Triển lãm có tên gọi Hồn xưa bến lạ (Timeless Souls: Beyond the Voyage) trưng bày các tác phẩm của "bộ tứ" đời đầu Trường Mỹ thuật Đông Dương, diễn ra từ 11 - 14.7.2022 tại Park Hyatt (TP.HCM), gồm tranh của các danh họa Việt Nam: Lê Thị Lựu (1911 - 1988), Lê Phổ (1907 - 2001), Mai Trung Thứ (1906 - 1980), và Vũ Cao Đàm (1908 - 2000).
Các tác phẩm của Lê Phổ có Đền Cổ Loa (Co Loa Temple) (1934), 44x62 cm, sơn dầu trên toan; Thiếu nữ vuốt tóc (Jeune femme se coiffant) (khoảng 1936 - 1938), 35,5x28 cm, bột màu trên lụa. Còn Mai Trung Thứ có Hai mỹ nữ (The Two Beauties) (khoảng 1942), 58x34 cm, bột màu trên lụa, Lặng thiền (Meditation) (khoảng 1950-1960), 43x57 cm, bột màu trên lụa; Vũ Cao Đàm trưng bày Hai thiếu nữ (Deux Jeunes Femmes) (1939), 47x58,5 cm, mực và bột màu trên lụa, Bên ngôi miếu (Le pagodon) (1979), 46x38 cm, sơn dầu trên toan; Lê Thị Lựu có Nhạc công truyền thống (Le musicien traditionnel) (khoảng 1960 - 1970), 35x45 cm, mực và màu trên lụa...
Vũ Cao Đàm, Hai thiếu nữ (Deux Jeunes Femmes) (1939), 47x58,5 cm, mực và bột màu trên lụa |
TƯ LIỆU NST LÝ ĐỢI |
Đây là một trong những triển lãm của tứ kiệt Đông Dương lớn nhất tại Việt Nam về cả giá trị và số lượng, quy tụ hơn 50 tác phẩm trải dài theo sự nghiệp của mỗi họa sĩ. Dù bộ tứ lừng danh này đã lần lượt di cư sang Pháp trong các thập kỷ 1930 - 1940 nhưng vẫn thường xuyên lồng ghép tâm tư hoài cố hương của mình vào trong các tác phẩm được sáng tác nơi hải ngoại.
Dự án triển lãm phi thương mại đầu tiên của Sotheby’s mở màn bằng cuộc hội ngộ Hồn xưa bến lạ của tứ kiệt Đông Dương lần đầu tiên hội ngộ tại Việt Nam, được xem một sự kiện cần thiết để mở rộng sự tiếp cận tới công chúng cho các tác phẩm nghệ thuật giai đoạn Đông Dương, nhất là trong bối cảnh giá tranh tăng phi mã và tình trạng thẩm định tranh còn nhiều tồn tại, cần tham vấn của các học giả người Việt. Qua triển lãm, ban tổ chức và những nhà sưu tập hy vọng sẽ là một bước tiến tích cực trên con đường xây dựng thị trường tranh Việt minh bạch, uy tín.
Việt Nam đăng cai tổ chức Miss Grand International 2023
Đương kim Hoa hậu Hòa bình Quốc tế Thùy Tiên xinh đẹp, rạng rỡ trong buổi lễ công ty Sen Vàng và ban tổ chức Miss Grand International - Hoa hậu Hòa bình Quốc tế công bố Việt Nam đăng cai cuộc thi năm 2023.
Trước Thùy Tiên còn có rất nhiều những cái tên đã làm nên thành tích đáng tự hào cho Việt Nam tại Miss Grand International - Hoa hậu Hòa bình Quốc tế như: Nguyễn Thị Bích Khanh (2013), Cao Thùy Linh (2014), Nguyễn Thị Lệ Quyên (2015), Nguyễn Thị Loan (Top 20 - 2016), Nguyễn Trần Huyền My (Top 10 - 2017), Bùi Phương Nga (Top 10 - 2018), Nguyễn Hà Kiều Loan (Top 10 - 2019), Nguyễn Lê Ngọc Thảo (Top 20 - 2020).
Nguyễn Thúc Thùy Tiên - Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2022 (Miss Grand International) |
S.V |
Được thành lập từ năm 2013, cuộc thi đã dần khẳng định được vị thế của mình và được xếp hạng 1 trong 6 cuộc thi sắc đẹp lớn nhất hành tinh. Vào năm 2017, cuộc thi Miss Grand International - Hoa hậu Hòa bình Quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và đánh dấu một mùa giải đầy ấn tượng với bạn bè quốc tế.
