Sửa nửa vời, Nghị định 20 ép kiệt doanh nghiệp

06/03/2020 07:09 GMT+7

Quy định khống chế chi phí lãi vay 20% gây bức xúc cộng đồng doanh nghiệp trong 3 năm qua tưởng sẽ được phần nào tháo gỡ khi Bộ Tài chính đưa ra dự thảo lấy ý kiến.

Thế nhưng bản dự thảo cuối cùng dự kiến trình Chính phủ, Bộ này đã “gạt” đi một số quy định khiến doanh nghiệp "ngã ngửa".

“Gạt” hồi tố cho năm 2017 và 2018

Tiếp thu ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp (DN) sau gần 3 năm áp dụng Nghị định 20/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết (gọi tắt NĐ 20), Bộ Tài chính đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 8 Nghị định theo hướng tăng khống chế chi phí lãi vay lên 30% thay vì mức 20% như hiện nay. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay của DN được tính theo lãi vay thuần (là chi phí lãi vay trừ doanh thu từ lãi vay). Tuy nhiên, điểm mong chờ nhất của các DN trong 3 năm qua lại bị Bộ Tài chính “gạt” ra khỏi lần sửa đổi này: Đó là thay vì hồi tố cho phép DN được áp dụng điều khoản sửa đổi từ kỳ tính thuế 2017 đến nay, thời điểm NĐ 20 có hiệu lực, thì dự thảo chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2019 trở đi.

Bộ Tài chính phải thay đổi quy định này từ gốc là chỉ áp dụng cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đối với các DN trong nước đã có luật Thuế thu nhập DN điều chỉnh

Luật sư Trần Minh Hải

Trước đó, trong các cuộc đối thoại với DN, những văn bản hay những ý kiến đề xuất của DN lên ngành thuế đều nhất quán một nguyện vọng mong việc sửa đổi sẽ được áp dụng hồi tố lại cho kỳ tính thuế 2017, 2018. Tại buổi đối thoại với DN ở TP.HCM vào tháng 11.2019, đại diện Công ty CP XNK tổng hợp Bình Phước (BIGIMEXCO) bức xúc phản ánh quy định khống chế chi phí lãi vay 20% nên DN đã bị loại ra chi phí lãi vay năm 2017 và 2018 hơn 52,7 tỉ đồng, làm tăng số thuế phải nộp của năm lên hơn 10,5 tỉ đồng, phát sinh tiền chậm nộp hơn 815 triệu đồng, tiền phạt 20% trên số tiền thuế thu nhập DN phải nộp lên hơn 2 tỉ đồng. Theo quyết định của Tổng cục Thuế vào tháng 10.2019, tổng số tiền mà công ty phải nộp vào ngân sách trên 13 tỉ đồng. Đại diện DN cho rằng quy định này gây thiệt hại lớn không chỉ riêng DN họ mà cho các DN khác nên kiến nghị Chính phủ sửa đổi cho hợp lý, hợp pháp, hợp tình. Đặc biệt, hồi tố hoàn trả các khoản thiệt hại do cách tính áp đặt của quy định, xác định số thuế hoàn trả cho DN.
Hay trong văn bản kiến nghị của Tập đoàn điện lực VN (EVN) vào năm 2018 cho biết khi thực hiện quy định này, số thuế thu nhập DN các công ty thành viên phải nộp tăng rất nhiều như EVN GENCO 1 nộp thuế tăng khoảng 339 tỉ đồng; EVN GENCO 3 tăng khoảng 212 tỉ đồng... Gần đây Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai vừa thoát hiểm trong hoạt động kinh doanh sau cú bắt tay hợp tác với Công ty cổ phần ô tô Trường Hải lại bị quy định khống chế lãi vay “đè” xuống, chìm sâu trong thua lỗ. Cụ thể, theo công ty kiểm toán nhìn nhận, nếu Công ty Hoàng Anh Gia Lai thực hiện việc ước tính và ghi nhận chi phí thuế thu nhập DN theo hướng dẫn của NĐ 20 cho kỳ kế toán 6 tháng đầu năm 2019 thì thu nhập sẽ giảm gần 335,3 tỉ đồng và chi phí thuế thu nhập DN hiện hành sẽ tăng 155,5 tỉ đồng. Từ đó, công ty sẽ chịu lỗ tăng thêm 490,6 tỉ đồng…

Doanh nghiệp có thể “tắt thở”

Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhận xét bản dự thảo mới nhất hiện nay đã “gọt” đi khá nhiều quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN trong những năm qua. “Trong bối cảnh hiện nay, các DN đang xoay xở với những khó khăn mà dịch cúm Covid-19 gây ra, nếu nghị định sửa đổi NĐ 20 không cho hồi tố năm 2017 và 2018 thì quá sốc đối với các DN, dồn họ vào đường cùng. Họ đang muốn “khó thở” thì lăn ra “chết luôn”. Việc quy định chỉ cho hồi tố năm 2019 mà không cho áp dụng năm 2017 và 2018 là bất cập, ép DN quá bởi quy định này ban hành và thực hiện từ năm 2017 chứ không phải từ năm 2019. Trong dự thảo cũ, ban soạn thảo đã cho chuyển tiếp những khoản đã thực hiện của năm 2017 và 2018 sang các năm tiếp theo là một cách để giải quyết bất cập và phù hợp với tình hình thực tế, nhưng lại đưa ra phân biệt áp dụng cho DN chưa thanh kiểm tra đã nhận được sự góp ý là phân biệt đối xử trong chính sách. Thế nhưng bản mới nhất, lại loại bỏ tất cả chứ không riêng gì sự phân biệt đối xử này”, ông Xoa phân tích.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), cho hay NĐ 20 áp dụng cho toàn bộ DN là rào cản rất lớn cho các công ty trong nước và khiến họ càng thêm khó khăn. Đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 đang bủa vây khiến nhiều công ty sống dở chết dở nếu bị truy thu thuế hoặc xuất toán hàng trăm tỉ đồng sẽ là một hung tin đối với DN.
“Trong bối cảnh DN đang gặp khó khăn, Chính phủ cũng đưa nhiều giải pháp hỗ trợ DN, tôi cho rằng Bộ Tài chính nếu thay đổi nâng trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30% thì phải áp dụng hồi tố luôn từ khi NĐ 20 có hiệu lực là trong hai năm 2017 - 2018. Phương pháp có thể thực hiện với những DN đã bị thu thuế là cho khấu trừ dần vào tiền thuế phải nộp hằng năm. Nhưng về dài hạn, cần xem xét thay đổi và chỉ nên áp dụng quy định này đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài mà không phải áp dụng chung cho tất cả DN”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Còn luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc điều hành Công ty luật Basico - phân tích, bản chất của NĐ 20 là nhằm chống chuyển giá và đối tượng chính là các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Thế nhưng khi đưa ra áp dụng chung cho mọi DN thì mục tiêu ban đầu không đạt hiệu quả nhưng lại làm khổ các DN trong nước.
“Cần phải quay lại vấn đề gốc của NĐ 20 chứ không phải chỉ sửa đổi nâng trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30%. Bộ Tài chính phải thay đổi quy định này từ gốc là chỉ áp dụng cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đối với các DN trong nước đã có luật Thuế thu nhập DN điều chỉnh. Trong đó các chi phí, thu nhập liên quan đến tài chính, lãi vay đều phải theo quy định của luật thuế là hợp lý, hợp lệ”, luật sư Trần Minh Hải chia sẻ thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.