Mỹ sẽ khắc chế tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách nào?

19/09/2020 10:51 GMT+7

Các cuộc tập trận của Mỹ gần đây hé lộ chiến lược “dụ dỗ” tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc lộ diện để tung đòn kết liễu, phá “át chủ bài cuối cùng” của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trong giai đoạn từ tháng 7-9, cả Mỹ và Trung Quốc đều tiến hành các cuộc tập trận quân sự liên tiếp ở Biển Đông. Những cuộc tập trận của Trung Quốc dàn trải ở Biển Đông cùng nhiều khu vực được cho là nhằm “đánh lạc hướng” thế giới để âm thầm củng cố mục tiêu chiến lược, chuyên san Nikkei Asian Review dẫn lời các quan chức an ninh Nhật Bản đánh giá.
Tuy nhiên, Mỹ không để mắt đến chiêu trò “đánh lạc hướng” của Trung Quốc, mà điều hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan vào trung tâm Biển Đông để tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn lần đầu tiên trong vòng 8 năm qua.

Một chiến đấu cơ F/A-18E Super Hornet đáp xuống tàu sân bay USS Ronald Reagan trong lúc tàu USS Nimitz di chuyển cạnh bên trên Biển Đông vào ngày 6.7

Hải quân Mỹ

Nikkei Asian Review dẫn lời một cựu quan chức tình báo cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định việc Mỹ triển khai 2 tàu sân bay thể hiện chiến lược mới của Mỹ ở Biển Đông và quân đội nước này có thể chuẩn bị cho tình huống xung đột bùng nổ với Trung Quốc.
Cụ thể, nếu Mỹ chỉ điều một tàu sân bay duy nhất, khi bị tấn công làm hỏng boong tàu thì các máy bay chiến đấu không còn nơi nào để hạ cánh. Điều thêm một tàu sân bay cho thấy Mỹ mô phỏng điều kiện khắc nghiệt hơn, tương đương tình huống thực chiến, cựu quan chức Nhật Bản lưu ý.

Diệt “át chủ bài cuối cùng” của Trung Quốc

Bên cạnh đó, Mỹ chọn Biển Đông cho cuộc tập trận nhằm diễn tập ứng phó nguy cơ Trung Quốc triển khai phương án cuối cùng: tàu ngầm chiến lược chạy bằng năng lượng hạt nhân được trang bị tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Để bảo vệ con át chủ bài cuối cùng này, Trung Quốc đã chiếm đóng, xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Bắc Kinh đẩy mạnh quân sự hóa, triển khai hệ thống tên lửa và máy bay chiến đấu đến những thực thể này.
Tuy nhiên, nếu Mỹ có thể vô hiệu hóa tàu ngầm có trang bị SLBM thì sẽ làm suy yếu đáng kể vị thế của Trung Quốc, bất kể trong thời chiến hay thời bình.

Hình ảnh cho thấy một tàu ngầm đang di chuyển vào cơ sở hang động thuộc căn cứ hải quân Du Lâm của Trung Quốc

Planet Labs

Trong các cuộc tập trận hồi tháng 7, quân đội Mỹ đã diễn tập kịch bản này, sử dụng máy bay tác chiến xuất kích từ tàu sân bay phối hợp với các lực lượng khác phá hủy những đảo nhân tạo phi pháp, buộc đội tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc phải lộ diện. Khi đó, hai tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân thường được triển khai đi cùng với mỗi tàu sân bay Mỹ sẽ có cơ hội tung đòn kết liễu, theo Nikkei Asian Review.
Hồi giữa tháng 8, Mỹ có động thái được cho là đã củng cố chiến lược này. Khi đó, công ty Planet Labs (Mỹ) bất ngờ công bố bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy một tàu ngầm Trung Quốc di chuyển vào hang động của căn cứ hải quân Du Lâm ở đảo Hải Nam, phía bắc Biển Đông. Như vậy, Mỹ được cho là đã gửi thông điệp mạnh mẽ: Nếu xung đột bùng nổ, các lực lượng Mỹ có thể khiến đội tàu ngầm Trung Quốc không còn đường tẩu thoát.

Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo: mối nguy mới từ Trung Quốc dành cho Mỹ

Các cuộc tập trận của Mỹ “chọc giận” Trung Quốc, buộc Bắc Kinh tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận quân sự Biển Đông vào cuối tháng 8. Trung Quốc đã phóng một số tên lửa vào ngày 26.8, bao gồm ít nhất một tên lửa DF-26. DF-26 là loại tên lửa tầm trung có biệt danh "sát thủ đảo Guam" và tên lửa DF-21D. Dù quân đội Trung Quốc mệnh danh tên lửa tầm trung DF-21D là "sát thủ tàu sân bay" nhưng giới chuyên gia quân sự vẫn còn tỏ vẻ hoài nghi về độ chính xác của DF-21D.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.