Sử dụng đường quá mức gây thừa cân, béo phì

Liên Châu
Liên Châu
23/03/2023 16:25 GMT+7

Tại Việt Nam, trong gần 20 năm qua (2002 - 2020) tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng gấp 7 lần ở thanh thiếu niên 5 - 19 tuổi. Sử dụng đường quá mức là một trong nguyên nhân gây thừa cân, béo phì.

Gia tăng tiêu thụ đường

Hội thảo về tiêu thụ đồ uống có đường đối với sức khỏe và tác động của chính sách thuế và giá đã được Bộ Y tế tổ chức sáng nay 23.3, tại Hà Nội.


 Sử dụng đường quá mức là một trong nguyên nhân gây thừa cân béo phì - Ảnh 1.

Sử dụng đường quá mức là một trong các nguyên nhân gây thừa cân, béo phì

VIỆN DINH DƯỠNG

Theo Bộ Y tế, những thập kỷ gần đây, gánh nặng thừa cân, béo phì trên toàn thế giới gia tăng nhanh chóng với xu hướng chuyển dịch từ các nước thu nhập cao sang các nước thu nhập thấp và trung bình.

Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng gấp 7 lần ở thanh thiếu niên 5 - 19 tuổi (từ 2,6% năm 2002 lên 19% năm 2020). Tỷ lệ này tăng gấp đôi ở người lớn (từ 10,9% năm 2002 lên 18,3% năm 2016).

Thừa cân, béo phì làm tăng các yếu tố nguy cơ của một số bệnh không lây nhiễm bao gồm ung thư, bệnh tim, trẻ hóa độ tuổi mắc nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường type 2 và tử vong sớm liên quan.

Căn nguyên gây nên bệnh béo phì và một số bệnh không lây nhiễm rất phức tạp, trong đó có nguyên nhân từ tình trạng gia tăng tiêu thụ đường tự do, đặc biệt là từ đồ uống có đường ở cả trẻ em và người lớn.

Cùng với lượng đường tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm như trái cây và sữa, việc bổ sung đường vào các sản phẩm thực phẩm làm tăng tổng hàm lượng năng lượng của sản phẩm.

Mức tiêu thụ đồ uống có đường (SSB) gia tăng nhanh được coi là yếu tố quan trọng góp phần làm gia tăng tình trạng thừa cân béo phì ở Việt Nam.

Mức tiêu thụ đường/người của Việt Nam là 46,5 gam/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50 g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức nên tiêu thụ là dưới 25 g/ngày theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Nhiều bệnh tật

Thông tin tại hội thảo, PGS-TS Vũ Thị Thu Hiền (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết nghiên cứu tại các nước cho thấy có mối liên quan thuận giữa tăng tiêu thụ nước ngọt và cân nặng, tăng vòng eo, tăng mỡ trong cơ thể.

Ở nữ tiêu thụ từ trên 1,3 lon SSB/ngày nguy cơ rối loạn chuyển hóa tim mạch tăng 3.2 lần so với nữ tiêu thụ SSB ít hơn.

Sử dụng nhiều đồ uống có đường còn làm giảm khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng như canxi, vitamin.

Theo chuyên gia của Viện Dinh dưỡng, thừa cân béo phì là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm bao gồm ung thư, bệnh tim, trẻ hóa độ tuổi mắc nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường type 2...

Tại hội thảo, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết Bộ Y tế đang cùng các bộ, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế, chính sách về dinh dưỡng để giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong, trong đó chú trọng xây dựng quy định về ghi nhãn dinh dưỡng mặt trước bao bì sản phẩm đóng gói sẵn, hạn chế quảng cáo đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, để đạt được các mục tiêu trên, trước hết cần đưa ra các chính sách toàn diện nhằm giảm các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm, giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì, bảo vệ sức khỏe của người dân.

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, để hạn chế hành vi tiêu thụ đồ uống có đường thì việc áp dụng biện pháp can thiệp về thuế và giá đã được chứng minh là rất hiệu quả.

Công cụ này một mặt giúp người dân giảm sử dụng đồ uống có đường, giảm lượng đường tiêu thụ, lựa chọn thực phẩm ít đường, có lợi cho sức khỏe, mặt khác thúc đẩy doanh nghiệp cơ cấu lại công thức thực phẩm để có tỷ lệ dinh dưỡng cân đối, lành mạnh cho sức khỏe để giới thiệu đến cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.