‘Sự tích Chúa’ của Nguyễn Mạnh Hà ra mắt tại TP.HCM

11/12/2022 21:28 GMT+7

Sau Hà Nội , Sự tích Chúa (NXB Thanh Niên, 2022) - tập thơ đầu tay ấn tượng của nhà báo - nhà thơ Nguyễn Mạnh Hà vừa có buổi ra mắt tại TP.HCM ngày 11.12, tại Salon Văn hóa Cà phê Thứ Bảy (79A Phan Kế Bính, Q.1).

Sự tích Chúa - nguồn thơ xuất phát từ virus và "Thượng đế”, mang đến một màu sắc khác lạ, mới mẻ ngay từ tựa đề tập thơ. Khác với các tác phẩm, tuyển tập thơ của nhiều tác giả khác, Sự tích Chúa là tập thơ khá tự do, khá vui và bàn soạn nhiều vấn đề từ virus Corona cho tới Thượng đế - không như một biểu tượng tôn giáo mà như Tác giả (hoặc Thủ phạm) của mọi thứ trên đời. Với tác giả, thơ cung cấp một phương pháp truy tìm Thượng đế, "đòi hỏi" Ngài phải hé lộ đôi chút về những kế hoạch đã vạch ra cho nhân loại trong khi mỗi chúng ta nói chung chẳng hề hay biết gì. Và để cho cuộc đối thoại thêm xôm tụ, tác giả kéo vào khá nhiều những nhân vật thần tiên ma quái cho tới động thực vật, hữu cơ, vô cơ, tất nhiên không thể thiếu người - với những gì chúng ta đang sống: từ gu ăn mặc, vui chơi, giải trí, yêu đương, mơ mộng, cho tới chuyện sức khỏe, ốm đau...

Nhà thơ Nguyễn Mạnh Hà trong buổi giao lưu ra mắt sách tại Salon Văn hóa Cà phê Thứ Bảy (79A Phan Kế Bính, Q.1, TP.HCM)

ngô tùng

Tập thơ gồm 3 phần. Phần 1 Hồ sơ vi-rút ghi lại những suy tưởng về đại dịch Covid-19 thông qua “nhân vật” virus. Cách mô tả - lý giải vừa thực tế vừa mang màu sắc hài hước đặt trong bối cảnh 2 năm căng thẳng đại dịch có lẽ cũng chính là thái độ lạc quan "bọc" bên ngoài tính triết luận của tác giả Nguyễn Mạnh Hà, dù rằng anh cũng như rất nhiều người khác, thời điểm đó chưa thể biết gì nhiều về loại virus ẩn mật này. Bài thơ Sự tích Chúa nằm trong phần Hồ sơ vi-rút đã biến Covid-19 thành một đại dịch cổ tích mà F0 chính là công chúa ếch, nhưng không đơn giản chỉ là câu chuyện vui: “Hoàng tử hôn công chúa ếch/ Rồi hoàng tử hôn cung nữ/ Cung nữ vuốt má bác làm vườn/ Bác làm vườn cho cậu bé đánh giày quả táo/ Quả táo được chia cho cô bé bán vé số/ Tờ vé số rơi vào tay kẻ trộm chó/ Trộm chó khạc vào cây hoa ven đường/ Cây hoa chết mang theo mầm bệnh cúm ếch…”. Mỗi sự việc khiến người đọc có thể bật cười, để rồi ngẫm ra, cái "dây chuyền" cuộc sống mà con người và thiên nhiên quanh ta đang diễn ra tưởng rất vô tư lự này lại ẩn giấu hệ lụy khó lường. Và bỗng nhiên một ngày ta thấy cần truy ngược lại tất cả.

Bìa tập thơ Sự tích Chúa (Nhà xuất bản Thanh Niên, 2022)

ngô tùng

Phần 2 của Sự tích Chúa, Nguyễn Mạnh Hà dành để khắc họa “Nhân vật” mà anh hay có ý định dựa dẫm, nhất là khi muốn thoát khỏi các loại virus gây ra đủ chứng bệnh, bao gồm lãng quên hay lười nhác. Khi đó, anh còn biết dựa vào ai ngoài Chính Mình. Anh phân thân để đối thoại với Tác giả đã tạo ra anh và mọi thứ, và đương nhiên phải có trách nhiệm với anh và mọi thứ, bao gồm virus hay Trái đất... trong khi Vị Ấy có vẻ chẳng buồn làm gì cả?!

Phần 3 là những độc thoại từ hai mươi năm trước hoặc hơn. Giờ xem lại Nguyễn Mạnh Hà nhận ra chúng có nhiều nét tương đồng với những đối thoại hôm nay. Trong cuộc mổ xẻ cái tôi mệt mỏi trước đây, hóa ra anh cũng đã chạm tới một chiều kích nào đó của Nguồn cội…

Tác giả Nguyễn Mạnh Hà trình bày tại chỗ ca khúc Sự tích Chúa do chính anh phổ nhạc cho bài thơ chủ đề của tập sách. Và một ca khúc khác nữa anh sáng tác dựa trên tứ thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

ngô tùng

Nguyễn Mạnh Hà được biết đến là một nhà báo chuyên mảng văn nghệ "cứng cựa" của báo Tiền Phong. Anh từng đạt giải thưởng về thơ trong cuộc thi Tầm nhìn Thế kỷ 1999-2001 do báo Tiền Phong tổ chức. Sau một thời gian dài chuyên tâm làm báo và dành cho niềm đam mê ca hát với nghệ danh Khôi Minh, Nguyễn Mạnh Hà đã trở lại với thơ bằng Sự tích Chúa thú vị và độc đáo, khơi gợi cả óc tò mò cùng hứng thú đọc - hiểu của độc giả ngay từ những cái tựa mỗi bài thơ, như: Một thuyết âm mưu, Thơ sau khi ho, Thơ sau khi tắm, Thơ trong khi phơi, Nhà tái chế vô song, TCVT, Gửi Ai tạo ra tôi và vũ trụ... Và cũng không thiếu vắng sự lắng sâu bản thể có thể thấy rõ trong những bài thơ ở phần Phụ lục: Tôi mà thôi (Nghiện ước mơ, Độc thoại của người ốm, Nhà ta...). Những câu thơ khiến bạn đọc không thể đọc rồi bỏ qua, dẫu là viết cho "tôi", về riêng mình tôi: "Ngày tôi không yêu tôi/ Tôi xua đuổi tôi/ Mặc tôi bay tứ tán// Ngày tôi không còn tin tôi/ Tôi cày nát mặt tôi/ Không cho lộ ra". Dường như chúng ta không khó để nhập được vào cái tôi ấy, để thấy mình chẳng khác gì tác giả, mình được nói hộ những điều chính mình không nắm bắt nổi: "Tôi thu nhặt tôi/ Phủi bụi tôi/ Gắn kết tôi/ Tái sinh tôi/ Gieo hạt tôi/ Cho một mùa/ Đã không chín hôm nay" (Thương tôi).

Buổi giao lưu, ra mắt Sự tích Chúa thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc là nhà văn, nhà thơ, nhà báo và các cây viết trẻ

ngô tùng

Nói như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì Sự tích Chúa “khiến tôi thấy lạ, và nó đụng chạm. Nó khơi gợi những điều ít ai nghĩ đến, hoặc có nghĩ đến thì ít ai nói ra theo cách như vậy. Và thứ ba nó sẽ có thể giúp cho mọi người, như một sự tâm tình của một người mà đến được với nhiều người”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.