Sự kiện văn hóa tuần qua: Công an vào cuộc vụ sắc phong Việt Nam bị rao bán trên mạng

16/04/2023 07:00 GMT+7

Theo ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ, Công an tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Bộ Công an để điều tra vụ việc sắc phong Việt Nam bị rao bán trên mạng.

Mới đây, trên một mạng xã hội Facebook xuất hiện bài viết của tác giả Trần Ngọc Đông thu hút sự quan tâm của dư luận với nội dung: "Đau xót khi sắc phong của đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, H.Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bị đánh cắp năm 2021 và nhiều sắc phong của các làng xã Việt Nam được rao bán công khai trên mạng ở Trung Quốc. Sản phẩm được bán với hình thức đấu giá vào ngày 22.4.2023, với giá khởi điểm từ 2.800 - 3.500 nhân dân tệ (tương đương 10 - 12 triệu đồng)".

Ngay sau khi nhận được thông tin sắc phong của di tích lịch sử quốc gia đền Quốc Tế bị rao bán, ông Nguyễn Hồng Minh, Chủ tịch UBND xã Dị Nậu, cho biết, chính quyền xã đã gửi văn bản báo cáo đến UBND H.Tam Nông, để trình bày sự việc.

Cũng liên quan đến sự việc trên, ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ, cho biết, tỉnh Phú Thọ đã có văn bản gửi các cấp liên quan để xác minh thông tin.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Công an vào cuộc vụ sắc phong Việt Nam bị rao bán trên mạng - Ảnh 1.

Sắc phong của Việt Nam bị rao bán trên mạng

NGƯỜI DÂN CUNG CẤP

"Chúng tôi đã yêu cầu xác minh thông tin trang mạng rao bán sắc phong thật hay giả. Nếu thật thì chúng tôi đề xuất bằng con đường ngoại giao thông qua lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc có sự can thiệp, ngăn chặn nếu đó là tài sản của Việt Nam", ông Thủy nói và cho hay lực lượng Công an tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Bộ Công an thống nhất phương án xử lý.

Theo ông Thủy, đối với sắc phong tại đền Quốc Tế bị đánh cắp từ ngày 21.5.2021, kẻ gian đã phá két sắt lấy toàn sắc phong của đền, phía Công an H.Tam Nông đã lập hồ sơ để điều tra để tìm ra kẻ đánh cắp nhưng đến nay chưa tìm được dấu tích.

Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ cho rằng, nếu sắc phong được rao bán tại Trung Quốc là của đền Quốc Tế, thì đó là tài sản ăn cắp, những người liên quan đến việc ăn cắp chắc chắn là tội phạm sẽ được xử lý theo pháp luật của Việt Nam.

"Việc để mất sắc phong, trách nhiệm đầu tiên sẽ thuộc về ban quản lý khu di tích, mỗi di tích địa phương đều có trưởng ban quản lý và các thành viên, họ cần có tránh nhiệm trong việc bảo quản, giữ gìn những tài sản của di tích", ông Thủy nhấn mạnh.

Ông Thủy cho rằng, việc có thể đưa sắc phong trở về là câu chuyện cần phải bàn thảo giữa các bên để có phương án cụ thể đối với từng di vật mất cắp. Việc mua, chuộc lại những vật phẩm là hình thức xử lý khác, đối với sắc phong không thể mua như một "món hàng" bởi đó là giấy chứng nhận cho từng di tích, đặc biệt liên quan đến các quốc gia khác nhau.

Di tích chùa Hương được lập quy hoạch tu bổ, phục hồi

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn (chùa Hương) ở H.Mỹ Đức, Hà Nội.

Theo quyết định, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch chùa Hương có tổng diện tích khoảng 8.200 ha, là toàn bộ không gian, diện tích tự nhiên các xã Hương Sơn, An Tiến, An Phú và Hùng Tiến thuộc H.Mỹ Đức, Hà Nội.

Trong đó, phạm vi lập quy hoạch có tổng diện tích là gần 5.000 ha. Cụ thể, diện tích khu vực bảo vệ 1 hơn 2.750 ha; diện tích khu vực bảo vệ 2 gần 1.200 ha và khu vực nghiên cứu, dự kiến mở rộng vùng phụ cận nhằm phát huy giá trị có diện tích gần 1.000 ha.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Công an vào cuộc vụ sắc phong Việt Nam bị rao bán trên mạng - Ảnh 2.

