Sự kiện thất thủ kinh đô và cuộc cướp phá kho báu tại Huế

22/06/2021 06:18 GMT+7

Cuộc tấn công vào Tòa Khâm sứ Huế ngay trong đêm 4 rạng 5.7.1885 không đạt được thắng lợi như Phụ chánh Tôn Thất Thuyết mưu tính, quân Pháp đã phản công chiếm kinh thành Huế và cướp bóc nhiều của cải.

Hòa ước Giáp Thân 1884, còn được gọi là Hòa ước Patenôtre (tên người ký hòa ước về phía Pháp) tuy về mặt văn từ chia ba miền thành ba thực thể chính trị khác nhau: Nam kỳ là thuộc địa, Bắc kỳ là xứ bảo hộ, Trung kỳ là vùng tự trị của triều đình Huế, song về thực chất, việc thuộc địa hóa toàn thể lãnh thổ Việt Nam đã được Pháp áp dụng từ thập niên 1880, nhất là khi Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer sang Việt Nam vào năm 1897.
Tháng 4.1885, Thống tướng De Courcy sang Bắc kỳ, nhậm chức Tổng trú sứ Trung và Bắc kỳ. Ở Hà Nội chưa bao lâu, ông ta vào Huế để thực hiện hai việc chính: Một là bệ kiến vua Hàm Nghi, trình lá thư thăm hỏi của Tổng thống Pháp (sử Việt Nam gọi là Giám quốc) Jules Grévy; Hai là trao cho triều đình Huế bản Hòa ước Giáp Thân đã được Nghị viện Pháp chuẩn y.
Viên Tổng trú sứ vào đến Thuận An ngày 2.7.1885 và ngay sau đó đã yêu cầu hai vị Phụ chánh đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết cùng Cơ mật viện sang Tòa Khâm sứ Huế để thương nghị với phía Pháp về chương trình bệ kiến vua Hàm Nghi. Trong lúc nói chuyện với ban tham mưu, De Courcy không giấu giếm ý định nhân cuộc họp này để bắt giữ Tôn Thất Thuyết. Tin đó do một sĩ quan thân cận của ông ta để lọt ra ngoài và tất nhiên là sớm đến tai vị Phụ chánh. Vì thế, ông Thuyết đã cáo bệnh không đi.
Trước phản ứng của Phụ chánh Tôn Thất Thuyết, De Courcy bộc lộ ngay bản chất hống hách của một tên thực dân, buộc triều đình Huế phải cho người cáng ông Thuyết qua. Chẳng những thế, viên tướng này còn trịch thượng hơn, buộc triều đình phải để ông ta và tất cả binh lính có vũ trang đi vào cung điện bằng cửa chính Ngọ môn, nơi chỉ dành cho vua đi.
Sự kiện thất thủ kinh đô và cuộc cướp phá kho báu tại Huế1

Phụ chánh Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886)

ẢNH: TL

Với Tôn Thất Thuyết, hành vi của De Courcy là giọt nước tràn ly. Không như người đồng nhiệm trước đây là Phụ chánh Trần Tiễn Thành chủ trương giải quyết mối quan hệ Việt - Pháp qua điều đình, thương lượng, được liệt vào phe “chủ hòa”, Tôn Thất Thuyết chủ trương chống Pháp triệt để. Ngay từ tháng 8.1883, ông đã cho xây dựng căn cứ địa Tân Sở ở Quảng Trị, dành làm một “kinh đô” thứ hai khi có biến. Vì thế, ông một mình sắp đặt kế hoạch tấn công vào Tòa Khâm sứ Huế ngay trong đêm 4 rạng 5.7.1885, trong lúc diễn ra buổi tiệc với sự tham dự của tất cả sĩ quan Pháp hiện diện tại Huế.
Cuộc tấn công không đạt được thắng lợi như mưu tính, quân Pháp phản công, gây ra một cảnh tượng kinh hoàng tại Huế, quân dân giẫm đạp lên nhau khi bỏ chạy khỏi kinh thành. Theo báo cáo của tướng De Courcy cho chính phủ Pháp ngay trong ngày 5.7.1885, số người tử thương về phía Việt Nam, cả quân lẫn dân, nằm trong khoảng 1.200 - 1.500 người; phía Pháp chỉ có 24 người tử trận (trong đó có 4 sĩ quan) và hơn 50 người bị thương cả nặng lẫn nhẹ. Tuy nhiên, hậu quả lâu dài của việc này lại không nhẹ cho phía Pháp chút nào. Theo một bài viết của cây bút A.Delvaux đăng trên tập san Đô thành Hiếu cổ (BAVH) số 2 năm 1920, vì không được thu dọn, hàng ngàn tử thi bị phân hủy, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nặng nề và hậu quả là chỉ trong hai tháng, đã có 700 trong số 3.500 lính Pháp bị bệnh dịch tả.
Sự kiện thất thủ kinh đô và cuộc cướp phá kho báu tại Huế2

Phụ chánh Tôn Thất Thuyết (1839 - 1913)

ẢNH: TL

Ngày 7.7.1885, tướng De Courcy gửi một điện tín về cho chính phủ Pháp ở Paris báo tin về việc quân Pháp đã làm chủ tình hình hoàn toàn, không quên nhắc tới một khối lượng của cải khổng lồ trong hoàng thành, riêng về các nén bạc đã trị giá khoảng 5 triệu franc, nếu tìm thấy vàng nữa thì trị giá bằng tiền sẽ cao hơn rất nhiều. Trong điện tín, ông ta cũng báo cáo về tính kỷ luật của tiểu đoàn lính Algérie dưới quyền ông ta (François Thierry - Le trésor de Hue, NXB Nouveau Monde 2014, trang 111-112).
Song, báo cáo về tính kỷ luật của lính Pháp đã bị phủ nhận bởi sự rối loạn trong cung điện lúc bấy giờ. Tại hoàng thành, họ tha hồ cướp bóc, nhét đầy túi những nén bạc là loại tiền tệ trị giá 12 đồng (60 franc) rồi mang đi bán lấy 4 hay 5 đồng. Tất nhiên, họ cướp bóc không chỉ có thế. Nhiều bảo vật bằng vàng cũng lọt vào tay họ. Bản thân De Courcy lấy được một thanh kiếm báu, về sau tặng cho Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Pháp là tướng Campenon và ông này cho lại Bảo tàng Quân đội Pháp (chiếc bao kiếm bị lấy cắp vào năm 1913).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.