Sửa quy định rút giấy phép, đăng kiểm liệu có thông suốt?

08/10/2024 06:03 GMT+7

Nghị định 121/2024 do Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 5.10 đã sửa đổi, bổ sung, cập nhật nhiều quy định mới giúp gỡ bỏ nguy cơ đóng cửa trung tâm đăng kiểm.

Thở phào vào phút cuối

Ngày 3.10, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Nghị định số 121/2024 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, trong đó bãi bỏ quy định tạm đình chỉ dây chuyền kiểm định từ 1 - 3 tháng nếu có 2 lượt đăng kiểm viên (ĐKV) bị tạm đình chỉ trong thời gian 12 tháng liên tục. Bỏ quy định tạm đình chỉ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới của trung tâm đăng kiểm (TTĐK) từ 1 - 3 tháng nếu có từ 3 lượt ĐKV trở lên bị tạm đình chỉ hoặc từ 2 ĐKV trở lên bị thu hồi giấy chứng nhận ĐKV trong thời gian 12 tháng liên tục. Nghị định 121 cũng quy định ngưng thu hồi giấy chứng nhận (GCN) đăng kiểm đối với ĐKV bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án cho đến ngày 1.1.2025.

Sửa quy định rút giấy phép, đăng kiểm liệu có thông suốt?- Ảnh 1.

Hoạt động đăng kiểm phải khắc phục được tình trạng can thiệp tiêu cực

ẢNH: Q.T

Trao đổi với PV Thanh Niên, giám đốc một TTĐK tại TP.HCM nhận định quy định mới sẽ tạo điều kiện cho các TTĐK được tiếp tục hoạt động, có thể nói là tạm thời nhẹ nhõm.

Theo khảo sát của PV Thanh Niên, tình hình đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM trong 2 tháng qua khá vắng vẻ, một số nơi chỉ hoạt động 50% công suất. Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM khẳng định, nếu nghị định sửa đổi không được ban hành kịp thời, TP.HCM sẽ không còn TTĐK nào còn hoạt động, trong ít nhất 3 tháng. Quy định mới giúp các TTĐK tránh được việc bị đóng cửa, song vẫn còn đó nỗi lo thiếu hụt nhân lực.

Ở quy mô toàn quốc, Cục Đăng kiểm cho biết Nghị định 121 đã sửa đổi, bổ sung 2 quy định quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay khi hàng loạt vụ án vi phạm của các TTĐK trên toàn quốc đã được đưa ra xét xử, các bản án của ĐKV vi phạm sắp có hiệu lực. Từ đó, giúp ngăn chặn nguy cơ phải đóng cửa hơn 100 TTĐK trên toàn quốc, ngăn ngừa tình trạng ùn tắc đăng kiểm có thể xảy ra dịp cao điểm cuối năm. Tuy nhiên, theo Cục Đăng kiểm, do số ĐKV bị khởi tố trong thời gian qua quá lớn (trên 900 người), trong khi để đào tạo bồi dưỡng chuyên môn một kỹ sư cơ khí trở thành ĐKV đòi hỏi mất nhiều thời gian. Do đó, có thể đến hết năm 2026 vẫn chưa thể bù đắp được số lượng ĐKV thiếu hụt do bị khởi tố và tự ý nghỉ việc trong thời gian vừa qua.

[Hoạt động đăng kiểm xe cơ giới sẽ được siết chặt hơn khi Nghị định 121 được ban hành]_[ẢNH; QUANG THUẦN].jpeg

Hoạt động đăng kiểm xe cơ giới sẽ được siết chặt hơn khi Nghị định 121 được ban hành

ẢNH: QUANG THUẦN

Vẫn còn có thể bị rút giấy phép

Mặc dù Nghị định 121 tạo điều kiện cho các TTĐK tạm thời không bị đóng cửa khi có các ĐKV bị kết án, nhưng đồng thời cũng bổ sung 2 trường hợp có thể bị thu hồi giấy phép hoạt động. Trường hợp thứ nhất, đơn vị đăng kiểm sử dụng các công cụ, phần mềm để sửa chữa dữ liệu phương tiện, dữ liệu kiểm định nhằm hợp thức hóa thông tin phương tiện, kết quả kiểm tra phương tiện. Thứ hai, không duy trì bộ phận giải quyết các công việc liên quan đến hồ sơ về kiểm định trong thời gian đơn vị ngừng hoạt động kiểm định xe cơ giới, trừ trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan theo quy định của pháp luật.

