Sự kiện văn hóa tuần qua: Thủ tướng yêu cầu xử lý việc trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam đổ nát

19/03/2023 07:00 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành xem xét, kiểm tra thông tin về việc trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam đang bị hoang tàn, đổ nát, tìm các giải pháp phù hợp với tình hình mới, có phương án xử lý tồn tại trước ngày 23.3.


Tối 17.3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành chức năng liên quan, căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét, kiểm tra thông tin về việc trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê (Q.Tây Hồ, Hà Nội) đang bị hoang tàn, đổ nát. Các bộ, ngành phải tìm các giải pháp phù hợp với tình hình mới, có phương án xử lý tồn tại trước ngày 23.3.

Trước đó, báo chí phản ánh tại lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam, NSND Trà Giang cho biết đã rơi nước mắt khi về thăm lại trụ sở của Hãng phim truyện Việt Nam. Đây được xem là "cái nôi" của điện ảnh cách mạng, nơi sản xuất cả trăm bộ phim kinh điển của điện ảnh nước nhà nhưng giờ trở nên tiêu điều, hoang tàn.

Tháng 10.2019, tập thể nghệ sĩ tại Hãng phim truyện Việt Nam đã có văn bản "cầu cứu" gửi đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội về vụ việc cổ phần hóa hãng phim. Theo đó, giá trị đất đai và quyền, ưu thế sử dụng đất được đánh giá bằng 0; giá trị thương hiệu của hãng được đánh giá bằng 0.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Thủ tướng yêu cầu xử lý việc trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam đổ nát - Ảnh 1.

Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê (Q.Tây Hồ, Hà Nội) đang bị hoang tàn, đổ nát

P.V

Quá trình cổ phần hóa cũng vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu khi chỉ có 1 nhà đầu tư cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) - đơn vị không hề có kinh nghiệm, năng lực liên quan đến việc sản xuất phim và văn hóa điện ảnh.

Thực tế, sau nhiều năm cổ phần hóa, hãng phim một thời từng sản xuất các bộ phim điện ảnh đình đám hiện nay đang trong cảnh hoang tàn, đổ nát, không được sử dụng.

Xử lý trách nhiệm vụ Di tích quốc gia động Hồ Công bị xâm hại

Ngày 16.3, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa và lãnh đạo Huyện ủy, UBND H.Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo xử lý việc Di tích quốc gia động Hồ Công (tại núi Xuân Đài, xã Ninh Khang, H.Vĩnh Lộc) bị xâm hại.

Trước đó, đầu năm 2023, sư trụ trì chùa Thông (chùa Thông nằm dưới chân núi Xuân Đài) là ni sư Thích Đàm Hải đã cho người vận chuyển 9 pho tượng, 6 bệ đá vào trong động Hồ Công để thờ cúng. Ngoài ra, còn cho xây dựng nhiều ban thờ bằng gạch, bê tông cốt thép. Các hoạt động đưa tượng, bệ đá, xây dựng ban thờ trong động đều trái pháp luật, không được cơ quan chức năng nào cho phép.

Ông Lữ Minh Thư, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lộc, cho biết sau khi nhận được thông tin, Huyện ủy Vĩnh Lộc đã chỉ đạo UBND huyện, UBND xã Ninh Khang kiểm tra, đồng thời cho di chuyển các tượng, bệ đá ra khỏi động, phá dỡ các ban thờ xây dựng trái phép. Cũng theo ông Thư, đến ngày 16.3 đã di chuyển xong các tượng, bệ đá ra ngoài động; hiện đang phá dỡ các ban thờ và dọn vệ sinh, trả lại nguyên trạng ban đầu cho di tích.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Xử lý trách nhiệm vụ Di tích quốc gia động Hồ Công bị xâm hại - Ảnh 1.

Động Hồ Công nằm trên đỉnh núi Xuân Đài

MINH HẢI

Sau khi kiểm tra hiện trường, ông Đào Xuân Yên, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, yêu cầu chính quyền địa phương và ngành văn hóa tập trung di chuyển hết vật liệu để đảm bảo vệ sinh, cảnh quan di tích. Trong quá trình tháo dỡ, cần đảm bảo không làm hư hỏng, tác động xấu đến di tích.

Động Hồ Công nằm trên núi Xuân Đài. Động có chiều dài 45 m, rộng 23 m. Trên vách đá của động có nhiều bài thơ chữ Hán, trong đó nổi tiếng có thơ của vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, chúa Trịnh Sâm, Nguyễn Nghiễm, Ngô Thì Sĩ…

Chiêm ngưỡng tranh tuyển của 8 nghệ sĩ đương đại Việt Nam tại Paris

Triển lãm của 8 nghệ sĩ đương đại Việt Nam vừa khai mạc tại tại Paris (diễn ra đến ngày 1.4) có tên gọi là V.I.E gồm : Bùi Công Khánh, Hoàng Thanh Vĩnh Phong, Lê Thúy, Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Thúy Hằng, Phi Phi Oanh, Richard Streitmatter-Tran, Võ Trân Châu, giới thiệu đến công chúng thế giới hơn 35 tác phẩm được trưng bày tại A2Z Art Gallery, Saint-Germain des Prés, Paris, do Lê Thiên Bảo giám tuyển, khắc họa một phần đời sống nghệ thuật ở Việt Nam trong thập kỷ này.

