Sửa đổi 13 luật vướng mắc, cấp bách trình Quốc hội

Mai Hà
Mai Hà
08/08/2024 06:05 GMT+7

Chiều 7.8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Bộ Tư pháp, đến nay đã nhận được báo cáo của 15 bộ, cơ quan ngang bộ, 55 địa phương và một số hiệp hội, doanh nghiệp về rà soát văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời nhận được 594 kiến nghị đối với 13 luật.

Sửa đổi 13 luật vướng mắc, cấp bách trình Quốc hội- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương rà soát vướng mắc, trình Quốc hội 13 luật sửa đổi

Nhật Bắc

Trên cơ sở rà soát, Bộ Tư pháp và nhóm giúp việc ban chỉ đạo đã tổng hợp, phân loại các vướng mắc, bất cập mang tính cấp bách cần xử lý tại 13 luật để tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay.

Trong đó, luật Đầu tư có 4 nhóm nội dung; luật Đầu tư công có 7 nhóm nội dung; luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (luật PPP) có 5 nhóm nội dung; luật Doanh nghiệp có 1 nội dung, luật Quy hoạch và luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch có 10 nhóm nội dung; luật Ngân sách Nhà nước có 5 nhóm nội dung; luật Quản lý thuế có 5 nhóm nội dung; luật Quản lý, sử dụng tài sản công có 9 nhóm nội dung; luật Kế toán có 7 nhóm nội dung; luật Dự trữ quốc gia có 2 nhóm nội dung; luật Kiểm toán độc lập có 7 nhóm nội dung; luật Chứng khoán có 8 nhóm nội dung.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm chỉ đạo là việc rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Phạm vi, đối tượng là các vướng mắc mang tính cấp bách cần xử lý, tháo gỡ để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, giảm thủ tục hành chính, phiền hà, sách nhiễu, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, thực hiện việc xây dựng các dự án luật để sửa đổi 13 luật có nhiều vướng mắc, bất cập mang tính cấp bách cần xử lý để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (tháng 10.2024), bảo đảm tính khả thi cao, hiệu quả khi các luật đi vào cuộc sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.