GIẢM BẬC THUẾ, NÂNG MỨC GIẢM TRỪ GIA CẢNH...
Theo đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 mới được công bố từ Bộ Tư pháp, luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được đề cập với những nghiên cứu khảo sát, đề xuất sửa đổi. Theo Bộ Tư pháp, sau khi rà soát và tổng hợp báo cáo từ các bộ, ngành, có 22 điều cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung chủ yếu liên quan đến thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế, cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp đối với một số khoản thu nhập, thuế suất, mức giảm trừ gia cảnh và các nhóm vấn đề mang tính kỹ thuật khác.
Cụ thể, Bộ Tư pháp cho biết theo khoản 2 điều 22 của luật Thuế TNCN hiện hành thì biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc với các mức thuế suất từ 5% đến 35%. Qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế, VN có thể nghiên cứu để cắt giảm từ 7 bậc xuống 5 bậc thuế; cùng với việc xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Thực hiện theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đề xuất mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức chi tiêu bình quân đầu người trong một giai đoạn nhất định. Nếu dự kiến đến 2026, luật thuế này có hiệu lực thi hành thì cũng có thể nghiên cứu sửa đổi nâng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn tới…
Trong 10 loại thu nhập chịu thuế, chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú là thuộc diện phải quyết toán thuế theo năm. Do vậy cần quy định cụ thể về quyết toán thuế đối với trường hợp thu nhập vãng lai. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu để luật hóa quy định trong trường hợp cá nhân có thu nhập vãng lai ở nơi khác mà bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị chi trả khấu trừ thuế tại nguồn thì không phải quyết toán thuế để giảm lượng kê khai, quyết toán thuế cuối năm…
Bộ Tư pháp cũng đề xuất bổ sung quy định đối với thu nhập của cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS) theo thời gian nắm giữ. Áp dụng thuế suất cao hơn đối với việc giao dịch BĐS mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn để có mức độ điều tiết hợp lý và hạn chế tình trạng đầu cơ, bong bóng....
Xem nhanh 12h ngày 30.1: “Đi lụi” trên cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây | Đèn đỏ “làm khó” người miền Tây
SAO PHẢI CHỜ ĐẾN HƠN 3 NĂM MỚI SỬA?
Theo đề xuất, dự án sửa đổi luật Thuế TNCN sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10.2025) và thông qua dự án luật Thuế TNCN tại kỳ họp tháng 5.2026. Như vậy người nộp thuế TNCN sẽ phải chờ đến hơn 3 năm nếu những đề xuất sửa đổi được thông qua theo lộ trình này.
Ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, nhận định: Nếu đến năm 2026 mới thay đổi mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thì đây là mức điều chỉnh kỹ thuật. Theo luật Thuế TNCN, mức giảm trừ gia cảnh điều chỉnh khi lạm phát (chỉ số giá tiêu dùng - CPI) tăng trên 20% thì sẽ được thay đổi. Đến năm 2026 thì ước tính lạm phát của VN cũng sẽ ở mức này. "Báo cáo cũng đã nghiên cứu về bậc thuế lũy tiến và cũng cho rằng cần điều chỉnh giảm từ 7 bậc xuống 5 bậc thì tại sao lại chờ đến mấy năm mà không chịu sửa ngay vì đây là quy định bất hợp lý?", ông Đức đặt vấn đề.
Liên quan đến việc đánh thuế chuyển nhượng BĐS trong thời gian ngắn để chống đầu cơ, ông Trương Thanh Đức cho rằng người dân mua đi bán lại nhà đất nhiều vòng thì thực hiện đóng thuế càng nhiều. Về lâu dài, luật thuế TNCN cần phải sửa tổng thể những điểm cơ bản nhất để tránh chuyện vừa sửa xong đã lạc hậu. Chẳng hạn phương pháp tính mức giảm trừ gia cảnh, làm sao có thể thay đổi hằng năm để tạo công bằng cho người nộp thuế chứ không phải chờ CPI tăng 20% rồi mới thay đổi, vì lúc đó đã lạc hậu. "Trước đây, nói việc thay đổi mức giảm trừ gia cảnh hằng năm là khó nhưng ngày nay với công nghệ kỹ thuật phát triển, việc cài đặt công nghệ khá nhanh và dễ thực hiện nên không thể không làm được. Những bất cập của sắc thuế liên quan đến đời sống dân sinh này cần sớm thực hiện, càng nhanh càng tốt chứ không thể chờ theo chương trình sửa đổi luật đến năm 2026 mới thực hiện", ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng đặt câu hỏi, tại sao phải chờ đến gần cuối năm 2025 mới trình Quốc hội sửa những quy định về thuế TNCN? Bởi ngay trong năm nay Quốc hội cũng có những kỳ họp và có nhiều quy định vẫn có thể được trình để sửa đổi ngay bằng nghị quyết của Thường vụ Quốc hội. Trong đó cấp thiết nhất là việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc; quy định về thu nhập vãng lai hay mức giảm trừ gia cảnh cho các hộ kinh doanh...
Bình luận (0)