Đa phần tác phẩm mượn dáng hình của tĩnh vật thân quen để neo lại dòng chảy của lịch sử. Không gian triển lãm được bố trí thân mật như nội thất của một căn nhà, nơi việc lao động nghệ thuật đồng hiện với sinh hoạt đời thường.

Nếu như Bùi Công Khánh chồng chất những trăn trở với xã hội vào men gốm Bát Tràng thì các tên tuổi như Lê Thúy, Nguyễn Thị Châu Giang lại nâng niu quy luật sinh tử của phận người trên tranh lụa.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Xử lý trách nhiệm vụ Di tích quốc gia động Hồ Công bị xâm hại - Ảnh 3.

Nguyễn Thị Châu Giang nâng niu quy luật sinh tử của phận người trên tranh lụa

Lê Thiên Bảo cung cấp

Họa sĩ Nguyễn Thúy Hằng phơi bày những ám ảnh cá nhân qua những câu chuyện hư cấu, được thể hiện bằng sơn dầu trên vải, còn Oanh Phi Phi, Hoàng Thanh Vĩnh Phong, khám phá và thử nghiệm các chiều kích khác của sơn mài.

Đi theo con đường của riêng mình, Richard Streitmatter-Tran tiếp tục "trình diễn" với cơ thể người, thông qua việc tôi luyện kỹ năng hình họa chân dung; Võ Trân Châu tái hình dung và chắp vá ký ức về lịch sử Đông Dương trên những tấm "mosaic" tái chế từ vải vụn.

Trong tiếng Pháp, "vie" là cuộc/sự sống. Trong máy tính của người dùng tiếng Việt, VIE là chế độ gõ bàn phím được sáng tạo để tích hợp được 29 chữ cái gốc latin và 6 thanh sắc khác nhau trong ngôn ngữ này. Tiếng Việt, cũng như nghệ thuật Việt, có sự giao thoa văn hóa từ Trung Hoa, Chăm Pa, Pháp và Mỹ.

V.I.E của 8 nghệ sĩ đương đại Việt Nam tại Paris tán dương hành trình của nghệ sĩ để có được tổng hòa nhuần nhuyễn của ý niệm, kỹ thuật tạo hình truyền thống và kết nối với đời sống địa phương. Theo giám tuyển Lê Thiên Bảo đây cũng là sự kiện mở đầu cho những hợp tác và cam kết dài hạn giữa A2Z Art Gallery với nghệ thuật Việt Nam trong tương lai.

NSND Diệp Lang qua đời

Vợ NSND Diệp Lang cho biết ông mất vào khoảng 6 giờ sáng 11.3 (giờ California, Mỹ) sau thời gian dài chống chọi bệnh tật. Trước khi mất, ông than khát nước nhưng khi người nhà mang nước đến đã thấy ông ra đi tự lúc nào.

Trong khi đó NSND Hồng Vân nói bà nhận thông tin NSND Diệp Lang qua đời tại Mỹ từ đạo diễn Diệp Tiên. Hồng Vân không khỏi đau buồn khi nhận tin NSND Diệp Lang rời cõi tạm. Bà chia sẻ: "Chú Diệp Lang ra đi nhẹ nhàng, không đau đớn gì. Chú mệt từ hôm trước, bác sĩ có đến cho chú uống thuốc. Sáng nay, chú mệt và ra đi".

Sự kiện văn hóa tuần qua: Xử lý trách nhiệm vụ Di tích quốc gia động Hồ Công bị xâm hại - Ảnh 4.

NSND Diệp Lang là một trong những ngôi sao sáng của cải lương miền Nam

Chụp màn hình

Trên trang cá nhân, Hồng Vân đăng tải dòng trạng thái chia sẻ về sự ra đi của bậc tiền bối. Diễn viên Gạo nếp gạo tẻ bộc bạch: "Vĩnh biệt chú Diệp Lang. Con cảm ơn chú đã đồng hành cùng sân khấu kịch Phú Nhuận từ những ngày đầu thành lập, tiếp theo đó chú lại giao em Diệp Tiên - cục vàng của cô chú tiếp tục đồng hành cùng con. Phú Nhuận tạo được thương hiệu là nhờ một phần của chú và em Diệp Tiên. Ơn này con mang theo suốt đời chú ơi. Chú về với Tổ nha chú".

Nghệ sĩ Diệp Lang tên thật Dương Công Thuấn, sinh năm 1941 tại Sa Đéc (Đồng Tháp). Khoảng năm 13 tuổi, ông theo chân cha là thầy đàn Ba Diệp lên Sài Gòn, theo đoàn cải lương Kim Thoa. Vai kép độc ghi dấu ấn đầu tiên của nghệ sĩ Diệp Lang là ở đoàn Kim Chưởng, trong vở Hai chiều ly biệt. Nghệ sĩ Diệp Lang được xếp vào hàng các kép độc hay nhất của sân khấu cải lương.

Nhắc đến Diệp Lang thì không thể không nhắc đến các vai diễn ấn tượng như ông Sáu trong Nửa đời hương phấn, Hải Lâm trong Áo cưới trước cổng chùa, vai một lão nông Đồng Tháp trong Người giữ mộ, ông hội đồng Thăng trong vở Đời cô Lựu... Năm 1963, nghệ sĩ Diệp Lang đoạt giải Thanh Tâm. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2003.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.