Những xu hướng tương lai
Theo chuyên trang tài chính Insider Monkey, sự gia tăng nhu cầu về nhà ở thông minh và thành phố thông minh dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường chip AI trong tương lai. Theo nghiên cứu gần đây, giá trị thị trường chip AI toàn cầu sẽ tăng lên đến 49,26 tỉ USD vào năm 2026. Đến năm 2030, dự kiến AI sẽ đóng góp 15,7 nghìn tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu, chiếm 26% GDP toàn cầu.
Ông Ricardo Michel Reyes, quản lý cấp cao tại nền tảng nghiên cứu Erudit, tin rằng một xu hướng thú vị khác trong AI là điện toán lượng tử, đã xuất hiện được khoảng 7 năm nhưng sẽ có ứng dụng trong khoảng 25 năm tới. Theo chuyên gia này, máy tính lượng tử thậm chí còn mạnh hơn các siêu máy tính trong việc giải các bài toán phức tạp. So với những tiến bộ mà máy tính truyền thống đã đạt được trong 60 năm qua, người ta cho rằng máy tính lượng tử sẽ phát triển thậm chí còn nhanh hơn.
Cũng có những lo ngại về tác động tiêu cực tiềm tàng của AI, chẳng hạn như sự biến mất của một số công việc và các vấn đề đạo đức liên quan đến việc sử dụng các hệ thống thông minh. Một số chuyên gia tin rằng điều quan trọng là xã hội phải xem xét cẩn thận các tác động của AI và thiết lập các hướng dẫn để phát triển và ứng dụng AI một cách có trách nhiệm. Liên minh Châu Âu (EU) là một trong những nơi đầu tiên bắt đầu xây dựng luật về chủ đề này và hy vọng sẽ xác định các loại ứng dụng AI có rủi ro không thể chấp nhận được.
Giám đốc MI6: tình báo toàn cầu chạy đua sở hữu trí tuệ nhân tạo
Cuộc đua giữa các cường quốc
Trong một bài viết trên tạp chí Forbes hồi tháng 5.2022, ông Gaurav Tewari, nhà sáng lập và điều hành công ty đầu tư Omega Venture có tiếng tại Thung lũng Silicon (bang California, Mỹ), dự báo AI sẽ trở thành một trong những trụ cột của chính sách đối ngoại trong vòng một thập niên tới, đặc biệt là với Mỹ. "Không còn nghi ngờ gì nữa, AI sẽ rất cần thiết đối với khả năng phục hồi kinh tế liên tục và vai trò lãnh đạo địa chính trị của Mỹ", ông viết.
ChatGPT, một ứng dụng AI đang thu hút sự chú ý, được cho là đã đạt mốc 100 triệu người dùng hoạt động hằng tháng vào tháng 1, chỉ hai tháng sau khi ra mắt. Điều này khiến nó trở thành ứng dụng cho người dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử, theo một nghiên cứu được Hãng UBS công bố hôm 1.2, Reuters đưa tin.
Theo dữ liệu từ Sensor Tower, TikTok đã mất khoảng 9 tháng sau khi ra mắt toàn cầu để đạt được 100 triệu người dùng và Instagram mất 2,5 năm.
Hiện cuộc đua giữa các cường quốc đã bắt đầu. Theo một báo cáo của Viện Brookings (Mỹ), Trung Quốc đang có những bước tiến nhanh chóng vì nước này đã đặt mục tiêu quốc gia là đầu tư 150 tỉ USD vào AI và trở thành nước dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực này vào năm 2030. Trong khi đó, một nghiên cứu của Viện Toàn cầu McKinsey về Trung Quốc đã kết luận rằng "Tự động hóa do AI dẫn dắt có thể mang đến cho nền kinh tế Trung Quốc một mũi tiêm năng suất giúp tăng trưởng GDP hằng năm tăng thêm 0,8 - 1,4 điểm phần trăm, tùy thuộc vào tốc độ ứng dụng".
"Trung Quốc có sức mạnh, tài năng và tham vọng vượt Mỹ trở thành nước dẫn đầu thế giới về AI trong thập niên tới nếu động lực hiện tại không thay đổi", Ủy ban An ninh quốc gia Mỹ về trí tuệ nhân tạo cảnh báo trong một báo cáo hồi tháng 3.2021. Vào tháng 7.2022, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã công khai thừa nhận tầm quan trọng của việc hợp tác với các công ty tiên phong về AI để duy trì và củng cố khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ. Mới đây, Mỹ và Ấn Độ đã khởi động dự án hợp tác mới, bao gồm lĩnh vực AI, trong nỗ lực đối phó với Trung Quốc.
Nhà phát triển ChatGPT ra công cụ phát hiện văn bản do AI viết, hiệu quả ra sao?
Theo một phân tích trên tờ El Pais mới đây, AI sẽ tác động đến địa chính trị vì đây sẽ là "nguồn sức mạnh to lớn cho các công ty và các quốc gia khai thác nó". Có mọi dấu hiệu cho thấy AI sẽ đóng vai trò nổi bật trong cách các nước hành xử trên trường quốc tế và sẽ là yếu tố quan trọng trong sự phát triển của các lực lượng quân sự trong tương lai.
Bình luận (0)