Sự phát triển ồ ạt của Hải quân Trung Quốc sắp thoái trào?

14/11/2020 16:38 GMT+7

Các chuyên gia đánh giá sự phát triển ồ ạt của Hải quân Trung Quốc sắp thoái trào vì dân số già hóa, nguồn ngân sách và nhân lực “hữu hạn” để duy trì hoạt động số lượng tàu chiến thuộc hàng nhiều nhất thế giới .

Trong báo cáo do Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học Hải chiến Mỹ công bố ngày 13.11, chuyên gia Christopher Carlson đánh giá Hải quân Trung Quốc ngày càng lớn mạnh hơn. Sau hơn 1 thập niên qua, Bắc Kinh đẩy mạnh hiện đại hóa hải quân, đội tàu Trung Quốc hiện tại là lớn nhất thế giới nếu xét về số lượng tàu chiến, với tổng cộng 360 chiếc, theo ông Carlson.

Đứng đầu thế giới về số lượng tàu chiến

Trong khi đó, báo cáo thường niên năm 2020 của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Trung Quốc sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với tổng cộng khoảng 350 chiến hạm và tàu ngầm, so với 293 tàu của Mỹ và Nga là khoảng 280 tàu.
“Tất nhiên, số lượng tàu chiến không phải là thước đo duy nhất về sức mạnh hải quân. Đa số chiến hạm Mỹ có kích thước lớn hơn, được trang bị vũ khí mạnh hơn và tinh vi hơn nhiều so với tàu chiến Trung Quốc, ngay cả khi số lượng tàu của Mỹ ít hơn”, ông Carlson lưu ý.
“Trong 11 năm qua, Trung Quốc đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong năng lực đóng và bảo dưỡng tàu với tổng cộng gần 211 triệu giờ công lao động. Con số này tăng xấp xỉ 5 lần so với khoảng thời gian 11 năm trước đó. Bước tiến đáng chú ý là vào năm 2011, khi đó Trung Quốc sản xuất các tàu khu trục Type 052C/D và Type 056, đến năm 2015 đóng tàu sân bay thứ 2 là chiếc Sơn Đông”, theo báo cáo của ông Carlson.

Tàu tên lửa Type 022 của Hải quân Trung Quốc trong cuộc tập trận ở Biển Hoa Đông năm 2018

Hải quân Trung Quốc

Chuyên gia về Trung Quốc Rick Joe của chuyên san The Diplomat từng dự đoán đến đầu thập niên 2030, Trung Quốc sẽ sở hữu 4 tàu sân bay (tăng từ 2 chiếc hiện hữu), 20 tàu tuần dương Type 055 (tăng từ 8 chiếc), 40 khu trục hạm Type 052D/E (tăng từ 25 chiếc) và 50 khinh hạm Type 054A/B (tăng từ 31 chiếc).

Thoái trào từ 2030?

Tuy nhiên, Trung Quốc khó có thể tiếp tục duy trì tốc độ đóng tàu. “Để đạt được cơ cấu lực lượng như ông Joe đưa ra, Trung Quốc sẽ phải tăng 93% số giờ công lao động, về cơ bản là tăng gấp đôi nguồn nhân lực. Đây là sự gia tăng đáng kể, đòi hỏi phải tăng nguồn ngân sách, vốn sẽ được cung cấp từ nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ chậm hơn nhiều so với các giai đoạn trước đó trong bối cảnh chi phí lao động tiếp tục tăng”, chuyên gia Carlson lưu ý.
Ông Carlson cho biết thêm: “Điều đó chưa tính đến gánh nặng Trung Quốc phải đối mặt trong công tác bảo trì đội tàu lớn như thế. Gánh nặng này tăng lên kể từ năm 2028 khi những chiếc Type 052C, 054A và 056 đến hạn phải đại tu giữa vòng đời phục vụ”.

Trung Quốc khoe tàu ngầm hạt nhân, tàu khu trục tên lửa dẫn đường thế hệ mới trong thao diễn hải quân

Một số nhà phân tích khác cũng đã dự đoán tốc độ hiện đại hóa ồ ạt của hải quân Trung Quốc sẽ chậm lại. Trong bài phát biểu tại Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung Quốc của Quốc hội Mỹ cách đây vài năm, nhà phân tích Andrew Erickson tại Đại học Hải chiến Mỹ từng nói: “Mô hình phát triển kinh tế Trung Quốc không bền vững”.
“Đến đầu thập niên 2030, Trung Quốc sẽ có tỷ lệ người trên 65 tuổi cao nhất thế giới. Một xã hội già hóa trở thành gánh nặng cho nền kinh tế, điều này khiến chính phủ Trung Quốc khó có thể tăng ngân sách chi tiêu quốc phòng cũng như duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế”, theo dự đoán của ông Erickson.
Nếu dự đoán của chuyên gia Carlson và Erickson chính xác, thì sự kết hợp của dân số lão hóa, tăng trưởng kinh tế chậm lại và chi phí bảo trì hạm đội tăng có thể khiến chương trình hiện đại hóa Hải quân Trung Quốc thoái trào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.