Chuyện ít biết về cung nữ cuối cùng triều Nguyễn vừa qua đời tại Huế

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
22/02/2021 18:46 GMT+7

Những hình ảnh hiếm về bà Lê Thị Dinh, vị cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn , vừa được gia đình cho phép Thanh Niên công bố sau khi bà qua đời tại Huế

Như Thanh Niên đã đưa tin, bà Lê Thị Dinh, vị cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn đã từ trần hồi 13 giờ 45 giờ ngày 21.2 (nhằm ngày 10 tháng Giêng năm Tân Sửu), hưởng thọ 102 tuổi.

Bà Dinh chăm lo hương khó cho các vua triều Nguyễn thờ ở Phủ Kiên Thái Vương

ảnh: TL gia đình

Sau khi bà Dinh qua đời, con trai của bà là ông Nguyễn Như Trị (78 tuổi) hiện đang ở ngôi nhà ngay sau phủ Kiên Thái Vương đã cung cấp cho Thanh Niên nhiều thông tin cùng hình ảnh quý của mẹ mình, trong đó có những hình ảnh khi bà Dinh còn phục vụ trong cung triều Nguyễn.
Theo ông Trị, bà Lê Thị Dinh sinh năm Tân Dậu (1920) đến nay tính theo tuổi âm lịch, bà đã tròn 102 tuổi. Bà Lê Thị Dinh là cháu ngoại của Quận Công Ưng Quyến (em trai ba vua Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh).
Nguyễn Phúc Ưng Quyến là vị hoàng tử duy nhất không làm vua trong thời kỳ sóng gió "tứ nguyệt tam vương" (4 tháng 3 vua) của triều đình nhà Nguyễn. Phủ thờ của ông hiện nay là Phủ Kiên Thái Vương, bên cạnh Cung An Định, nhìn ra sông Lợi Nông (sông An Cựu, nay là số 179 Phan Đình Phùng). 

Chân dung Hoàng từ Nguyễn Phúc Ưng Quyến, ông ngoại của bà Lê Thị Dinh

ảnh: TL gia đình

Phủ Kiên Thái Vương nơi thờ 5 vị vua triều Nguyễn giờ đã được con cháu sửa sang tôn tạo

ảnh: BNL

Năm lên 8 tuổi, bà Lê Thị Dinh được gọi vào cung phục vụ bà Thánh Cung Hoàng hậu, vợ vua Đồng Khánh và bà Hoàng Thái hậu Từ Cung, vợ của vua Khải Định.

Bà Dinh khi còn làm việc trong cung triều Nguyễn

ảnh: TL gia đình

Bà Lê Thị Dinh thời cùng phục vụ bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại tại Cung An Định, Huế

ảnh: TL gia đình

Bà Dinh thời còn trẻ cùng hai con trai, trong đó người con đầu bên trái nay đã mất , bên phải là ông Nguyễn Như Trị

ảnh: TL gia đình

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bà Dinh theo đức Từ Cung về ở cung An Định, rồi chuyển về nhà số 79B, nay đổi thành 147 Phan Đình Phùng (TP.Huế), và chăm lo cho bà Hoàng Thái hậu này những ngày cuối đời. Sau đó bà Dinh về ở hẳn phủ Kiên Thái Vương (tọa lạc tại số 179 Phan Đình Phùng) cùng con trai cả và gắn mình với việc lo hương khói cho 4 vua Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi và Khải Định, năm 1997 thì thêm bàn thờ vua Bảo Đại.
Chồng bà Dinh là ông Nguyễn Như Đào, từng là lái xe cho vua Bảo Đại, tập kết ra Bắc. Sau khi chồng tập kết, bà Dinh ở lại một mình đã một lòng nuôi hai người con trai là ông Nguyễn Như Trị cùng một người anh trai (đã mất do tai nạn).Sau năm 1975, ông Đào đã trở về và có thêm một người vợ nữa sinh được thêm hai người con, ở riêng ở khu tập thể Xã Tắc (P.Thuận Hòa, TP.Huế). Tuy vậy, bà Dinh vẫn nuôi con và chăm lo phụng thờ hương khói cho các vua triều Nguyễn, ở phủ Kiên Thái Vương. 
Khắng khít với Thứ phi Mộng Điệp của vua Bảo Đại
Do từng phụng sự cho chốn hậu cung của triều đình nhà Nguyễn, nên bà Dinh là người hiểu biết và nắm giữ rất nhiều lễ nghi, sinh hoạt, trang phục, trang điểm, ẩm thực của chốn cung đình.

