Ngày 18.2, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, UBND TX.Đông Triều tổ chức lễ khai hội xuân Ngọa Vân 2024. Đây là lễ hội thường niên để tri ân công đức của đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, kéo dài 3 tháng.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, gióng chuông khai hội, cho biết Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, ngay từ đầu công nguyên với nhiều giáo phái, hệ phái, nhưng để có một tổ chức thống nhất thì chưa có.
Phải đến thời nhà Trần, dưới uy đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông, ngài đã thống nhất 3 hệ thống thiền phái Phật giáo lúc đó để thành Phật giáo Trúc Lâm. Đồng thời, ngài cũng thống nhất các hệ thống phương pháp tu hành Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông trong Phật giáo Trúc Lâm.
Trong lễ khai mạc, có 2 tiết mục giúp người trảy hội hình dung công đức Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng như am Ngọa Vân - nơi ngài hóa Phật. Đó là Sử thi Phật hoàng Trần Nhân Tông và Ngọa Vân ca. Cả 2 sáng tác này đều có chung tác giả là cư sĩ Nguyễn Đức Thanh, một người tu tập tại gia theo những gì Phật hoàng dạy.
Vị cư sĩ này cho biết đã đến Ngọa Vân 2 lần, cảm nhận về vùng đất linh thiêng này, sau đó sáng tác Ngọa Vân ca chỉ trong 1 đêm.
Cư sĩ Nguyễn Đức Thanh cho biết, những người biểu diễn Sử thi Phật hoàng Trần Nhân Tông và Ngọa Vân ca là các cư sĩ tu theo Phật hoàng tại gia, người là bác sĩ, người là kỹ sư, nông dân. "Họ tu tập tại gia với cách tu hòa hiếu với cha mẹ, tuân thủ đạo lý, chúng tôi gọi là tam hòa và tam lý. Chúng tôi tin vào cách Phật hoàng dạy tu tại gia để xây dựng gia đình, xã hội", cư sĩ Nguyễn Đức Thanh cho biết.
Một cư sĩ tham gia biểu diễn, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, cho biết trong lễ khai mạc hội xuân Ngọa Vân, bà đón được nhiều năng lượng tốt lành.
"Tôi cũng nghiên cứu về Phật hoàng Trần Nhân Tông, tự hào vì biết đến Phật hoàng Trần Nhân Tông ở pháp tu nhập thế, lấy nền tảng tu là gia đình, xã hội tuân theo tam hòa, tam lý. Tam hòa là hòa hiếu với cha mẹ, hòa thuận với vợ chồng, hòa hợp với anh em, xóm giềng. Tam lý là tuân thủ pháp lý, đạo lý và luân lý", bà Nga nói.
Ngọa Vân là ngôi chùa tọa lạc trên núi Bảo Đài (tên gọi khác là núi Vẩy Rồng) thuộc xã Bình Khê (TX.Đông Triều) trên độ cao gần 1.000 m, khởi đầu của dãy Bảo Đài chạy dài suốt theo cánh cung Yên Tử.
Đây là nơi vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) từng tu hành và viên tịch. Người dân hàng năm vẫn về Ngọa Vân để dâng hương, tri ân Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng như tôn vinh giá trị tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm và cầu an.
Bình luận (0)