Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Cung thiếu nhi Hà Nội sẽ biến mất?

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
11/04/2021 08:00 GMT+7

Công chúng và giới chuyên gia đang lo ngại sau khi Cung thiếu nhi Hà Nội mới được động thổ xây dựng ở Cầu Giấy thì cung cũ vốn quen thuộc với nhiều thế hệ người dân thủ đô sẽ không còn.

Di sản kiến trúc XHCN

Cung thiếu nhi Hà Nội là một trong 10 công trình hiện đại được chọn để giới thiệu trong hội thảo quốc tế về kiến trúc Đông Nam Á năm 2015.
Theo kiến trúc sư (KTS) Lê Văn Lân, người thiết kế Cung thiếu nhi Hà Nội, công trình này có 3 tòa nhà. Tòa nhà do ông thiết kế được tổ chức gắn kết với 2 tòa nhà khác để tạo thành tổng thể thống nhất. Trong đó có ngôi nhà số 36 Lý Thái Tổ, chính là nơi Bác Hồ ký Tạm ước 6 tháng 3, sau này là Nhà truyền thống Bác Hồ với thiếu nhi thủ đô.
TS Trương Ngọc Lân (ĐH Xây dựng) nhận định đây là công trình ứng dụng kiến trúc truyền thống như một tuyên ngôn độc lập dân tộc. Cung thiếu nhi đã Việt hóa cửa chớp thành dạng bên ngoài tường lỗ hoa, trong là kính. Cửa này mùa hè mở kính cho mát, mùa đông đóng lại, sau cửa đến hành lang và tạo lớp đệm khí hậu. Nhiều vật liệu bản địa được sử dụng như gạch đỏ nung lát sân, gạch tường, để tạo thân thuộc.
PGS-TS Phạm Thúy Loan cũng cho biết hiện trong giới KTS có nhiều người lo ngại về số phận Cung thiếu nhi Hà Nội bên hồ Gươm khi đã động thổ xây cung thiếu nhi khác tại Cầu Giấy. Bà dự định có thể sẽ cùng nhóm làm hồ sơ Getty trước đây gửi thông tin về Cung thiếu nhi Hà Nội lên Tổ chức Kiến trúc thế giới Docomomo International để đưa vào danh mục Di sản nguy cấp. Từ đó, các chuyên gia và tổ chức quốc tế sẽ có ý kiến về việc các cấp quản lý của Hà Nội cần có kế hoạch bảo tồn, bảo vệ công trình kiến trúc hiện đại có giá trị này.
Trong khi đó, Hội KTS Việt Nam đã có Văn bản 38 về việc bảo tồn cung thiếu nhi do Chủ tịch hội, TS-KTS Phan Đăng Sơn ký.

Lễ hội đền Trần ở Tràng An, Ninh Bình

ẢNH: T.L

Năm du lịch quốc gia 2021 sẽ có 146 sự kiện được tổ chức

Ngày 6.4, tại TP.Ninh Bình, Bộ VH-TT-DL phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình họp báo công bố kế hoạch triển khai Năm du lịch quốc gia 2021.
Với chủ đề “Hoa Lư - cố đô ngàn năm”, Năm du lịch quốc gia 2021 sẽ có 146 sự kiện, hoạt động được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Việt Nam nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng với du khách trong và ngoài nước. Trong đó, Bộ VH-TT-DL chủ trì 4 hoạt động, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức 38 hoạt động; 104 hoạt động còn lại được 27 tỉnh, thành khác tổ chức hưởng ứng.
Dự kiến lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia 2021 diễn ra tối 20.4, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, H.Hoa Lư, Ninh Bình), sẽ thu hút từ 2.000 - 3.000 khách tham dự.
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, cho biết chỉ dự kiến thời gian diễn ra các chương trình, hoạt động hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2021, sau đó tùy diễn biến của dịch Covid-19 để tổ chức. Cũng theo ông Mạnh, phần lớn kinh phí thực hiện các hoạt động, chương trình của Năm du lịch quốc gia 2021 là nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp, chỉ một phần ít chi từ nguồn ngân sách theo đúng quy định.

