Tập thơ Sự hiện diện của em có 77 bài, kỷ niệm năm ông bước vào tuổi 77; được chia làm 3 phần: Bi kịch Hăm Lét (30 bài), Đôi khi nhìn thấy mẹ nơi em (20 bài), Đẹp và buồn (27 bài).
Không có gì “tạc” chân dung con người chính xác bằng thơ. Sự hiện diện của em là 77 lần Hoàng Vũ Thuật “đối thoại” với nỗi buồn. “Tôi cố lấp kín nỗi buồn/ chúng vẫn tua tủa như chùm rễ giữa ngày hè khô khốc/ bám vào gốc cây/ thân thiết làm bạn với tôi dù em không chia đôi phần đất”. Không chỉ là “đối thoại” nữa mà “nỗi buồn” chính là tác giả. “Nỗi buồn” là một nhân vật phúng dụ trữ tình.
nỗi buồn nói
ngươi sinh ra để nuôi dưỡng ta
ta cần ngươi
như người cần tỉa đom đóm trong khuya
tôi thua cuộc
(Sự hiện diện của em)
“Nỗi buồn” như một người tình, trói chặt cuộc đời thi nhân, dẫu không có tờ hôn thú: “tờ khế ước bị nỗi buồn xé nát/ chữ nghĩa cuốn theo chiều gió nhào trộn khói sương/ điều gì đó cấp báo ngày tận thế phải không”. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đã tự “phẫu thuật” nỗi buồn để tìm nguyên nhân, có thể kiếp trước ông và nỗi buồn “nợ nhau”, kiếp này phải trả. Hóa ra, thi nhân và nỗi buồn, vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm “chúng ta khước từ/ nhen nhóm thái dương thế hệ mới/ mặt trời là trái tim tự quay trong lồng ngực”.
hãy để tôi nghe em hát qua giấc mơ của ban chiều im ắng
hãy để tôi nói tiếng nói của em
hãy để tôi thở bầu khí quyển thanh sạch của em
hãy để tôi tan hết nỗi buồn trước đôi mắt em
(Sự hiện diện của em)
Nhà thơ bốn lần dùng đến từ “hãy”, bốn lần thỉnh cầu. Đọc khổ thơ này, hẳn người yêu thơ nhớ đến nữ thi sĩ Denise Levertov (1923-1997) - nhà thơ người Mỹ gốc Anh, tác giả bài thơ Gửi người đọc. Bà được trao giải thơ Lenore Marshall năm 1976, huân chương Robert Frost năm 1990, và giải văn chương Lannan cho thơ năm 1993. “Thi ca là thứ nghệ thuật chung của tâm hồn đã trở nên tự do và không bị bó buộc vào nhận thức giác quan về vật chất bên ngoài; thay vì thế, nó diễn ra riêng tư trong không gian bên trong và thời gian bên trong của tư tưởng và cảm xúc”, bà từng nói. Hoàng Vũ Thuật cũng như Denise Levertov tìm thấy “em”, đấy chính là thi ca.
Cuộc đời mỗi con người thật quá ngắn, cõi nhân sinh đầy may rủi. Rất may, em đến “Sự hiện diện của em/ đã tháo bỏ chiếc áo từ lâu chưa một lần thay”. Sự hiện diện của em, của tình yêu, có giá trị cứu rỗi, vĩnh cửu.
Trong tập thơ Sự hiện diện của em không có những bài hoan ca. 77 bài thơ là những nốt trầm trong “bản nhạc buồn” về đời thế, nhân thế.
Gặp thi nhân Hoàng Vũ Thuật ngoài đời, dễ nhận ra, “thơ là người”, thơ vận vào người. Thơ ông buồn, thơ ông đẹp. Buồn bởi ông luôn đi tìm cái đẹp nhưng chưa thấy vẻ đẹp nhân bản. Đẹp bởi, nỗi buồn của ông là đích thực. Sự hiện diện của em, khoảng không gian thánh thiện cuối cùng” (Nguyễn Hồng Nhật), tên bài giới thiệu tập thơ cũng là một bí mật, đồng cảm.
ám dụ hình hài tôi
tôi cũng là ám dụ của tờ giấy trắng
để viết lên đó bài thơ vô vọng
biểu trưng bài ca bao nhạc sĩ tô son lên vầng trán âm thanh
trước khi chấm hết
(Ám dụ)
Đây là khổ cuối của bài thơ “Ám dụ”. “Ám dụ hết thảy”, như ngay câu đầu tiên nhà thơ Hoàng Vũ Thuật thảng thốt: "tôi nhấp vị chát thơm chén trà xanh Tân Cương em tặng/ thở chút khí thải từ ống khói xi măng đặc sệt/ chán tận họng sự đểu cáng đóng khung ngờ nghệch làm sao/ giá vàng thì lên giá tình yêu rớt xuống/ không ám dụ sẽ bị treo như tảng thịt ế chờ người đến mua"(Ám dụ).