Chiều 5.7, công ty Sen Vàng Entertainment (đơn vị sở hữu bản quyền cuộc thi Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) đã tổ chức sự kiện họp báo công bố lễ ký kết giữa Chủ tịch Miss Grand International - ông Nawat Itsaragrisil và Giám đốc quốc gia cuộc thi tại Việt Nam - bà Phạm Kim Dung. Nghi thức nhằm đánh dấu chính thức công bố Việt Nam là quốc gia đăng cai cuộc thi Miss Grand International - Hoa hậu Hòa bình Quốc tế vào năm 2023.
Người dân cào lưới dính mặt trống đồng Đông Sơn cách nay hơn 2.000 năm
Trong lúc cào lưới đánh bắt cá trên sông Hậu, một người dân ở Đồng Tháp phát hiện mặt trống đồng rồi bàn giao cho Bảo tàng Đồng Tháp. Qua thẩm định, đây là mặt trống đồng Đông Sơn có niên đại khoảng 2.000 - 2.300 năm.
Chiều 5.7, tin từ Bảo tàng Đồng Tháp cho biết, Hội đồng Khoa học Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp đã thẩm định giá trị lịch sử, giá trị kinh tế của mặt trống đồng do người dân H.Lai Vung bàn giao. Kết quả, đây là mặt trống đồng Đông Sơn có niên đại cách nay khoảng 2.000 đến 2.300 năm.
Dù có niên đại cách nay khoảng 2.000 - 2.300 năm nhưng các hoa văn trên mặt trống đồng Đông Sơn vẫn còn khá rõ |
BTĐT |
Bà Đặng Mai Yên, Phó giám đốc Bảo tàng Đồng Tháp, cho biết ngày 29.6, Hội đồng khoa học của Bảo tàng Đồng Tháp gồm 9 thành viên, trong đó có nhà sưu tập đồ cổ Nguyễn Anh Tuấn (TP.HCM), tổ chức thẩm định mặt trống bằng kim loại do anh Đặng Văn Trác (32 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thới, H.Lai Vung) cào lưới trên sông Hậu phát hiện và bàn giao.
Kết quả thẩm định, đây là mặt trống đồng Đông Sơn, loại trống Heger I, có niên đại cách nay khoảng 2.000 - 2.300 năm (niên đại từ thế kỷ thứ 3 đến khoảng thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên). Mặt trống có trọng lượng 7,6 kg, đường kính 63 cm.
Đặc điểm trang trí trên mặt trống có ngôi sao 12 cánh, 6 chim lạc bay ngược chiều kim đồng hồ, xen kẻ nhau là các vòng hoa văn khắc vạch và vòng tròn tiếp tuyến còn khá rõ. Theo Hội đồng thẩm định về giá trị kinh tế mặt trống đồng cổ trên có giá trị khoảng 200 triệu đồng.
Lãnh đạo Bảo tàng Đồng Tháp thông tin, căn cứ quy định Nghị định 29 ngày 5.3.2018 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, Bảo tàng Đồng Tháp đề xuất lãnh đạo Sở VH-TTDL tỉnh Đồng Tháp tặng thưởng 14 triệu đồng (tương đương 7% của giá trị 200 triệu đồng của mặt trống đồng) cho anh Trác là người phát hiện bàn giao hiện vật cổ. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen cho anh Trác.
Trước đó, khoảng tháng 3.2022, trong lúc đi cào lưới đánh bắt cá trên sông Hậu thuộc địa bàn H.Lai Vung, anh Đặng Văn Trác đã cào dính mặt trống nêu trên. Nghi là mặt trống đồng cổ nên anh Trác đã liên hệ chính quyền địa phương thông tin vụ việc. Đến ngày 27.4, gia đình anh Trác bàn giao cho Bảo tàng Đồng Tháp lưu giữ.
Vĩnh biệt nhạc sĩ Tố Hải - người đã đi cùng 'sông Đắk Krông…'
Sinh ra ở Bình Thuận, hơn 40 năm sống ở Nha Trang nhưng tên tuổi của nhạc sĩ Tố Hải lại gắn với tên một dòng sông tận… Quảng Trị dù ca khúc Sông Đắk Krông mùa xuân về của ông lại bắt đầu từ vùng rừng Quảng Nam. Ông vừa ra đi sáng ngày 7.4 ở tuổi 85 tại Nha Trang, sau một thời gian lâm bệnh nặng.
