Sự chậm chạp vô lý

27/08/2014 03:00 GMT+7

Sau hàng chục năm cấm, TP.HCM đã chính thức cho thí điểm đề án quảng cáo trên xe buýt nhưng vẫn còn khá nhiều vấn đề bị hạn chế.

Sau hàng chục năm cấm, TP.HCM đã chính thức cho thí điểm đề án quảng cáo trên xe buýt nhưng vẫn còn khá nhiều vấn đề bị hạn chế.

Trong bối cảnh Chính phủ đang thúc giục các bộ, ngành rà soát cắt giảm những ngành nghề cấm, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đây có thể coi là câu chuyện điển hình nhất cho việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Bởi luật Quảng cáo và cả Pháp lệnh quảng cáo trước đó không hề cấm việc này. Như vậy việc cấm quảng cáo trên xe buýt của TP không chỉ đi ngược với luật chuyên ngành mà còn đi ngược với tinh thần "người dân được làm những gì pháp luật không cấm" của luật Doanh nghiệp (DN). Không chỉ thế, nó cho thấy một sự tụt hậu về mặt tư duy của TP vốn vẫn được coi là năng động nhất của cả nước.

Chúng ta đều biết, quảng cáo trên xe buýt được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới. Trong nước, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác cũng áp dụng để tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương cũng như thêm một kênh quảng bá hiệu quả cho DN. Nhưng TP.HCM thì ngược lại, trong khi ngân sách mỗi năm vẫn phải bỏ hàng ngàn tỉ đồng trợ giá cho xe buýt thì việc quảng cáo trên hệ thống xe này được tính toán có thể mang lại hàng trăm tỉ đồng lại bị cấm.

Không cần đi sâu vào lý do vì sao TP cấm quảng cáo trên xe buýt cũng có thể khẳng định, việc cấm này không thể đạt mục đích vì xe buýt của các tỉnh, thành lân cận không cấm quảng cáo vẫn hằng ngày vào, ra TP. Nếu sợ người dân lo ngắm các quảng cáo bắt mắt, dễ gây mất an toàn giao thông thì họ vẫn có thể "ngắm" trên các xe buýt ngoại tỉnh. Đó là chưa nói đến lý do này là thiếu cơ sở bởi nếu quảng cáo trên xe buýt là nguyên nhân gây tai nạn giao thông thì chắc chắn các nước trên thế giới đã không cho phép làm việc này... Chuyện hiển nhiên đến như vậy mà việc cấm vẫn kéo dài cả chục năm nay.

Đáng nói là ngay tại thời điểm Chính phủ quyết liệt cắt giảm những ngành cấm, những ngành kinh doanh có điều kiện để mở rộng quyền tự do kinh doanh cho người dân và DN, thay vì mở ngay việc quảng cáo trên xe buýt đã được luật cho phép, TP lại tỏ ra dè dặt và thận trọng không cần thiết khi mới chỉ dừng ở việc thí điểm ở 10 tuyến, trên 156 xe. Tất cả các chuyên gia, DN khi nghe điều này đều ngạc nhiên đặt câu hỏi: "Có gì đâu mà phải thí điểm?". Đúng vậy, tại sao phải thí điểm một vấn đề cách đây 22 năm (năm 1992) TP đã từng làm? Tại sao phải thí điểm một dịch vụ cả thế giới và rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước vẫn đang thực hiện có hiệu quả? Có thể nói, không chỉ so với các địa phương khác, so với chính bản thân mình trong vấn đề này, TP cũng tụt hậu. Đó là chưa kể việc hạn chế về tỷ lệ hay chỉ cho DN trong nước được quảng cáo trên xe buýt...

Thực ra việc "trên thông, dưới chưa thoáng", "phép vua thua lệ làng" xảy ra ở nhiều nơi, nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Nó không chỉ khiến môi trường đầu tư méo mó, luật, lệ "đá" nhau mà còn khiến người dân, DN nản lòng, tạo sức ì cho nền kinh tế. Đó cũng là lý do Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải lên danh sách cụ thể những ngành cấm, những ngành kinh doanh có điều kiện, những ngành được ưu đãi để hạn chế tối đa những việc trên. Nhưng có lẽ đến tận lúc này, vẫn rất nhiều người cảm thấy khó hiểu trước một lệnh cấm rồi chuyển sang thí điểm quảng cáo trên xe buýt vừa chậm chạp vừa vô lý của TP.HCM, TP đáng lẽ phải là nơi đi đầu cho những tư duy năng động, hiện đại và thông thoáng nhất.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.