nhà đồng sáng lập Reddit, ông Alexis Ohanian, điều hành.
Ông Sreenivas và nhà đồng sáng lập Privacy Labs Dirk Sigurdson trước đây quản lý Mobilisafe, startup bảo mật thiết bị di động được Rapid7 thâu tóm vào năm 2012. Họ cũng từng phát triển những chiếc điện thoại Android đầu tiên tại T-Mobile US.
Bất chấp kinh nghiệm kể trên của bộ đôi sáng lập, hãng Privacy Labs vẫn sẽ đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là cạnh tranh với các hãng internet lớn nhất thế giới. Email gửi từ hệ thống Helm đến người khác vẫn sẽ nằm trên máy chủ của các trung tâm dữ liệu từ xa do doanh nghiệp khác điều hành. Công ty đang nỗ lực khắc phục rủi ro tiềm ẩn này.
Thêm vào đó, Helm sao lưu dữ liệu người dùng bằng cách trữ bản mã hóa trên Amazon Web Services. Vì thế, hãng phụ thuộc một phần vào công nghệ dựa trên đám mây mà chính hãng muốn thay thế. Về dài hạn, ông Sreenivas cho biết công ty có kế hoạch chia nhỏ dữ liệu người dùng, trữ nó theo bit trên các thiết bị Helm khác, tạo ra mạng lưới phân tán máy chủ cá nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.