Theo chỉ thị, trong những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, năm 2020 chỉ còn 2,75%. VN đã hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc về xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao; chênh lệch mức sống giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều. Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả; một bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo.
Từ đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững; xác định giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Ban Bí thư cũng yêu cầu động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước và xã hội.
Chỉ thị cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Cùng với đó, đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động.
Ban Bí thư cũng nhấn mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững.
Bình luận (0)