Di tích chùa Hương

TRẦN CƯỜNG

Về ranh giới lập quy hoạch, phía bắc giáp khu sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp xã An Tiến, Hùng Tiến, An Phú; phía nam giáp tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hà Nam; phía đông giáp khu dân cư và đất nông nghiệp xã Hương Sơn; phía tây giáp đất nông nghiệp và khu dân cư xã An Phú.

Theo quyết định, mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt chùa Hương, với các giá trị đặc biệt về văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan và đa dạng sinh học.

Đây sẽ là căn cứ pháp lý cho việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý các dự án thành phần về bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích. Đồng thời, là cơ sở khoa học trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Hương, gắn với phát triển du lịch.

Quyết định phê duyệt này cũng là cơ sở định hướng kế hoạch, lộ trình và nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Tạo lập cơ sở pháp lý để triển khai đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, môi trường cảnh quan, quần thể di tích quốc gia đặc biệt chùa Hương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo quyết định, thời gian lập quy hoạch không quá 24 tháng kể từ ngày 13.4.2023. Quy hoạch sẽ do Thủ tướng phê duyệt, Bộ VH-TT- DL là cơ quan chủ trì thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch. Cơ quan quản lý lập quy hoạch là UBND TP.Hà Nội và UBND H.Mỹ Đức là chủ đầu tư.

Lùi thời gian "siết hoạt động bán vé" vào phố cổ Hội An

Sau khi UBND TP.Hội An có chủ trương ban hành phương án về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An (TP.Hội An), trong đó bán vé cho tất cả người vào tham quan khu phố cổ từ ngày 15.5, TP.Hội An cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe và tiếp thu ý kiến người dân địa phương và dư luận để có sự điều chỉnh phù hợp trước khi ban hành chủ trương mới. TP.Hội An vẫn bán vé tham quan theo quy định cũ đã được áp dụng từ lâu.

Trả lời PV Thanh Niên, ông Trần Ánh, Bí thư Thành ủy Hội An, cho biết trong đề án dự kiến TP.Hội An sẽ thực hiện trong thời gian tới có nhiều nội dung, trong đó có nội dung mới phải qua nhiều khâu nên chưa thể thực hiện ngay. Ban Thường vụ Thành ủy Hội An sẽ bàn bạc kỹ về các giải pháp, khi có sự đồng thuận cao của người dân, doanh nghiệp mới thống nhất chủ trương nên làm cái gì. Ông cho rằng so với thời hạn ngày 15.5, có một số nội dung mới chưa thể thực hiện ngay được, nhưng vẫn phải chuẩn bị chứ không dừng. Hội An luôn cầu thị lắng nghe tất cả chiều thông tin, đặc biệt là ý kiến của người dân. Những phương án nào chưa được sự đồng thuận sẽ tính toán lùi thời gian, làm từng bước một theo lộ trình phù hợp.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Công an vào cuộc vụ sắc phong Việt Nam bị rao bán trên mạng - Ảnh 3.

Phố cổ Hội An có thời điểm bị “quá tải” do lượng khách đến tham quan quá đông

NAM THỊNH

Ngày 8.4, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An, cho hay việc TP.Hội An lo lắng và buộc phải siết chặt hoạt động bán vé là do hiện nay một số đơn vị lữ hành xây dựng tour miễn phí vé vào tham quan phố cổ Hội An. Quan điểm của ông là nếu trường hợp này xảy ra thì Hội An sẽ "chết". Bởi đô thị cổ Hội An chỉ có khoảng 1 km2, giờ miễn phí, khách dồn hết vào đó thì còn gì là "sản phẩm du lịch", lấy gì để bảo tồn di tích. "Mục đích cũng chỉ để làm sao kiểm soát, chống các đoàn có tư tưởng "biến" Hội An thành điểm tham quan "free" để cạnh tranh tour không lành mạnh. TP.Hội An sẽ làm hết sức nhẹ nhàng nhưng đảm bảo công bằng. Chúng tôi sẽ họp bàn với những chủ nhân sở hữu di tích trong phố cổ, nghe ý kiến rồi sẽ tiếp tục họp với đơn vị lữ hành, sau đó mới thống nhất. Nếu như tất cả nhân dân không đồng tình thì buộc phải dừng, không thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi tin những chủ nhân di tích sẽ hiểu với cách làm của thành phố", ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, ngày 15.5, TP.Hội An cũng sẽ chính thức mở rộng không gian đề án "Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ" cho tuyến đường Phan Chu Trinh. Việc lắp đặt lại các biển hướng dẫn phân luồng như chỗ nào là quầy bán vé, công trình vệ sinh, khu vực bán vé… phải có thông tin đầy đủ để du khách và người dân nắm.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay chủ trương về việc ban hành phương án tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền TP.Hội An. "Tôi đã trao đổi với Bí thư và Chủ tịch TP.Hội An để anh em cân nhắc thực hiện sao cho phải, vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý trật tự, văn hóa du lịch nhưng cũng phải vừa phù hợp, có khoa học và nhân văn. Những vấn đề mới còn nhiều ý kiến khác nhau thì hết sức cầu thị và tôn trọng ý kiến đóng góp của cộng đồng cũng như các bên có liên quan, dù làm theo cách thức nào cũng không được để ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và thương hiệu của Hội An", ông Thanh nói.