Cục Đăng kiểm nhận định, thời gian qua, không ít TTĐK đã vi phạm quy định sử dụng các công cụ, phần mềm để sửa chữa dữ liệu phương tiện nhằm hợp thức hóa thông tin kiểm định và đã bị cơ quan điều tra, tòa án các địa phương khởi tố, xét xử. Việc bổ sung trường hợp bị thu hồi GCN hoạt động giúp siết chặt quy định, nâng cao trách nhiệm, tạo tính răn đe, ngăn ngừa việc can thiệp phần mềm làm sai lệch kết quả kiểm định, đồng thời phù hợp với quy định về hành vi nghiêm cấm trong luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng xe cơ giới, kéo giảm tai nạn giao thông.

Một vấn đề được nhiều chủ xe phản ánh là khi vừa nộp hồ sơ đăng kiểm thì đơn vị đăng kiểm bất ngờ bị cơ quan điều tra khám xét, đóng cửa dẫn đến khó khăn trong lấy lại giấy tờ xe. Do đó, Nghị định mới yêu cầu phải duy trì bộ phận giải quyết các công việc liên quan hồ sơ kiểm định tránh tình trạng trên xảy.

Chia sẻ với Thanh Niên, một lãnh đạo TTĐK tại TP.HCM nhận định: "Các nội dung mới của Nghị định quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của các TTĐK. Trong thời gian tới, các quy chuẩn về phần mềm quản lý, điều khiển thiết bị kiểm định tại các TTĐK cũng sẽ được thay đổi để đảm bảo thời gian lưu trữ, chống can thiệp sửa đổi để hạn chế tiêu cực. Trước mắt, nhiều TTĐK có thể bị xáo trộn, gặp khó khăn để đáp ứng được theo quy định mới, nhưng về lâu dài tôi hy vọng hoạt động đăng kiểm sẽ ổn định hơn".

Nghị định 121/2024 vẫn giữ quy định 6 trường hợp đơn vị đăng kiểm bị thu hồi GCN đủ điều kiện hoạt động khác theo Nghị định 139/2018. Các trường hợp này gồm: GCN được cấp do gian lận, làm giả các hồ sơ, giấy tờ, tài liệu; GCN bị cố ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung; đơn vị đăng kiểm bị ngừng hoạt động kiểm định xe cơ giới quá 12 tháng liên tục; đơn vị đăng kiểm bị tạm đình chỉ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới quá hai lần trong thời gian 12 tháng liên tục; hoặc có từ 5 lượt ĐKV trở lên bị tạm đình chỉ hoặc từ 3 ĐKV trở lên bị thu hồi GCN ĐKV trong thời gian 12 tháng liên tục; đơn vị đăng kiểm bị giải thể.

Lượng xe tới hạn đăng kiểm sẽ tăng cao vào cuối năm

Mặc dù tình hình đăng kiểm ở TP.HCM và một số địa phương khác đang ổn định, thậm chí vắng vẻ; nhưng dự báo lượng xe tới hạn kiểm định sẽ tăng trong những tháng cuối năm. Cụ thể, tháng 10, dự báo toàn quốc có 393.349 lượt phương tiện kiểm định; trong đó Hà Nội có 64.424 phương tiện, TP.HCM 62.109 phương tiện. Tháng 11, dự báo toàn quốc có 403.385 phương tiện đến hạn kiểm định; trong đó Hà Nội có 65.300 phương tiện và TP.HCM 59.940 phương tiện. Tháng 12, dự báo toàn quốc có 467.789 phương tiện phải kiểm định; trong đó Hà Nội 82.214 phương tiện và TP.HCM 66.351 phương tiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.