Đề xuất của châu Phi
Ngày 16.6, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cùng người đồng cấp các nước Senegal, Zambia, Comoros và đại diện một số nước khác đã đến Ukraine nhằm làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình giữa Kyiv và Moscow.
Sau khi đối thoại với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, các nhà lãnh đạo châu Phi dự kiến sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại TP.St. Petersburg (Nga) trong hôm nay (17.6).
Đến Ukraine tìm cách giải quyết xung đột, các nhà lãnh đạo châu Phi phải vào hầm tránh bom
Reuters đưa tin mục đích của chuyến thăm là nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và khuyến khích các bên trong xung đột đồng ý một tiến trình đàm phán ngoại giao. Các lãnh đạo châu Phi được cho là có thể đưa ra nhiều đề xuất nhằm xây dựng lòng tin gồm kêu gọi Nga rút quân, đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Belarus, hoãn thi hành lệnh bắt của Tòa Hình sự quốc tế đối với Tổng thống Putin, nới lỏng lệnh cấm vận của phương Tây. Sau đó, một thỏa thuận đình chiến sẽ được đàm phán với sự tham gia của Nga và phương Tây.
Kyiv trước đó nhấn mạnh điều kiện để đàm phán là Moscow phải rút toàn bộ lực lượng khỏi lãnh thổ Ukraine. Hãng tin Sputnik hôm qua dẫn lời phát ngôn viên Dmitry Peskov của Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin sẵn sàng với mọi liên lạc nhằm thảo luận giải pháp cho xung đột.
Ukraine gặp khó
Cùng ngày, còi báo động vang lên khắp thủ đô Kyiv khi các lãnh đạo châu Phi đang có mặt. Nhiều vụ nổ xảy ra sau khi không quân Ukraine thông báo phát hiện các tên lửa được phóng từ biển Đen lên hướng bắc về phía Kyiv. Ukraine nói đã ngăn chặn 6 tên lửa bội siêu thanh Kinzhal, 6 tên lửa hành trình Kalibr và 2 máy bay không người lái.
Lãnh đạo Lầu Năm Góc nói tình hình Ukraine là 'đường chạy marathon'
Mặt khác, Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW-Mỹ) thông báo lực lượng Ukraine tiếp tục phản công tại ít nhất 3 hướng và được cho là đạt tiến triển thêm. Phát ngôn viên Andriy Kovalov của Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine hôm qua tuyên bố đã đạt thành công một phần trong nỗ lực tấn công và phòng thủ tại nhiều hướng.
Các nghị sĩ Mỹ đề xuất tịch thu tài sản Nga chuyển cho Ukraine
Các thượng nghị sĩ Mỹ vừa công bố dự luật cho phép Tổng thống Joe Biden tịch thu tài sản của Nga và chuyển cho Ukraine để tái thiết. Theo tờ Financial Times, dự luật do thượng nghị sĩ Cộng hòa Jim Risch và đồng nghiệp Dân chủ Sheldon Whitehouse đề xuất và cũng được một số nghị sĩ của hai đảng tại Hạ viện ủng hộ. Các nghị sĩ Mỹ cho rằng Nga chịu trách nhiệm cho gánh nặng tài chính trong việc tái thiết Ukraine. Do đó, tài sản của Nga bị đóng băng tại Mỹ nên được chuyển cho Ukraine, thay vì dùng tiền thuế của Washington. Từ khi xung đột nổ ra vào năm 2022, các nước phương Tây đã tịch thu khoảng 300 tỉ USD tài sản của Nga.
Mặc dù được kỳ vọng cao nhưng cuộc phản công tiến triển chậm trước sự chống trả mạnh mẽ của Nga. Trong cuộc phỏng vấn với NBC News hôm 15.6, Tổng thống Zelensky nói tin tức từ tiền tuyến "nhìn chung tích cực nhưng vẫn rất khó khăn" vì phải đối diện sự kháng cự rất cứng rắn.
Ukraine sẽ nhận thêm 14 xe tăng Leopard 2?
Tư lệnh các lực lượng bộ binh Ukraine Oleksandr Syrskyi hôm qua cũng thừa nhận đang đối đầu với sự kháng cự dữ dội của Nga quanh TP.Bakhmut, khi Moscow đưa các sư đoàn tốt nhất với pháo binh và máy bay yểm trợ đến đây, theo Reuters. Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày thông báo lực lượng Ukraine chịu tổn thất nặng nề tại Donetsk và phía nam tỉnh này, tâm điểm của cuộc phản công.
Dù vậy, Cố vấn Mykhailo Podolyak của Chánh văn phòng tổng thống Ukraine nói đây mới chỉ là màn kiểm tra tiền tuyến và cuộc phản công đúng nghĩa còn chưa diễn ra.
Bình luận (0)