Sự kiện văn hóa tuần qua: Phạm Thiên Ân thắng giải Cannes

28/05/2023 13:32 GMT+7

Tối 27.5 (giờ Pháp), LHP Cannes lần thứ 76 đã khép lại với giải Cành cọ vàng dành cho phim Anatomy of a Fall của nữ đạo diễn Pháp Justine Triet. Trần Anh Hùng nhận giải Đạo diễn xuất sắc và Phạm Thiên Ân đoạt giải Caméra d'Or.

Tác phẩm Bên trong vỏ kén vàng (tựa Anh: Inside the Yellow Cocoon Shell) của đạo diễn Phạm Thiên Ân thắng giải Camera vàng (Caméra d'Or) - giải thưởng dành cho phim đầu tay xuất sắc của một đạo diễn trẻ tại LHP Cannes. 

Phạm Thiên Ân sinh năm 1989, từng giành giải nhì cuộc thi Làm phim ngắn 48 giờ vào năm 2014. Năm 2018, phim ngắn Câm lặng (The Mute) của Phạm Thiên Ân ra mắt tại Liên hoan phim ngắn quốc tế Palm Spring và được chọn tranh giải tại nhiều liên hoan phim quốc tế. Năm 2019, Phạm Thiên Ân đến Cannes lần đầu tiên với phim ngắn Hãy tỉnh thức và sẵn sàng (Stay Awake, Be Ready).

Phạm Thiên Ân từng sống và làm phim tại TP.HCM, vợ chồng anh sang Houston (Mỹ) 4 năm trước.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Phạm Thiên Ân thắng giải Cannes - Ảnh 1.

Phạm Thiên Ân nhận giải Caméra d’Or

AFP

Nhà làm phim Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng nhận giải Đạo diễn xuất sắc với The Port-Au-Feu. Trước đó, Bên trong vỏ kén vàng của Phạm Thiên Ân được chiếu ở hạng mục Tuần lễ đạo diễn (Directors' Fortnight), nhận nhiều lời khen của giới phê bình. Phim kể về một người đàn ông phải mang xác chị dâu về quê trao lại cho anh. Hành trình này bật ra trong anh những suy tư về ý nghĩa cuộc đời, được các báo nước ngoài đánh giá là có "chất thơ", "mê hoặc" khán giả. 

Tại LHP Cannes lần thứ 46 (năm 1993), đạo diễn Trần Anh Hùng từng đoạt Camera vàng với bộ phim Mùi đu đủ xanh.

Các hoạt động kính mừng Đại lễ Phật đản và tưởng niệm Bồ-tát Thích Quảng Đức

Theo truyền thống hàng năm, từ ngày mùng 8 đến rằm tháng 4 âm lịch là thời gian diễn ra Tuần lễ kính mừng Phật đản - Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc. Đây là sự kiện trọng đại của Phật giáo thế giới nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng, được giáo đồ hoan hỷ tổ chức trọng thể.

Ngoài các hoạt động thiết trí lễ đài, vườn Lâm-tỳ-ni, xe hoa kính mừng Phật đản, năm nay, Tuần lễ Phật đản Phật lịch 2567 - Dương lịch 2023 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM tổ chức diễn ra từ ngày 26 - 5 đến 2 - 6 (nhằm mùng 8 đến 15.4 Quý Mão) với nhiều hoạt động phong phú, tại Việt Nam Quốc Tự (244 đường 3 Tháng 2, P.12, Q.10, TP.HCM).

Sự kiện văn hóa tuần qua: Phạm Thiên Ân thắng giải Cannes - Ảnh 2.

Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM thị sát công tác chuẩn bị Đại lễ Phật đản tại Trung tâm Văn hóa - Tâm linh của Phật giáo TP.HCM - Việt Nam Quốc Tự

LƯU ĐÌNH LONG

Đặc biệt, năm nay cũng là cột mốc đánh dấu sự kiện 60 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân nên các hoạt động kính mừng Phật đản tổ chức song song, hòa quyện với các sự kiện hướng về Đức Bồ-tát Thích Quảng Đức.

Ngoài lễ Mộc dục (Tắm Phật) được Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM tổ chức trọng thể vào mùng 8 âm lịch, xuyên suốt tuần lễ còn có các thời khóa thuyết giảng Phật pháp do chư tôn đức giảng sư được Ban Hoằng pháp Phật giáo TP phân công. Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo TP cũng vận động các chùa và tổ chức các chương trình tặng quà người khó khăn, thể hiện tinh thần từ bi của đạo Phật.

Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM đảm trách sự kiện triển lãm hình ảnh Bồ-tát Thích Quảng Đức tại Việt Nam Quốc Tự (vừa khai mạc ngày 26.5); thiết kế lễ đài Phật đản và đêm nghệ thuật Lửa thiêng rực sáng sử vàng (diễn ra lúc 19 giờ ngày 28.5).

