Xe

Sự cố Formosa đã tạo ra những 'xung đột chính trị'

26/08/2016 17:04 GMT+7

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Võ Tuấn Nhân, sự cố môi trường do Formosa gây ra là một ví dụ của việc xung đột môi trường dẫn đến xung đột kinh tế và tiếp đó là xung đột chính trị.

Ông Võ Tuấn Nhân đưa ra nhận định trên tại Hội nghị sơ kết chương trình phối hợp hành động hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thuỷ hải sản chết hàng loạt diễn ra sáng nay (26.8), do Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trước khi có chương trình phối hợp, một số tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc VN đã chủ động triển khai hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, do các tổ chức làm độc lập nên luôn xảy ra tình trạng trùng lặp về địa điểm, đối tượng trùng và thậm chí trùng cả nội dung hỗ trợ.
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn dẫn chứng ở Bến Tre và Tiền Giang, rất nhiều hộ gia đình được hỗ trợ bồn chứa nước, thậm chí có hộ được tặng tới 20 bồn chứa, trong khi nước thì lại không có. Sau khi có chương trình phối hợp công tác, việc triển khai đã nhuần nhuyễn hơn, anh Tuấn cho biết.
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn Ảnh Anh Hoàng
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho rằng, việc phân bổ hỗ trợ cần cố gắng có sự điều tiết hợp lý giữa các địa phương. Ông Trung dẫn chứng trường hợp một xã ở Nghi Lộc (Nghệ An), sau sự kiện cá chết, cả xã “như có đám ma”, vì cả làng làm nghề nướng cá đi bán nay không có việc làm, nhưng lại không được hỗ trợ gì vì nằm ngoài phạm vi. “Nhiều địa phương người dân cũng có ý kiến là tại sao các xã gần nhau, cũng bị ảnh hưởng nhưng nơi này được hỗ trợ mà nơi kia lại không?”, ông Trung nói.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí Ảnh Anh Hoàng
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, gần như quốc gia nào trong quá trình phát triển cũng trải qua những vấn đề môi trường. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay đang đến giai đoạn bộc lộ tồn tại do những quyết sách trước đây. Theo ông Nhân, trong những năm qua, Việt Nam có quan tâm đến vấn đề môi trường nhưng “không sâu sắc”.
“Cứ nghe dự án tỉ đô là đồng ý, mọi cái vào rất thuận lợi, làm trước phê duyệt sau. Yếu tố môi trường có tính đến nhưng mờ nhạt, không thực chất. Formosa là một trong những trường hợp như vậy”, ông Võ Tuấn Nhân dẫn chứng.
Theo ông Nhân, gần đây một số vụ việc ô nhiễm môi trường liên quan các dự án công nghiệp phát lộ ở một số tỉnh, như vụ nhà máy đường Hòa Bình ở Thanh Hóa; nhà máy giấy Thuận Phát ở Hòa Bình; nhà máy giấy Lee & Man tại Hậu Giang; một loạt các dự án nhiệt điệt, dự án bauxite Tây Nguyên... đã đe dọa xung đột môi trường. “Vụ việc ở 4 tỉnh miền Trung vừa rồi xung đột môi trường đã dẫn đến xung đột kinh tế, rồi xung đột chính trị”, Thứ trưởng Nhân nhận định.
Ông Nhân kể khi bay từ Hà Nội vào họp ở Hà Tĩnh, đi ngang Quảng Bình từ trên máy bay ông nhìn thấy “người dân biểu tình kín ở các con đường”. Theo ông Nhân, chương trình hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc VN đã giúp “làm ấm lại lòng dân, xoa đi bức xúc”.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Võ Tuấn Nhân Ảnh Anh Hoàng
Formosa hứa hai ngày nữa sẽ chuyển nốt 250 triệu USD
Liên quan đến khoản tiền đền bù của Formosa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết số tiền 250 triệu USD trước đây đã được Formosa chuyển về kho bạc T.Ư. Thủ tướng đã giao trách nhiệm Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn rà soát đối tượng, tiêu chí bị ảnh hưởng. Hiện mới chỉ có Thừa Thiên-Huế gửi phương án, tiêu chí… còn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị chưa có báo cáo.
Đáng chú ý, ông Chí cho biết, theo cam kết, ngày 28.8 tới, Formosa sẽ chuyển nốt số tiền 250 triệu USD còn lại. Sau khi có phương án và tiêu chí của các tỉnh, số tiền 500 triệu USD này sẽ được triển khai hỗ trợ theo quy định: 15 ngày triển khai báo cáo một lần và 45 ngày thì quyết toán.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, gói 500 triệu USD do Formosa đền bù sẽ được chia thành 3 gói, gồm: đền bù cho dân, hỗ trợ sản xuất và cải thiện khắc phục môi trường. Theo ông Nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo ưu tiên hỗ trợ đền bù cho dân, còn lại bao nhiêu mới làm việc khác. Ông Nhân cũng bày tỏ mong muốn số tiền này đến được với ngư dân một cách đàng hoàng, đúng mục đích nhất.
Trong thời gian vừa qua, xâm nhập mặn, hạn hán đã xảy ra ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở vùng Tây Nguyên, nam Trung bộ, Đông Nam bộ và thủy hải sản chết hàng loạt ở các tỉnh Miền Trung làm thiệt hại nặng nề cho Nhà nước và nhân dân.
Để góp phần cùng với Nhà nước hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội chữ thập đỏ VN, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN, Hội nghề cá VN đã ban hành Chương trình phối hợp hành động hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt.
Theo Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN Nguyễn Thiện Nhân, qua hơn 3 tháng triển khai, tổng số tiền Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức kể trên đã vận động được 204 tỉ đồng, trong đó, tiền mặt trên 150 tỉ đồng. 
Từ nguồn vận động đó đã hỗ trợ được trên 193.726 lượt hộ gia đình bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt. Như vậy, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt so với mục tiêu đặt ra (vận động: trên 204 tỉ đồng/80 tỉ; hỗ trợ được 193.726 lượt hộ/45.000 hộ).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.