Phong phú hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 - năm 2023

Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM phối hợp với các sở ban ngành TP.HCM, UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện, các đơn vị xuất bản, phát hành trên địa bàn TP.HCM tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 với thông điệp: Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo; Sách cho tôi, cho bạn; Mỗi người dân là một đại sứ văn hóa đọc, diễn ra từ ngày 19 - 23.4 tại khu vực Công trường Công xã Paris (từ Nguyễn Du đến Lê Duẩn) - đường Nguyễn Văn Bình (Đường sách TP.HCM), Q.1 và đồng loạt tổ chức tại TP.Thủ Đức cùng các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Theo ban tổ chức, sẽ có các không gian triển lãm, trưng bày hơn 300 tư liệu, 30.000 tựa sách thuộc các lĩnh vực với đa dạng thể loại; hơn 70 chương trình giao lưu, tọa đàm, diễn đàn, hội thi về sách với các chuyên đề về sách, kỹ năng hình thành thói quen đọc sách, ra mắt sách, ký tặng sách...

Sự kiện văn hóa tuần qua: Công an vào cuộc vụ sắc phong Việt Nam bị rao bán trên mạng - Ảnh 4.

Đông đảo độc giả đến với buổi giao lưu ra mắt sách Không sợ sống, dám yêu đời mà sống của nhà báo Thùy Trang (Báo Người Lao Động) tại Đường sách TP.HCM đầu tháng 4.2023

Đặc biệt, vào ngày 21.4 tại sân khấu chính Công trường Công xã Paris sẽ diễn ra các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 như: công bố và giao lưu với 10 đại sứ văn hóa đọc trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 đến từ các lĩnh vực khác nhau; các đơn vị xuất bản, phát hành trên địa bàn thành phố chung tay tổ chức hoạt động trang bị sách cho người dân, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố và phát động Ngày nhận sách miễn phí (21.4) hằng năm dành cho người dân thành phố, bạn đọc khi đến tham gia Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Ban tổ chức cũng cho biết đã nhận được sự đồng hành, hưởng ứng và chung tay của các đại sứ góp phần lan tỏa các hoạt động từ ngày 19 - 22.4 cũng như trong giai đoạn sắp tới. Đó là sự ủng hộ của nhiều tác giả sách như: cụ Nguyễn Đình Tư - nhà nghiên cứu 103 tuổi, là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu ý nghĩa như bộ sách Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử; bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, tác giả Đi qua thời gian, Chuyện ở phường, Hãy cứ đi về phía nhân dân, Chuyện về ứng xử văn hóa; TS Quách Thu Nguyệt - nguyên Giám đốc, Tổng biên tập NXB Trẻ; tác giả Trung Nghĩa - chủ nhân của nhiều đầu sách văn hóa, thể thao, du ký, travel Blogger truyền cảm hứng cho giới trẻ. Nhiều gương mặt nổi tiếng trên các lĩnh vực cũng đồng hành cùng chương trình trong vai trò đại sứ truyền thông như: doanh nhân Lê Đăng Khoa - Chủ tịch Quỹ Le Group Ventures, là người luôn đề cao sự học khi đồng hành cùng sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM với Quỹ học bổng Lê Đăng Khoa, hỗ trợ sinh viên liên tục 5 năm; á hậu quốc tế Thúy Vân - nhà sáng lập Quỹ Inspired by SHE, diễn giả của hàng loạt chương trình truyền cảm hứng cho giới trẻ; ca sĩ Hồ Trung Dũng - giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, nghệ sĩ luôn đam mê và đề cao việc đọc sách; em Bùi Lưu Bảo Khánh - học sinh lớp 8, giải nhất hội thi Lớn lên cùng sách lần 8; hay đại sứ truyền cảm hứng - Gương mặt vượt qua nghịch cảnh Nguyễn Chánh Tín, tác giả cuốn sách Tôi chọn sống...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.