Cho đến tận năm 80 tuổi, đều đặn mỗi sáng, nhạc sĩ Tố Hải ghé lại quán cà phê cóc cạnh Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa trên đường Yersin, Nha Trang để tán gẫu với anh em văn nghệ. Trong “câu chuyện kháng chiến” muôn thuở của những người từng đi qua chiến tranh, bao giờ Sông Đắk Krông mùa xuân về luôn chiếm một chỗ. Cũng đúng thôi, trong cơn lốc của đoàn quân giải phóng tiến về các đô thị miền Nam mùa xuân năm 1975, luôn luôn có giai điệu của “Sông Đắk Krông…” đi cùng. “Cái suối đổ về sông/cái sông ra biển lớn/Ta nối tấm lòng dân/bằng tình yêu cách mạng…”. Lời ca ấy, giai điệu ấy từng tiếp lửa cho những sư đoàn, binh đoàn trong những ngày đầu xuân năm 1975 rầm rập tiến về Sài Gòn.
Nhạc sĩ Tố Hải |
TRẦN ĐĂNG |
Sinh năm 1937 tại Bình Thuận, Tố Hải đi theo cách mạng từ rất sớm. Năm 13 tuổi, ông đã giữ một chân liên lạc, năm 16 tuổi ông gia nhập quân đội cho đến ngày tập kết ra Bắc 1954. Nhưng năm 1960, ông đã có mặt tại một cánh rừng thuộc huyện Trà My phía tây Quảng Nam, là thành viên của Đoàn văn công giải phóng Khu 5. Nói thế để thấy rằng, Tố Hải hoàn toàn không được đào tạo chính quy cho mãi đến năm 1970, ông mới ra Bắc để theo học trường âm nhạc một cách bài bản. Tuy nhiên, năng khiếu bẩm sinh đã đưa tên tuổi của Tố Hải nổi tiếng khắp miền Nam từ rất sớm với ca khúc Lời ca không tắt viết về nữ anh hùng Trần Thị Vân (Gò Nổi - Điện Bàn - Quảng Nam). Bài hát này đã nhận được giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam năm 1965.
Sông Đắk Krông mùa xuân về và Lời ca không tắt là những ca khúc đã đưa Tố Hải đến với Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012.
Bây giờ thì Tố Hải đã cùng dòng sông mà ông từng lội qua suốt tuổi thanh xuân với khát vọng thống nhất đất nước, đang nhập vào biển cả của nhân dân mình.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ra mắt phim tài liệu về đại dịch Covid-19
Phim tài liệu Không sợ hãi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sẽ khởi chiếu trên Galaxy Play vào ngày 9.7.
Phim được thực hiện khi dịch Covid-19 bùng nổ tại TP.HCM và các tỉnh lân cận vào tháng 7.2021, tập hợp những câu chuyện truyền cảm hứng của không chỉ nhân viên y tế mà còn ở những người rất đỗi bình thường, sẵn sàng cống hiến, giúp đỡ người khác vượt qua dịch bệnh.
Cảnh trong phim Không sợ hãi |
đpcc |
Các câu chuyện kể trong loạt phim 5 tập này được xây dựng theo tinh thần hướng tới phong cách tài liệu điện ảnh trực tiếp. Mỗi tập phim là một hành trình theo chân các bác sĩ, tình nguyện viên và bệnh nhân ngay giữa tâm dịch. Tất cả công đoạn quay phim - phỏng vấn - đạo diễn chỉ do Bùi Thạc Chuyên đảm nhận.
Bộ phim tài liệu này cũng không có bất cứ lời bình nào, mà mạch cảm xúc của phim được dẫn dắt bằng chính lời tâm sự của những người trong cuộc. Để có những hình ảnh chân thực nhất, ngoài việc ghi hình ở các khu vực có F0, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã theo chân đội ngũ y tế, các tình nguyện viên vào tận những ngõ ngách sâu xa. Bên cạnh những hoàn cảnh mất mát đau thương, Không sợ hãi đề cao những con người không vô cảm, không chạy trốn, mà lựa chọn đối diện và chiến thắng sự sợ hãi của mình.
Bình luận (0)