Đại đức Thích Minh Phú, Ủy viên Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo VN, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM), được biết đến là người xây gần 1.000 cây cầu từ thiện suốt 10 năm qua, nay các dự án xây phòng học giúp trẻ em dân tộc ở miền Tây của sư thầy được đông đảo cộng đồng mạng ủng hộ.
MANG NIỀM VUI VỀ MIỀN QUÊ
Dưới cái nắng oi ả ở miền Tây những ngày đầu tháng 4, hơn 100 người dân xã Tam Ngãi, H.Cầu Kè, Trà Vinh phấn khởi đến chùa Đầu Giồng dự lễ khởi công xây dựng 2 phòng học cho trẻ em dân tộc Khmer. Đây là phòng học được trông chờ từ lâu ở địa phương có đến hơn 600 hộ là người Khmer.
Trong tiếng nói cười rôm rả, vui nhất có lẽ là các em nhỏ vì sắp có phòng học mới khang trang, tiện nghi, việc học chữ Pali không còn quá trắc trở.
Ông Thạch Buôl Nát, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN H.Cầu Kè, cho biết trước đây, con em của người dân tộc Khmer phải học tiếng Pali trong các không gian tạm như: nhà ăn, khoảng sân trống, thậm chí là các chòi lá dựng tạm. Do đó, khi được sư thầy Minh Phú cùng các nhà hảo tâm về giúp xây phòng học, bà con ai nấy cũng vui mừng.
"Theo kế hoạch, 2 phòng học trên sẽ khánh thành vào ngày 1.6 và đưa vào sử dụng ngay sau đó. Không chỉ có thêm không gian học tập, 2 phòng học còn có thể làm chỗ nghỉ ngơi, cơm nước cho bà con về chùa trong ngày rằm hay mùng 1", ông Thạch Buôl Nát chia sẻ.
Trước đó, 3 phòng học tiếng Khmer cùng 1 nhà vệ sinh với kinh phí hơn 1 tỉ đồng cũng được sư thầy Minh Phú kết nối xây dựng tại chùa Tân Du (xã Lạc Hòa, TX.Vĩnh Châu, Sóc Trăng) vào năm 2023 - nơi có trên 80.000 người Khmer.
Sau thời gian hoạt động, lãnh đạo TX.Vĩnh Châu chia sẻ, nhờ có các phòng học, trẻ em dân tộc được những người Khmer lớn tuổi hoặc các sư thầy dạy tiếng Pali đều đặn trong không gian tiện nghi, mát mẻ. Qua đó, các lớp học góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết, bảo tồn bản sắc dân tộc của bà con Khmer trên địa bàn, các vị sư Nam tông cũng có không gian để học giáo lý.
Không chỉ xây phòng học, lồng ghép trong chương trình lễ khởi công, khánh thành và Tết Chôl Chnăm Thmây, đại đức Thích Minh Phú đã tặng 1.000 phần quà với kinh phí gần 400 triệu đồng chăm lo bà con địa phương. "Đoàn từ thiện của sư thầy đã cùng chính quyền thực hiện an sinh xã hội, giảm nghèo, mang niềm vui về miền quê. Ngày 12.5 tới, sư thầy tiếp tục đưa đoàn về mổ mắt miễn phí giúp người nghèo", lãnh đạo TX.Vĩnh Châu thông tin.
ĐÔNG VUI NHƯ TRẨY HỘI
Nổi tiếng là "sư thầy xây cầu", đại đức Thích Minh Phú thường nhận được các tin nhắn của người dân miền Tây mong sư thầy đến khảo sát để giúp cơ sở hạ tầng tiện nghi hơn. Không nằm trong dự kiến ban đầu, nhưng khi thấy hình ảnh phòng học đơn sơ chòi lá của trẻ em Khmer, quá xúc động, sư thầy đã vận động phật tử cùng tham gia giúp các em có phòng học kiên cố.
Vừa đủ kinh phí, năm 2023, đội thi công của chùa Tường Nguyên đã thiết kế và thực hiện 3 phòng học đầu tiên tại Sóc Trăng. 4 điểm trường với quy mô từ 2 - 3 phòng học tiếp theo được sư thầy xây dựng tại H.An Biên (Kiên Giang), H.Cầu Kè (Trà Vinh), H.Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), H.Tri Tôn (An Giang) và sư thầy đang tiếp tục khảo sát xây các phòng học tiếp theo.
Đại đức Minh Phú chia sẻ: "Ngay từ khi khởi công đến khánh thành, lúc nào bà con địa phương cũng đến tấp nập, làm đặc sản địa phương đãi khách phương xa. Bà con vui như trẩy hội, nhìn mọi người hạnh phúc vì có điểm trường học tiếng Pali, có nơi sinh hoạt chung, chúng tôi lại có động lực để thực hiện công trình tiếp theo".
Bình luận (0)