Trao bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lễ hội Bà Phường Chào

ẢNH: NAM THỊNH

Lễ hội Bà Phường Chào đón bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 6.4, tại xã Đại Cường (H.Đại Lộc, Quảng Nam), UBND H.Đại Lộc tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Bà Phường Chào.
Lễ hội truyền thống Bà Phường Chào mang tinh thần sáng tạo, rất đặc trưng của xứ Quảng. Bà Phường Chào tên thật là Nguyễn Thị Của (sinh ngày 25.2.1800) tại làng Phường Chào, thuộc châu Phiếm Ái (nay là thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường). Tương truyền, Bà Phường Chào là vị thiên tiên giáng trần, lớn lên hành nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Ở trần gian được 17 năm, bà tạ thế. Đức bà hiển linh tại đất Phường Chào, dân làng tin tưởng, ngưỡng vọng oai linh nên lập miếu thờ. Bà Phường Chào được triều đình nhà Nguyễn phong sắc thần 2 lần. Để tri ân công đức của bà Phường Chào, hằng năm ở tỉnh Quảng Nam tổ chức 2 lễ hội truyền thống. Tại thôn Phước Ấm, xã Bình Triều (H.Thăng Bình) có lễ hội rước Cộ Bà Chợ Được (diễn ra ngày 11 tháng giêng âm lịch); còn tại quê nhà làng Phường Chào có lễ hội Bà Phường Chào (diễn ra đúng vào ngày sinh của bà, 25.2 âm lịch) với các hoạt động rước kiệu bà, đua thuyền, thả hoa đăng trên sông, hô hát bài chòi, múa lân...

Bộ ba giám khảo Miss Fitness Star Vietnam 2021: Mâu Thủy - Minh Tú - Thúy Vân

ẢNH: NSCC

Thông thoáng hơn cho thi nhan sắc

Điểm mới của nhiều cuộc thi hoa hậu, người đẹp hiện nay là chấp nhận thí sinh đã qua phẫu thuật thẩm mỹ, thí sinh chuyển giới, theo Nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (có hiệu lực từ ngày 1.2.2021).
NSND Nguyễn Quang Vinh, nguyên quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, nhận định: “Địa phương sẽ có quyền lựa chọn và quyết định tổ chức các cuộc thi, lãnh đạo các tỉnh thành buộc phải chọn các cuộc thi có chất lượng và không chấp nhận những cuộc thi do bên trên thông báo xuống như trước đây nữa. Tôi nghĩ với quy định “mở”, tất cả sẽ tự sàng lọc, điều chỉnh phù hợp với nhu cầu xã hội và chỉ còn lại những cuộc thi chất lượng, từ đó đi vào trật tự”.
Việc tổ chức thi nhan sắc sẽ không cần phải xin cấp phép từ Cục Nghệ thuật biểu diễn mà chỉ cần UBND cấp tỉnh - nơi diễn ra cuộc thi - chấp thuận. Nghị định 144 cũng không quy định thí sinh phải có vẻ đẹp tự nhiên; không giới hạn số cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm; cũng như cho phép công dân VN dự thi nhan sắc quốc tế mà không cần Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép (chỉ cần có giấy mời, không vi phạm pháp luật).
Một trong những thay đổi lớn của Nghị định 144 là tiếp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ trong các cuộc thi người đẹp. Có ý kiến cho rằng điều này sẽ làm mất đi tính cạnh tranh công bằng giữa những cô gái sở hữu vẻ đẹp tự nhiên với người đẹp đã qua “dao kéo”. Tuy nhiên, trên thực tế còn phụ thuộc vào quy định của từng cuộc thi, nếu cuộc thi nào không chấp nhận vẫn có thể đề ra quy định riêng.