Đêm nghệ thuật sẽ có nhiều tiết mục ca, múa, nhạc kịch do các nghệ sĩ chuyên nghiệp trình diễn, hứa hẹn mang đến một chương trình sâu lắng để Phật tử TP.HCM thưởng thức trong tinh thần tri ân, báo ân Đức Phật, Bồ-tát Thích Quảng Đức, tiền nhân.

Chương trình Lửa thiêng rực sáng sử vàng do Bill Nguyễn làm đạo diễn sân khấu; MC Đại Nghĩa - Lâm Ánh Ngọc dẫn chuyện; cùng sự tham gia của các nghệ sĩ: Tạ Minh Tâm, Thanh Lam, Tùng Dương, Nguyễn Phi Hùng, Bích Phượng, Quốc Đại, Thùy Trang, Đông Quân, Hải Phượng, Sa Huỳnh, Quách Tuấn Du, Ban Đạo ca chùa Giác Ngộ…

Còn triển lãm cùng tên về Bồ-tát Thích Quảng Đức và chư thánh tử đạo có 88 bức tranh, hình ảnh lần đầu tiên được công bố như một cuốn phim lịch sử ghi lại câu chuyện vị pháp thiêu thân của 10 Tăng, 9 Ni, 12 Phật tử cùng 8 thánh tử đạo tử nạn tại Đài Phát thanh Huế… Các hoạt động chính Tuần lễ kính mừng Phật đản cụ thể diễn ra như sau: Khai mạc triển lãm về Bồ-tát Thích Quảng Đức được diễn ra vào lúc 17 giờ ngày 26.5.2023 (8.4 Âl); Lễ rước kiệu Phật diễn ra vào lúc 20 giờ cùng ngày 26.5; Diễu hành xe hoa bắt đầu vào lúc 19 giờ ngày 27.5 (9.4 Âl); Chương trình nghệ thuật Lửa thiêng rực sáng sử vàng diễn ra vào lúc 19 giờ ngày 28.5 (10.4 Âl) và Đại lễ Phật đản chính thức được tổ chức tại lễ đài chính vào lúc 6 giờ sáng ngày rằm tháng tư năm Quý Mão (ngày 2.6).

Tôn tạo, phát huy giá trị di tích quý Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán

Sáng 26.5, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) diễn ra hội thảo khoa học Tầm quan trọng, giá trị lịch sử khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng Sản VN bị giam giữ và hy sinh.

Hội thảo Tầm quan trọng, giá trị lịch sử khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng Sản VN bị giam giữ và hy sinh do UBND TP.HCM, UBND Q.5, TP.HCM phối hợp cùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bảo tàng HCM thực hiện.

Đến dự hội thảo có ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cùng nhiều lãnh đạo ban ngành, các nhà nghiên cứu…

Sự kiện văn hóa tuần qua: Phạm Thiên Ân thắng giải Cannes - Ảnh 3.

Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nơi Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng Sản Việt Nam Trần Phú bị giam giữ và hy sinh nằm trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM)

Đ.T

Ngày 26.8.1931, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Phú sau khi bị bắt, tra tấn, lâm trọng bệnh được đưa về khu trại giam này. Đến ngày 6.9.1931, Trần Phú hy sinh ở tuổi 27 sau khi để lại lời nhắn: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu". Ngoài Trần Phú, khu trại giam còn là nơi giam giữ nhiều chiến sĩ cách mạng như Trần Não, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Trỗi… 

 Do di tích ngày càng xuống cấp theo thời gian, ngày 18.4.2023, Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã thông qua Nghị quyết "Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán nằm trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới". Dự án sẽ hoàn thành vào ngày 1.5.2024, đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú.

Đề nghị Bộ Ngoại giao làm đầu mối đàm phán hồi hương sắc phong

Ngày 26.5, Bộ VH-TT-DL có Công văn số 2083 về việc phối hợp xử lý thông tin bán đấu giá sắc phong có nguồn gốc VN. Công văn gửi Bộ Ngoại giao và các địa phương Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, do Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ký.

Theo đó, Bộ VH-TT-DL đề nghị Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO VN phối hợp cùng địa phương làm việc với UNESCO và các tổ chức liên quan để hồi hương hiện vật, sắc phong theo Công ước UNESCO 1970.

Trong công văn, Bộ VH-TT-DL đánh giá cao sự phiối hợp của Bộ Ngoại giao cũng như Tổng lãnh sự quán VN tại Thượng Hải (Trung Quốc). Các cơ quan trên đã kịp thời yêu cầu công ty bán đấu giá tại Thượng Hải dừng việc bán đấu giá sắc phong của VN, tạo điều kiện bước đầu trong việc xem xét khả năng hồi hương các sắc phong qua đàm phán ngoại giao.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Phạm Thiên Ân thắng giải Cannes - Ảnh 4.

