CEO Apple cảnh báo về các hãng công nghệ yêu cầu dữ liệu người dùng

Thu Thảo
Thu Thảo
03/10/2018 18:43 GMT+7

CEO Apple Tim Cook vừa thẳng thắn nhận định về các hãng công nghệ cho rằng việc có thêm dữ liệu khách hàng sẽ giúp họ tung ra sản phẩm ưu việt hơn.

Theo CNBC, ông Cook cho rằng lập luận trên “rất nhảm”. Trong buổi phỏng vấn độc quyền với Vice News Tonight được phát sóng sáng nay 3.10, ông Cook không nhắc đến đích danh bất cứ doanh nghiệp nào, song lại có vẻ như hướng nhận định về các hãng quảng cáo lớn như Facebook và Google, nhóm doanh nghiệp phụ thuộc vào việc chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba.
“Quan điểm mà một số công ty cố khiến bạn phải tin là: Tôi phải lấy hết dữ liệu của bạn để giúp dịch vụ của tôi tốt hơn. Đừng tin điều đó. Bất cứ ai nói với bạn như thế, đó là ý rất nhảm”, ông Cook nói.
Apple từ lâu có cách tiếp cận riêng biệt trong vấn đề quyền riêng tư, và tiếp tục tung ra phần cứng khiến cho các hãng bên ngoài và kể cả Apple khó lòng truy cập thông tin người dùng. Tính đến ngày 3.10 năm nay, doanh nghiệp có giá 1.000 tỉ USD này vẫn tiếp tục theo hướng đó, thực thi chính sách bảo mật yêu cầu tất cả ứng dụng phải thông báo cách dữ liệu cá nhân người dùng sẽ được sử dụng.
Trong khi đó, Facebook và Google đã và đang gây ồn ào về cách dùng dữ liệu cá nhân của người dùng. Đáng chú ý nhất là vụ bê bối rò rỉ dữ liệu người dùng với hãng Cambridge Analytica của Facebook, có khả năng gây tác động lên kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Một số người cho rằng hướng tiếp cận thận trọng hơn của Apple đang làm tổn hại cho sự phát triển của các sản phẩm như Siri, đặc biệt là khi đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt đến từ trợ lý ảo Alexa của Amazon. Song ông Cook nhắc lại quan điểm “thu thập càng ít dữ liệu càng tốt” của Apple, cho rằng ông xem sự riêng tư là "một trong các vấn đề quan trọng nhất của chúng ta trong thế kỷ 21”.
CEO Apple nói thêm rằng thường thì ông không phải người ủng hộ mạnh mẽ quy định, luật lệ, song ông sẵn sàng làm việc với các nhà lập pháp để họ hiểu hơn về thế giới công nghệ, đảm bảo rằng cách hãng công nghệ tạo ra sản phẩm “tuyệt vời cho xã hội”.
Bản thân hãng Apple cũng gặp chút ít sóng gió đầu năm về cam kết bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, sau khi hãng quyết định bắt đầu lưu trữ tài khoản iCloud của người dùng Trung Quốc tại trung tâm dữ liệu mới bên trong biên giới Trung Quốc. Nhiều nhà phê bình cho rằng động thái này cho phép giới chức Đại lục dễ dàng truy cập vào tin nhắn, email và dữ liệu khác được trữ trên đám mây, từ đó có thể hạ tự do ngôn luận của công dân.
Ông Cook nhấn mạnh rằng các chính sách mã hóa của Apple giống nhau ở tất cả các nước, và doanh nghiệp có quyền kiểm soát cao nhất. “Tôi sẽ không quá chú ý vào địa điểm. Chúng tôi có nhiều máy chủ đặt tại nhiều nước trên thế giới. Họ không dễ dàng nhận dữ liệu ở nước khác khi đứng ở nước này”, ông Cook nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.