Sử dụng điện thoại trong giờ học một cách thông minh

Bích Thanh
Bích Thanh
06/11/2020 07:04 GMT+7

Thay vì cấm tuyệt đối như trước đây, bắt đầu từ tháng 11, học sinh THCS, THPT được phép sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ cho việc học tập.

Quy định này được ghi nhận trong Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020, có hiệu lực từ ngày 1.11.

Dùng điện thoại như công cụ học tập

Để việc sử dụng điện thoại trong giờ học đạt hiệu quả, theo lãnh đạo các trường, việc đầu tiên là nhà trường đề nghị giáo viên(GV) chia sẻ những quy định về việc sử dụng điện thoại trong trường học để phụ huynh, học sinh (HS) hiểu, nắm rõ. Theo đó, điện thoại thông minh trở thành công cụ để học tập. HS có thể cập nhật các thông tin mới, thời sự hoặc tài liệu tham khảo mới nhất một cách nhanh chóng, thuận lợi trong từng tiết học.
Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), thông tin trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học và các tiết sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt dưới cờ, GV chủ nhiệm đã thông báo những quy định mới sẽ áp dụng trong năm học này trong đó có quy định về việc sử dụng điện thoại trong nhà trường. Việc làm này giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về việc sử dụng điện thoại trong giờ học như công cụ học tập.
Cũng theo bà Dung, bên cạnh việc tổ chức tiết học, hoạt động giáo dục giúp HS sử dụng điện thoại một cách thiết thực thì trong các tiết giáo dục kỹ năng sống, GV trang bị cho các em kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh, đúng mục đích.