Hoàng Vũ Thuật là nhà thơ quá thơ. Ông chỉ làm thơ, tần tảo với thơ, tác phẩm của ông là thơ, 2/19 tác phẩm phê bình và tiểu luận cũng về thơ. So sánh Những bông hoa trên cát, xuất bản năm 1979 và Sự hiện diện của em, hành trình thơ 42 năm của Hoàng Vũ Thuật có gì khác? Các nhà lý luận phê bình văn học, sinh viên văn khoa... đã có nhiều con đường tiếp cận về thi pháp, ngôn ngữ, nghệ thuật trong thi ca Hoàng Vũ Thuật. Tuy nhiên, điều cuối cùng ai cũng dễ gặp trong thơ ông, đó là “đẹp và buồn”, buồn thăng hoa cùng vẻ đẹp, đến tầng nấc của thánh thiện.
Trong tập thơ Sự hiện diện của em, có nhiều bài thơ của tâm trạng người thơ: Tôi là ai, Tôi là một bài thơ trong đêm, Giấc ngủ trên ngực anh, Trên nấm mồ anh mai sau, Ngọn nến sắp tắt, Ở đây tôi không cô độc, Đẹp và buồn, Vô vi... Năm 1979, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật xuất bản Những bông hoa trên cát, trong Sự hiện diện của em cũng có “Cát”. Vâng, về tự nhiên cát là vật liệu dạng hạt, bao gồm các hạt đá và khoáng vật nhỏ và mịn. Cát còn là một thuật ngữ trong lĩnh vực địa chất học. Cát là “biểu tượng” của Quảng Bình, quê hương nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, đã đi vào thơ ca, nhạc, họa nhiều người, trong đó có ông. Nhưng đến lượt ông, cát vừa hiện sinh, vừa vũ trụ.
“Chúng ta đều sinh ra từ nước mắt”, khổ thơ đầu chỉ một câu, ẩn ý của chân lý, chỉ có một. và tiếp theo: "chúng ta nhỏ nhoi hạt cát/ qua kẽ tay hạt cát trở về/ qua kẽ tay rồi anh cũng trở về/ không ai tìm lại được/ em khóc chuỗi ngày vắng anh" (Cát)
Những hạt cát đó, “có thể em vốc lên/ nhưng đó chỉ là hạt cát”. Ít người nghĩ được rằng: “trong tay buốt lạnh tinh cầu/ những tinh cầu đang rơi”. Hoàng Vũ Thuật đã nâng lên thành “triết lý cát”. Câu thơ, không chỉ là Ám dụ như tên một bài thơ mà ám ảnh, tạo ra trường ám ảnh.
Đặc điểm thơ Hoàng Vũ Thuật là không vần điệu, phi niêm luật, giải phóng tận cùng thi pháp. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo từng nói: “Đọc vạn cuốn sách cũng nhằm tìm ra chìa khóa mở trang sách lòng mình”. Thơ Hoàng Vũ Thuật luôn là sự đối thoại với chính ông, “trang lòng” trong tư thế thiền định.
Tôi là ai - một trong 77 bài thơ trong tập Sự hiện diện của em, là câu hỏi Hoàng Vũ Thuật suốt đời “đối thoại”: Đã bao giờ ai tự hỏi mình? Và tìm ra câu trả lời? Ví dụ: Tôi là hạt cát? Tôi sống cuộc đời bằng nhiều khuôn mặt, trong đó có những khuôn vay mượn? Ai dũng cảm để đối thoại và nhận ra bản ngã? Tôi là ai, đọc bài thơ của Hoàng Vũ Thuật, đến câu: “Tôi muốn là con chim ưng mang số phận bầu trời”, bạn đọc nhớ những con chim ưng của R.Gamzatop trong Đaghextan của tôi. Vâng, những con chim ưng từ núi đá, sáng ra vươn cánh để thực thi sứ mệnh “làm chủ bầu trời”. Đó là bầu trời của tự do. Hoàng Vũ Thuật ước làm con “chim ưng” nhưng bầu trời của ông đã bị “đấu giá”, khó bay tới tận cùng dài rộng.
“... tôi thấy tôi đã chết”, điểm khác biệt là Hoàng Vũ Thuật nhận ra “tôi đã chết”. Nhân vật thơ chết “bóng chiếc”, đơn côi, “hòa cùng cây lá đang reo vui ngoài nội”. Đó là sự dâng hiến, hướng về nguồn cội, nhân bản, phồn sinh. Tất cả vô thường nhưng khác nhau là bông sa la luôn nở đóa hỷ xả, từ bi; thực hiện sứ mệnh thông điệp!
Bình luận (0)