Đầu tháng 3 vừa qua, người hâm mộ và nghệ sĩ trên khắp thế giới đã chúc mừng thành công của ngành công nghiệp điện ảnh Nhật sau khi bậc thầy anime Hayao Miyazaki giành được giải Oscar thứ hai trong sự nghiệp. The Boy and The Heron của vị đạo diễn 83 tuổi nhận giải Phim hoạt hình hay nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 96, vượt qua các đối thủ "khủng" như Elemental của Disney, Spider-Man: Across the Spider-Verse của Sony Pictures. The Boy and The Heron thu về 167 triệu USD trên toàn cầu. 23 năm trước, bộ phim hoạt hình đầu tiên của Nhật đoạt giải Oscar là Spirited Away (có doanh thu gần 400 triệu USD) cũng là tác phẩm do ông đạo diễn.
Tại lễ trao giải Oscar năm nay còn có một phim khác của Nhật được xướng tên cho giải Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc: Godzilla Minus One.
Những tác phẩm châu Á thắng giải hoặc được đề cử với dàn diễn viên chủ yếu là người châu Á tại những lễ trao giải thưởng điện ảnh lớn đã không còn là hình ảnh hiếm thấy trong những năm gần đây.
Phim kinh dị Hàn Quốc Parasite làm nên lịch sử vào năm 2020 khi trở thành bộ phim châu Á đầu tiên giành giải Oscar Phim hay nhất, cùng với 3 giải thưởng khác, trong đó có hạng mục Đạo diễn xuất sắc dành cho Bong Joon-ho. Trước đó phim này cũng đoạt Cành cọ vàng LHP Cannes 2019.
Tiếp đến vào năm 2023, bộ phim hài hành động Everything Everywhere All at Once xoay quanh câu chuyện một gia đình người Trung Quốc nhập cư ở Mỹ, có kinh phí sản xuất chỉ khoảng 20 triệu USD nhưng thu về đến 143 triệu USD, giành được 7 tượng vàng Oscar, trong đó có Phim hay nhất và 2 diễn viên gốc Á: Quan Kế Huy đoạt Nam diễn viên phụ xuất sắc, Dương Tử Quỳnh - Nữ diễn viên chính xuất sắc.
LHP Cannes 2023 kết thúc với giải Đạo diễn xuất sắc thuộc về Trần Anh Hùng với phim The Pot-au-Feu, Phạm Thiên Ân thắng giải Camera D'Or qua phim Bên trong vỏ kén vàng (tựa tiếng Anh Inside The Yellow Cocoon Shell).
Như thế, có thể xem điện ảnh châu Á đang một lần nữa có cuộc "trỗi dậy" ngoạn mục, sau những thành tích chấn động làng điện ảnh thế giới 2-3 thập niên trước. Đó là thời kỳ những Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Lý An, Abbas Kiarostami, Shohei Imamura… liên tiếp giành được nhiều giải quan trọng ở các LHP danh giá như Cannes, Berlin và giải Oscar.
"Mọi thứ đã thay đổi"
Trang Asianabsolute.com.uk của Anh đăng bài viết của tác giả Ray S nhận định: "Con đường dẫn đến thành công toàn cầu của các tác phẩm gốc Á thường rất khó khăn, ngay cả khi họ đã được giới phê bình hoan nghênh. Tuy nhiên, nhiều bộ phim châu Á đã chứng minh rằng lấy bối cảnh và dựa trên nền văn hóa châu Á có thể gây được tiếng vang với lượng khán giả rộng lớn hơn nhiều". Trang này cũng cho rằng "những năm tới thực sự rất tươi sáng đối với điện ảnh châu Á".
Darren Gigool viết trên trang Movieweb.com chuyên về điện ảnh: "Trong quá khứ, sự hiện diện của người châu Á ở Hollywood rất hạn chế và thường bị rập khuôn. Tuy nhiên, hiện nay mọi thứ đã thay đổi qua các bộ phim với nội dung và nhân vật đa dạng, phức tạp hơn được các diễn viên và nhà làm phim châu Á thể hiện rất tốt".
Phim Mai của Trấn Thành thu nửa triệu USD tiền bán vé trước
Trang tin điện ảnh Deadline.com (Mỹ) vừa đưa tin phim Mai ra rạp ở Bắc Mỹ và châu Âu. Cây bút Nancy Tartaglione viết: "Nhà phân phối 3388 Films mua bản quyền phim bom tấn Mai, ấn định khởi chiếu rạp vào ngày 22.3 trên khắp Bắc Mỹ và châu Âu. Mai sẽ ra rạp tại gần 200 địa điểm ở các quốc gia: Mỹ, Canada, Anh, Đức, Cộng hòa Czech, Slovakia, Ba Lan… Sự kiện đánh dấu tuần mở màn rộng rãi nhất ở Bắc Mỹ và châu Âu của một bộ phim do VN sản xuất, đồng thời là lần đầu tiên có suất chiếu rạp trong cùng ngày trên khắp hai châu lục. Trước đó, năm 2021 bộ phim Bố già cũng do Công ty 3388 Films phát hành đã vượt mốc 1 triệu USD khi ra rạp ở Mỹ".
Anh Thiên A.Phạm, Giám đốc Công ty phát hành 3388 Films, cho biết: "Phim Mai đạt nửa triệu USD tiền bán vé trước ngày khởi chiếu ở Bắc Mỹ và châu Âu. Đây là cột mốc đáng kinh ngạc của một bộ phim Việt".
Bình luận (0)