(TNO) Nga vào hôm 22.5 khẳng định sứ mệnh của vệ tinh nghiên cứu sinh học Bion-M1 đã thành công dù phần lớn số động vật được đưa lên không gian một tháng trong vệ tinh đã chết.
"Không có bất kỳ thất bại đáng chú ý nào và con tàu đã hoàn tất đầy đủ chương trình của nó", Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Sinh vật học và Y học Nga Vladimir Sychev nói với RIA Novosti.
Bion-M1 là vệ tinh nghiên cứu sinh vật học đầu tiên của Nga kể từ năm 2007, được Nga phóng lên không gian vào ngày 19.4 qua, và bay trên quỹ đạo cách Trái đất 575 km.
|
Nó có nhiệm vụ thực hiện các nghiên cứu cơ bản cùng việc ứng dụng các vấn đề về sinh vật học, sinh lý học và công nghệ sinh học trên quỹ đạo, giúp mở đường cho các chuyến bay liên hành tinh trong tương lai, theo Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos).
Vệ tinh Bion-M1 mang theo tám con chuột nhảy Mông Cổ, 45 con chuột, 15 con tắc kè, một số ốc sên, các thùng chứa thực vật và các vi sinh vật khác nhau.
Khoang tàu vũ trụ thuộc vệ tinh Bion-M1 vào ngày 19.5 qua đã tách khỏi vệ tinh để mang các sinh vật trở về Trái đất tại khu vực Orenburg của Nga, cách Moscow khoảng 1.200 km về phía đông nam và gần biên giới với Kazakhstan.
RIA Novosti dẫn lời các chuyên gia Nga cho hay, hầu hết các "hành khách không gian" trong khoang tàu vũ trụ đã chết, cụ thể là tất cả tám con chuột nhảy Mông Cổ, 39 trong số 45 con chuột và cá cichlid. Trong khi đó, các con tắc kè, ốc sên may mắn sống sót.
Theo ông Vladimir Sychev thì căng thẳng có thể là nguyên nhân giết chết số sinh vật trên, "Sự thay đổi sang môi trường không trọng lực có thể đã gây ra stress nhiều khả năng đã kích động cuộc xung đột trong nhóm sinh vật".
|
Trong khi đó, việc cá cichlid chết trong không gian được cho là do lỗi kỹ thuật. Theo ông Vladimir Sychev thì cá chết sau 12 ngày rời Trái đất do thiếu ánh sáng nên tảo trong bể cá ngừng quang hợp dẫn đến việc cá thiếu oxy. Nghiên cứu liên quan đến cá được thực hiện bởi các nhà khoa học Đức.
Được biết, chuyến bay của vệ tinh Bion tiếp theo sẽ đạt quỹ đạo cao hơn, có thể ở độ cao 1.000 mét.
Tiến Dũng
>> Chuyến chu du không gian một tháng của chuột
>> Sao Hỏa bị "nã đạn" 200 lần mỗi năm
>> Thử nghiệm giấc ngủ cho sứ mệnh lên sao Hỏa
>> Rối loạn giấc ngủ trong sứ mệnh sao Hỏa
>> Tàu thăm dò sao Hỏa sẽ về lại trái đất ?
>> Nhìn rõ đường phố từ ảnh vệ tinh viễn thám Việt Nam
>> Mỹ phóng vệ tinh định vị lên quỹ đạo
>> Vệ tinh cảm tử tấn công rác vũ trụ
Bình luận (0)