Có sự kiểm soát của giáo viên

Ông Nguyễn Viết Đăng Du, GV Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), cho hay việc GV và HS sử dụng điện thoại phục vụ việc giảng dạy, học tập và kiểm tra không còn xa lạ với nhiều trường học ở TP.HCM. Tùy vào từng kế hoạch, mục tiêu môn học, HS sử dụng điện thoại trong quá trình thảo luận nhóm làm dự án, lên mạng để tìm kiếm thông tin.
Ông Trần Minh, Hiệu phó Trường Đào Duy Anh (Q.6, TP.HCM), thông tin một số tiết học của các môn địa lý, vật lý, hóa học… HS sử dụng điện thoại để thảo luận, cập nhật thông tin số liệu. Ngoài ra, HS còn sử dụng điện thoại khi ôn tập, củng cố bài học, làm bài tập trắc nghiệm và bài kiểm tra trên lớp.
Theo ông Du, trong quá trình sử dụng điện thoại ngay tại lớp học, GV luôn tham gia với HS để cùng bàn bạc thảo luận nên các em dùng điện thoại như thế nào thì GV đều có thể nhận thấy và kiểm soát được.
Nếu cho HS sử dụng điện thoại trong giờ kiểm tra thì đến lúc làm bài HS mới được phát điện thoại của mình (do trước đó HS nộp điện thoại cho GV để kiểm tra phần hình ảnh). Hết thời gian kiểm tra, HS sẽ phải cất điện thoại theo yêu cầu.
Bên cạnh đó, các trường có nhiều cách khác nhau để HS không sử dụng điện thoại vào việc riêng, xao nhãng học tập, sử dụng sai mục đích.
Ông Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang (Q.5, TP.HCM), cho biết nội quy nhà trường có quy định rõ, việc HS sử dụng điện thoại trong trường khi không có sự cho phép của GV sẽ bị hạ hạnh kiểm.
Còn ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Thanh Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho hay trường có quy chế cụ thể và thông báo đến từng phụ huynh HS để cùng phối hợp thực hiện. Hằng ngày khi đến trường, HS bán trú gửi điện thoại cho thầy quản nhiệm và nhận lại khi ra về. HS nội trú thì thực hiện việc này vào sáng thứ hai và chiều thứ sáu. Khi HS cần liên hệ với gia đình thì liên hệ GV phụ trách phòng nội trú.
Một GV dạy tại Q.7 (TP.HCM) cho hay thầy và trò có những buổi trò chuyện, trao đổi thống nhất về những quy định để HS sử dụng điện thoại thông minh một cách khoa học, trong việc học và hoạt động nhóm…
Tương tự, tại Trường THPT Đào Duy Anh, trong mỗi lớp học đều có hộp bảo quản điện thoại di động của HS do GV và giám thị hành lang quản lý. Vào đầu các buổi học, HS sẽ gửi điện thoại tại các hộp bảo quản, khi tan học sẽ nhận lại và chỉ sử dụng trong trường vào tiết học mà GV có tổ chức các hoạt động phù hợp, liên quan.
Hiểu và nhớ bài kỹ hơn
Một số vấn đề của Mỹ Latin là tiết học môn địa lý được GV Đỗ Thị Trà My, Trường THPT Đào Duy Anh (Q.6, TP.HCM), xây dựng các hoạt động để HS sử dụng điện thoại trong quá trình tiếp cận kiến thức.
Với những câu hỏi đề dẫn của GV về cảnh quan, khí hậu, sinh thái, thu nhập, quá trình đô thị hóa… của các quốc gia tại khu vực này, HS lớp 11A3, theo từng nhóm dùng điện thoại di động để truy cập internet tìm hiểu hệ sinh thái, số liệu về chênh lệch thu nhập giữa người giàu và người nghèo, hình ảnh về cảnh quan theo đới khí hậu để minh họa và trả lời câu hỏi của GV. Khoảng 10 phút cuối của tiết học, HS tham gia trò chơi củng cố kiến thức vừa học thông qua các câu hỏi trắc nghiệm với đường dẫn GV tạo trên phần mềm học tập của trường.
Tô Phan Yến Nhi, HS lớp 11A3, chia sẻ: “Những tiết học được thầy cô cho sử dụng điện thoại em thấy có nhiều lợi ích. Chúng em chủ động tìm hiểu thêm kiến thức, thông tin bổ ích, hiểu và nhớ bài kỹ hơn”.
Ý kiến
Giúp ích trong học tập
Trong tuần này chúng em đã được GV cho phép sử dụng điện thoại để phục vụ việc học khi cần tra cứu tài liệu hoặc chụp lại những bài giảng cần thiết. Việc này giúp ích rất nhiều cho chúng em trong việc học tập.
Thanh Phong 
(HS lớp 10 Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)
Giáo viên kiểm soát rất chặt chẽ
Tùy môn, tùy tiết mà chúng em được GV cho phép sử dụng điện thoại. GV kiểm soát rất chặt chẽ việc này, chỉ khi nào cảm thấy thật sự cần thiết thì thầy cô mới cho phép sử dụng, còn trong giờ học vẫn phải tập trung hết sức cho việc học. Mọi thứ vẫn nằm trong một phạm vi nhất định và dưới sự kiểm soát của GV.
Uyên Phương 
(HS Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)
Sẽ dùng điện thoại để tra cứu bài khó
Đến giờ chưa có GV nào cho phép tụi em sử dụng điện thoại trong giờ học. Nếu được thì bọn em có thể sử dụng nó để tra cứu, giải quyết những bài khó.
Thái Bảo Linh 
(HS lớp 9 Trường THCS Kim Đồng, Q.5, TP.HCM)
Thái Duy (ghi)
Bộ GD-ĐT sắp có hướng dẫn thực hiện
Trước đó, quy định này đã khiến dư luận xôn xao bàn tán với nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người ủng hộ nhưng cũng không ít người phản ứng.
Những người ủng hộ thì cho rằng quy định chỉ có một “lệnh cấm” chung chung như trong điều lệ cũ từ lâu đã không còn phù hợp, không khai thác được mặt tích cực của điện thoại phục vụ học tập. Bà Phạm Thái Lê, GV Trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng: “Quy định mới thực ra chỉ thừa nhận những gì đang diễn ra trong thực tế dạy và học hiện nay. Nếu cấm tuyệt đối thì mới là làm khó cho GV, do vậy việc bỏ lệnh cấm để GV áp dụng linh hoạt là cần thiết”.
Sau những ồn ào, tranh luận về việc nên hay không nên cho HS trung học sử dụng điện thoại trong lớp học, đầu tháng 10.2020, Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT cho biết Bộ sẽ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn, Bộ Thông tin - Truyền thông để xây dựng giải pháp kỹ thuật nhằm quản lý HS sử dụng điện thoại di động trong giờ học.
Đến thời điểm này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết hướng dẫn cho HS sử dụng điện thoại sẽ được lồng ghép trong văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung mới của Điều lệ trường trung học, sắp được Bộ GD-ĐT ban hành. Tinh thần cơ bản vẫn là HS không được sử dụng điện thoại trong giờ học, hướng dẫn sẽ nêu rõ trong trường hợp nào thì không cấm HS dùng điện thoại để phục vụ mục tiêu học tập dưới sự cho phép và quản lý chặt chẽ của GV.
Tuệ Nguyễn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.