Tạo hình các nhân vật trong dự án dã sử Lý Chêu Hoàng

ẢNH: VNC

Biên kịch Hàn Quốc hợp tác Vietnam Centre sản xuất kịch bản phim Lý Chiêu Hoàng

Vietnam Centre (VNC) vừa công bố tạo hình ý tưởng cho các nhân vật trong series phim về Lý Chiêu Hoàng, đánh dấu sự hợp tác giữa Vietnam Centre và biên kịch Hàn Quốc Paek Seong Og.
Đây không phải lần đầu ông Paek Seong Og tham gia một dự án phim Việt Nam. Trước đó, ông đã là biên kịch của tác phẩm Viên đạn cuối cùng - phim điện ảnh hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc kể về hành trình giành huy chương vàng Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. VNC là tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ hoạt động với mục tiêu quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới; hiện có đại diện tại Hà Nội và TP.HCM - Việt Nam, Sydney - Úc và Boston, Washington D.C- Mỹ, cũng đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa quốc tế, bao gồm triển lãm, trình diễn, tham quan học tập và tọa đàm.
Kịch bản phim Lý Chiêu Hoàng dự định phát triển theo thể loại Limited Series, một thể loại phim bộ ngắn tập. Với kịch bản Lý Chiêu Hoàng, VNC chịu trách nhiệm chính về nội dung. Ban biên kịch VNC viết ra câu chuyện, lựa chọn thời điểm lịch sử và tuyến nhân vật, xây dựng tính cách, mâu thuẫn và hướng giải quyết, tôn trọng diễn biến theo lịch sử nhất có thể. Biên kịch Paek Seong Og là người chuyển thể câu chuyện này thành kịch bản, cân bằng yếu tố lịch sử, yếu tố nghệ thuật và yếu tố thu hút đại chúng.

Hoa hậu Quý bà Thế giới Caroline Jurie

ẢNH: PEOPLE

Hoa hậu Quý bà Thế giới trả lại danh hiệu sau khi giật… vương miện

Đương kim Hoa hậu Quý bà Thế giới Caroline Jurie hôm 9.4 đã tuyên bố từ bỏ danh hiệu sau vụ giật… vương miện khỏi đầu Hoa hậu Quý bà Sri Lanka 2020 Pushpika De Silva.
Hoa hậu Quý bà Thế giới Caroline Jurie cho rằng Pushpika De Silva không đủ tư cách tham gia cuộc thi Hoa hậu Quý bà Sri Lanka 2020 vì De Silva đã ly hôn.
Caroline Jurie, đoạt danh hiệu Hoa hậu Quý bà Thế giới 2020, bị cáo buộc làm bị thương Pushpika De Silva, người nhận danh hiệu Hoa hậu Quý bà Sri Lanka 2020 vào ngày 4.4. Ngay sau khi De Silva giành được danh hiệu, Jurie bước lên sân khấu và giật... vương miện. Jurie sau đó trao lại vương miện cho người về nhì và tuyên bố người đó mới là người chiến thắng.
Trong một tuyên bố hôm 9.4, Caroline Jurie nói cô chống lại “sự bất công” và cuộc thi bị “nhiễm bẩn”. “Ý định duy nhất của tôi là chống lại sự bất công gây ra cho các thí sinh trong suốt cuộc thi”, cô nhận định.
Sau vụ việc hôm 4.4, De Silva nói rõ rằng cô chỉ ly thân nhưng không ly hôn chồng. Hoa hậu Quý bà Sri Lanka thuộc hệ thống cuộc thi sắc đẹp Mrs.World dành cho phụ nữ đã lập gia đình.
Cảnh sát Sri Lanka cho biết họ nhận được đơn tố cáo của De Silva rằng cô bị thương khi bị Jurie giật vương miện. Ngày 8.4, cảnh sát bắt giữ Hoa hậu Quý bà Thế giới Caroline Jurie và người mẫu Chula Padmendram, với tội danh “gây thương tích”, sau đó được tại ngoại và được lệnh hầu tòa vào 19.4.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.