Bà Lê Thị Dinh khi gặp lại thứ phi của vua Bảo Đại- Bùi Mộng Điệp năm 1996

ảnh: TL gia đình

Bà Dinh cũng là người giữ mối liên hệ khắng khít với gia đình của thứ phi Bùi Mộng Điệp, cùng công chúa Phương Thảo, con gái vua Bảo Đại tại Pháp.

Bà Dinh (thứ 2 bìa phải) cùng với thứ phi Mộng Điệp (bìa trái) và công chúa Phương Thảo (thứ 2 bên trái)

ảnh: TL Gia đình

Bút tích của thứ phi Bùi Mộng Điệp gửi cho bà Dinh

ảnh: TL gia đình

"Khi còn sống, mỗi lần về nước bà thứ phi Mộng Điệp và vợ chồng công chúa Phương Thảo luôn ghé đến thăm bà Dinh. Công chúa Phương Thảo cũng là người rất hiếu thảo với tổ tiên, rất nhiều lần về để sửa sang lăng mộ, phủ thờ..."- ông Trị cho biết.

Bà Dinh cùng một nhà nghiên cứu văn hóa người Đức đến tìm hiểu văn hóa cung đình triều Nguyễn

ảnh: TL gia đình

Khi bà còn khỏe mạnh, bà luôn sẵn sàng cung cấp thông tin, giúp đỡ các nhà nghiên cứu và các phóng viên báo chí muốn tìm hiểu về thông tin của đời sống cung đình. Rất nhiều thông tin, tư liệu về nếp sống cung đình cũng đã được bà sẵn lòng cung cấp để Phòng nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nghiên cứu phục dựng các lễ nghi, bảo tồn. Nhiều đoàn làm phim, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về ẩm thực, phục chế trang phục, cách ăn mặc của các cung tần mỹ nữ, vua quan triều Nguyễn...cũng đã tìm đến bà, và lúc nào bà cũng nhiệt tình giúp đỡ, chỉ bày.

Bà Dinh (thứ hai, bên trái) cùng đoàn làm phim từ Hà Nội

ảnh: TL gia đình

Bà Dinh khỏe mạnh và minh mẫn cho đến thời gian cuối đời. Gần đây, trong lễ kỵ vua Bảo Đại, bà đã bị ngã và trở bệnh dù được gia đình đưa đi bệnh viện chữa trị nhưng do tuổi cao nên bà đã suy kiệt dần cho đến khi qua đời.
Trước khi qua đời, bà Dinh cùng con trai và cháu nội vẫn ở và hương khói cho 5 vua triều Nguyễn đang được thờ tại phủ Kiên Thái Vương. Công việc của bà lặng lẽ như chính những hương án của các vị vua thuộc triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.

Tang lễ của bà lê Thị Dinh, cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn tổ chức tại tư gia, ngay sau lưng phủ Kiên Thái Vương

ảnh: BNL

Tang lễ của bà Dinh hiện được gia đình tổ chức theo nghi thức truyền thống Huế. Lễ di quan sẽ diễn ra vào sáng 28.2 (nhằm 17 tháng Giêng năm Tân Sửu, an táng tại nghĩa trang nhân dân phía Nam TP.Huế). Chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thành ủy, UBND TP.Huế, Mặt trận, đoàn thể  và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế... đều đến viếng, chia buồn cùng gia đình.   
Bà Lê Thị Dinh, cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn mất đi là một tổn thất lớn cho văn hóa Huế cũng như công tác bảo tồn và nỗ lực phục hồi các giá trị văn hóa cung đình Huế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.