Ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cho biết ngày 15.2 tới đây, tại Bến Tre, Học viện Chính trị quốc gia HCM, Ban Tuyên giáo T.Ư, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và Tỉnh ủy Bến Tre phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia: "Đồng chí Huỳnh Tấn Phát với cách mạng Việt Nam và quê hương Bến Tre".
Hội thảo là hoạt động thiết thực tưởng nhớ, tri ân cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của ông Huỳnh Tấn Phát đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và quê hương Bến Tre.
Đến nay, ban tổ chức hội thảo đã nhận được gần 50 tham luận của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các cơ quan và các nhà khoa học ở các ban, bộ, ngành T.Ư, Bộ Ngoại giao, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, tỉnh Bến Tre - quê hương của ông Huỳnh Tấn Phát, Thành ủy Hà Nội, Thành ủy TP.HCM và một số địa phương ông Huỳnh Tấn Phát từng hoạt động cách mạng.
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (15.2.1913 - 15.2.2023), quê ở xã Châu Hưng, H.Bình Đại, Bến Tre, nguyên Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.
Năm 1976, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được cử làm Phó thủ tướng Chính phủ, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Ông làm Trưởng ban chỉ đạo Quy hoạch Thủ đô và Chủ nhiệm đồ án thiết kế xây dựng thủ đô Hà Nội, chỉ đạo và góp ý kiến các dự án thiết kế quy hoạch đô thị trong cả nước như: Hà Nội, TP.HCM, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu - Côn Đảo, Tây Ninh…
Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các
Ngày 5.2, tại TP.Hà Tiên (Kiên Giang) đã khai mạc các hoạt động lễ hội kỷ niệm 287 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các (1736 - 2023). Đây là lễ hội được tổ chức hàng năm vào các ngày 13, 14, 15 tháng giêng, trùng dịp Ngày thơ Việt Nam và Tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng). Tham gia lễ hội, người dân và khách du lịch được trải nghiệm nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, ẩm thực, văn hóa, văn nghệ và thả hoa đăng trên đầm Đông Hồ, TP.Hà Tiên.
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Tiên Liêu Khắc Dũng cho biết, lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các là dịp để người dân Hà Tiên, các văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh, du khách tề tựu về đây cùng nhau xướng họa, đề thơ, cùng hòa mình vào không khí tưng bừng của những ngày hội. Lễ hội là sự kết hợp hài hòa giữa ba yếu tố lịch sử, văn hóa, tâm linh, mang đậm nét đặc sắc của văn hóa dân tộc…
Tại công viên Trần Hầu diễn ra hoạt động phố ông đồ và trưng bày hiện vật Hà Tiên xưa và nay. Hoạt động này có sự tham gia của các ông đồ đến từ các tỉnh, thành An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, TP.HCM. Tham gia hoạt động, người dân và khách du lịch được xem 5 gian hàng trưng bày, biểu diễn, tặng chữ thư pháp. Bảo tàng Kiên Giang trưng bày hàng trăm hiện vật Hà Tiên xưa và nay với 200 tác phẩm ảnh về thành tựu kinh tế - xã hội của địa phương và hình ảnh về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Tại nhà lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các, có hoạt động giao lưu giữa các văn nghệ sĩ đến từ TP.HCM, Cần Thơ, Đồng Tháp và Kiên Giang. Dọc các tuyến đường tại quảng trường Chiêu Anh Các và quảng trường Trần Hầu diễn ra các hoạt động đường phố thu hút hàng chục ngàn người dân và du khách tham gia.
Đến với lễ hội, du khách được tham quan 2 gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP và đặc sản như tiêu, tôm khô, khô cá lò tó, mắm ruốc, ba khía, cà xỉu…của TP.Hà Tiên và 20 gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh Kiên Giang.
Những người mê ẩm thực đường phố sẽ được thưởng thức các món ăn đặc trưng của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer sinh sống trên địa bàn TP.Hà Tiên như hải sản nướng, gà đốt, các món gỏi... Bên cạnh những món ăn ngon, khách du lịch còn được thưởng thức các điệu nhảy aerobic, trình diễn acoustic, nhạc cụ dân tộc, hòa tấu đàn guitar, organ.
Thâu đêm đội mưa xếp hàng chờ xin ấn đền Trần Nam Định
Mỗi năm, cứ đến 22 giờ 15 phút đến 22 giờ 40 phút đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng giêng âm lịch, tại Khu di tích đền Trần - chùa Tháp Phổ Minh, P.Lộc Vượng (TP. Nam Định) lại diễn ra lễ phát lộc ấn đền Trần với nhiều nghi thức trang trọng.
Lễ khai ấn đền Trần từ xa xưa đã mang ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu cho "quốc thái dân an", thiên hạ thái bình, thịnh trị; mọi nhà chung hưởng lộc ấn "Tích phúc vô cương" của đền Trần; mọi người bước vào năm mới mạnh khỏe, lao động hăng say, học tập, công tác tốt… Chính vì vậy mà năm nào cũng có hàng vạn người đổ về đền Trần để xin được một cánh ấn mang về.
Đúng 5 giờ sáng ngày 5.2 (tức 15 tháng giêng), ban tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần Nam Định đã tiến hành phát lộc ấn cho người dân tại 3 nhà Giải Vũ và nhà trưng bày Đền Trùng Hoa. Thời tiết càng lúc càng mưa lớn nhưng không làm nản lòng người dân và du khách thập phương với mong muốn là một trong những người đầu tiên được sở hữu lá ấn đền Trần. Hàng ngàn người dân vẫn nhẫn nại đội mưa nhận ấn.
Nhóm nhạc quốc tế 911 hợp tác cùng Đức Phúc
Ca sĩ Đức Phúc vừa công bố việc tác với boyband huyền thoại 911 trong Em đồng ý - sản phẩm âm nhạc ra mắt vào Valentine năm nay.
Đức Phúc chia sẻ sự phấn khích cho màn hợp tác đặc biệt này: "Phúc cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi có cơ hội hợp tác với nhóm nhạc quốc tế 911 trong dự án âm nhạc cho mùa Valentine năm nay! Phúc coi đây là một cơ hội lớn dành cho mình để có thể học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ và đặc biệt là có thể đem âm nhạc và nghệ sĩ Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế...".
Và tuy chưa tiết lộ bất kỳ điều gì về giai điệu hay ca từ của bài hát, đoạn teaser mới được chia sẻ trước đó của Đức Phúc chỉ hé lộ đoạn nhạc nền của ca khúc bất hủ I Do của 911 nhưng đã đủ khiến người hâm mộ nức lòng chờ mong ca khúc Valentine năm nay của Đức Phúc.
Bình luận (0)