Sắc phong, được cho là có nguồn gốc VN, rao bán trên trang của công ty đấu giá tại Thượng Hải

CHỤP MÀN HÌNH

Công văn này cũng cho biết để tiếp tục triển khai các việc tiếp theo nhằm hồi hương các hiện vật, sắc phong có nguồn gốc VN theo nội dung Công ước UNESCO 1970 mà VN và Trung Quốc cùng cam kết thực hiện, ngày 27.4 vừa qua, Bộ VH-TT-DL đã hướng dẫn các địa phương kể trên thực hiện quy trình xác minh, xây dựng hồ sơ hiện vật sắc phong bị mất.

Theo đó, các địa phương này tiếp tục xác minh tính xác thực của các sắc phong đang rao bán có nguồn gốc tại địa phương; thu thập và cung cấp các thông tin pháp lý về sắc phong, việc mất cắp sắc phong; xây dựng hồ sơ chứng minh nguồn gốc sắc phong từ các di tích và các địa điểm liên quan ở địa phương theo hướng dẫn của Công ước UNESCO để gửi cơ quan chức năng làm cơ sở thực hiện đàm phán ngoại giao.

Mỹ hỗ trợ bảo tồn mộc bản triều Nguyễn

Chiều 25.5, Tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 4 (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức lễ hoàn thành dự án bảo tồn khẩn cấp mộc bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới.

Tháng 7.2020, Quỹ Bảo tồn văn hóa của Đại sứ Mỹ (AFCP) đã tài trợ cho Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước với số tiền 88.209 USD để bảo tồn 500 mộc bản triều Nguyễn đã xuống cấp, minh chứng cho tầm quan trọng của mộc bản triều Nguyễn đối với di sản tư liệu thế giới.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Phạm Thiên Ân thắng giải Cannes - Ảnh 5.

Đại sứ Mỹ tại VN Marc Knapper (trái) tham quan và nghe giới thiệu về mộc bản

GIA BÌNH

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước, cho biết thành công lớn nhất của dự án không chỉ là bảo tồn, trùng tu 500 tấm mộc bản triều Nguyễn đã xuống cấp, mà quá trình thực hiện dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý di sản và người dân địa phương trong việc bảo tồn di sản, giúp rèn luyện kỹ năng bảo quản mộc bản cho các cán bộ phụ trách bảo quản mộc bản triều Nguyễn tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 4. Hơn nữa, việc triển khai dự án sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp về giá trị của mộc bản đối với xã hội VN cũng như cộng đồng quốc tế. Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Mỹ tại VN Marc Knapper nhìn nhận: "Mộc bản triều Nguyễn là một loại hình tài liệu đặc biệt về hình thức, nội dung và phương thức chế tác. Tài liệu này được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới, là nguồn tài liệu tin cậy quý giá phục vụ cho việc học và nghiên cứu lịch sử VN. Phái đoàn Ngoại giao Mỹ rất vinh dự được chung tay cùng Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước trong việc bảo tồn kho báu quý giá này thông qua chương trình Quỹ Bảo tồn văn hóa của Đại sứ Mỹ. Kể từ khi bắt đầu vào năm 2001, phái đoàn Ngoại giao Mỹ đã tài trợ cho VN 16 dự án, với tổng giá trị lên đến hơn 1,2 triệu USD, góp phần bảo tồn nền di sản văn hóa đa dạng và độc đáo của VN. Chúng tôi cũng vừa đề cử một dự án cho năm nay, hy vọng sẽ góp phần làm tăng số lượng dự án được tài trợ tại VN".

Hiện nay, mộc bản triều Nguyễn đang lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 4, gồm 34.555 mộc bản khắc chữ Hán. Tuy nhiên, do yếu tố lịch sử để lại, số mộc bản này đã bị giảm sút cả về chất lượng và số lượng do ảnh hưởng của quá trình lão hóa tự nhiên, khí hậu nhiệt đới, chiến tranh, lũ lụt, các hoạt động của nấm và côn trùng qua nhiều thế kỷ.

Những năm gần đây, Chính phủ VN đã triển khai một số hoạt động để bảo vệ các tài liệu mộc bản này, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần sự tham gia, đóng góp của cộng đồng xã hội trong việc kéo dài tuổi thọ của tài liệu này. Số mộc bản cần phục hồi, gia cố do bị nứt khá nhiều: 2.355 tấm; mộc bản suy thoái do mối mọt, nấm mục: 2.418 tấm; 108 mộc bản không xác định được nội dung do nấm, mối mọt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.