Tình trạng công bộc của dân ăn lương nhà nước, nhưng "sáng cắp ô đi, tối cắp về", làm việc riêng trong giờ hành chính, thiếu văn minh khi tiếp công dân…, không phải vấn đề mới. Điều đáng nói chính là, các loại “thuốc” được kê vẫn chưa đủ liều để có thể điều trị căn bệnh này.
Rất nhiều quy định cấm liên quan đến cán bộ, công chức đã được ban hành và luôn nhận được sự ủng hộ của dư luận. Từ cấm công chức đi lễ chùa (Hà Nội), hay cấm công chức dự tiệc cưới trong giờ làm việc (Bạc Liêu) đến cấm công chức gợi ý để được mời đi nước ngoài (Đồng Tháp)… tất thảy đều nhắm mục tiêu “sửa lưng” công chức hư, nâng cao hiệu quả, chất lượng làm việc của đội ngũ.
Nhưng có điều rằng, điểm lại các quy định này sẽ thấy, dường như còn thiếu điều gì đó khiến các chỉ thị, nghị quyết chưa thực sự hiệu quả trong thực tế. Tháng 1.2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về việc quản lý và sử dụng hiệu quả thời gian làm việc tại công sở. Trong đó quy định: "Cán bộ, công chức không uống rượu bia trước và trong giờ làm, kể cả trong bữa ăn giữa hai ca và trong ngày trực...". Xa hơn nữa, từ tháng 6.1996, Hội đồng Bộ trưởng khi đó cũng đã từng ban hành chỉ thị tương tự, cấm cán bộ, công chức uống bia rượu trong giờ làm việc. Song đến nay cũng mới chỉ có lác đác vài tỉnh thực hiện, với kết quả khiêm tốn.
Thực ra, quy định hành vi cho công chức là cần thiết nhưng mới chỉ là bề nổi và nó hoàn toàn có thể được thi hành nghiêm với hoạt động thanh tra công vụ thường xuyên, chế tài nặng. Nhưng sẽ không thể có một nền hành chính tốt nếu như một bí thư tỉnh ủy phải đến từng quán cà phê để bắt quả tang công chức “ăn cắp” giờ, hoặc một ông giám đốc sở phải hằng ngày “phục kích” ở cổng để quả tang công chức đi làm trễ.
Việc “sửa lưng” công chức chỉ hiệu quả khi chúng ta xây dựng được hệ thống đánh giá kết quả công tác của cán bộ, công chức, bởi lẽ, đánh giá kết quả bao giờ cũng triệt để hơn đánh giá hành vi. Một người có thể đến cơ quan làm việc đúng 8 giờ mỗi ngày, không vi phạm các quy định cấm nhưng chỉ chơi game, liệu có tốt hơn một người đến trễ mươi phút, nhưng làm việc thực sự hiệu quả?
“Nhàn cư vi bất thiện”, với một bộ máy hành chính cồng kềnh “có thể giảm 30% số lượng nhân sự mà không ảnh hưởng đến nhiệm vụ cơ quan” thì “bệnh” la cà quán xá của những người đến công sở nhưng không có việc làm hoặc không đủ năng lực giải quyết công việc cũng là điều dễ hiểu.
An Nguyên
Bình luận (0)