không có thu nhập sao vẫn phải nộp thuế?
Hiện tại, thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS) được xác định là giá chuyển nhượng từng lần, thuế suất áp dụng là 2%. Quy định này khiến cá nhân bị thua lỗ cũng phải nộp thuế TNCN. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho rằng để hạn chế tình trạng đầu cơ BĐS, một số quốc gia trên thế giới đã sử dụng các công cụ thuế để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ và giảm sức hấp dẫn của việc đầu cơ BĐS trong nền kinh tế, trong đó có thuế TNCN. Ngoài ra, một số nước còn áp dụng thuế đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch BĐS phù hợp với tần suất giao dịch, thời gian mua, bán lại BĐS. Nếu thời gian này diễn ra càng nhanh thì thuế suất càng cao, diễn ra chậm hơn thì thuế suất thấp hơn. Do đó, dự thảo thuế TNCN sửa đổi (dự thảo) gợi ý có thể nghiên cứu để thực hiện thu thuế đối với TNCN từ chuyển nhượng BĐS theo thời gian nắm giữ như kinh nghiệm của một số nước. Mức thuế suất cụ thể cần được nghiên cứu, xác định phù hợp, phản ánh được thực trạng hoạt động của thị trường BĐS…
Tương tự, hiện tại các cá nhân chuyển nhượng chứng khoán dù lỗ hay lãi đều đóng thuế TNCN 0,1% trên giá chuyển nhượng. Dự thảo thừa nhận điều này chưa phù hợp và cần xác định phương pháp thu thuế trên thu nhập của cá nhân, nếu có lãi thì mới nộp thuế. Từ thực tiễn thực hiện thời gian qua, cũng như xu hướng, kinh nghiệm của các nước thời gian gần đây, cần thiết nghiên cứu để quy định rõ thu nhập chịu thuế, tỷ lệ thu thuế (trên doanh thu chuyển nhượng từng lần) đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Việc điều chỉnh theo hướng này cũng sẽ đảm bảo tính thống nhất, tương thích với nội dung sửa đổi, bổ sung phương pháp thu thuế theo tỷ lệ % thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm thuế TNCN đối với chứng khoán phái sinh...
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng cần phải bỏ quy định nộp thuế TNCN 2% trên giá bán BĐS. Thuế TNCN là trên nguyên tắc người có thu nhập, tức có lợi nhuận, mới nộp thuế. Trong khi quy định hiện tại khiến người bán hòa vốn hay thậm chí thua lỗ vẫn phải nộp thuế TNCN. Điều này cũng góp phần đẩy nhiều người vào tình trạng khai giá bán thấp hơn nhiều so với thực tế. Đồng thời khiến cơ sở dữ liệu đầu vào của thị trường BĐS trên cả nước không chính xác, từ đó việc quy hoạch, khai thác... cũng không có giá trị thực tế. Với nền tảng số hóa, ứng dụng công nghệ ở nhiều tỉnh, thành và các bộ, ngành thì việc xác định giá mua và giá bán BĐS của người dân đã dễ hơn trước. Bên cạnh đó, vẫn quy định thu thuế TNCN trên giá bán trong trường hợp không xác định được chênh lệch giá mua - bán nhưng mức thu phải giảm xuống chỉ 0,5%/giá bán hoặc tối đa là 1%/giá bán. Quy định thuế suất hợp lý để mở rộng đối tượng thu và số lượng cá nhân sẽ thu được thuế nhiều và dài hạn hơn.
Ông Châu ví dụ theo quy định hiện nay, nhiều người nếu bán được BĐS giá 10 tỉ đồng thì chỉ khai với giá khoảng 3 - 4 tỉ đồng để nộp thuế thấp (người bán phải nộp thuế TNCN 2% tương đương 60 - 80 triệu đồng). Nếu thuế TNCN giảm xuống chỉ còn 1% thì nhiều người sẽ khai đúng thực tế vì nghĩ số thuế không cao, nhưng thực tế số tiền phải nộp sẽ lên 100 triệu đồng... Ngoài ra, Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thì các chủ nhà trọ hiện phải đóng thuế khoán 7%/doanh thu, gồm 5% thuế GTGT và 2% thuế TNCN. Ông Châu kiến nghị cần giảm mức thuế khoán đối với hộ kinh doanh phòng trọ dài hạn xuống còn 4%, gồm 3% thuế GTGT và 1% thuế TNCN thì hợp tình, hợp lý hơn.
Thuế TNCN không có tác dụng ngăn chặn việc đầu cơ BĐS
Theo luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa (thuộc Hội DN TP.HCM - HUBA), tính thuế TNCN trên BĐS theo thời gian nắm giữ không có tác dụng ngăn chặn việc đầu cơ. Bởi BĐS là hàng hóa thì việc áp thuế TNCN để hạn chế giao dịch trên thị trường là điều không đúng. Hơn nữa, hiện đang có đề xuất tính thuế tài sản nên việc áp thuế TNCN cần phải xem lại, vì đưa nhiều mục tiêu vào chính sách thuế sẽ bị rối. Vì vậy ông Nghĩa đề xuất trong lần sửa luật Thuế TNCN lần này cần đưa về đúng bản chất của sắc thuế. Hiện nay việc áp dụng thuế suất TNCN 2% trên giá bán BĐS là không đúng bản chất của sắc thuế này. Điều này khiến người bán nhà dù lời hay lỗ cũng phải đóng thuế. Do đó việc xác định nắm giữ BĐS theo thời gian bao lâu và áp dụng một thuế suất trên giá bán là chưa hợp lý. Cần phải tính trên mức thu nhập thì mới đúng bản chất của thuế TNCN. Hiện nay đã có việc quản lý định danh cá nhân, có nhiều công cụ để quản lý BĐS nên thông tin về giao dịch BĐS sẽ dần được kiểm soát mà không lo ngại tình trạng khai gian 2 giá như trước.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Tú, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cũng cho rằng đối với BĐS, chứng khoán và chuyển nhượng vốn cần trở về với cách tính trên thu nhập, chứ không nên khoán trên doanh thu mà không xác định giao dịch đó là có lời hay thua lỗ. Với công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay phát triển, các giao dịch mua bán được kiểm soát nên có thể xác định được giá giao dịch. Số thuế sẽ được tính trên thu nhập hay nói đúng hơn là tính thuế trên tiền lời. Quy định tính thuế TNCN trên giá bán như thời gian qua khiến nhiều trường hợp lỗ mà vẫn phải tính thuế, dẫn đến việc người nộp thuế chịu ấm ức và tìm cách đối phó.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên thường trực Hội Tư vấn thuế VN, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, nhấn mạnh, đối với một số thu nhập như BĐS, chứng khoán… cần tính thuế đúng bản chất chứ không nên thu theo hình thức. Mua bán BĐS, chứng khoán có thu nhập thì mới tính thuế, chứ không nên cào bằng tính thuế trên giá, dù giao dịch đó có bị lỗ. "Một vấn đề then chốt là thu thuế trên thu nhập thì phải có cơ chế kiểm soát giao dịch, thu nhập của người nộp thuế có chính xác hay không. Nếu không sẽ không tạo ra công bằng, gây thất thoát thuế", ông Được chia sẻ thêm.
Đề xuất thu thuế TNCN từ chuyển nhượng SIM - số điện thoại
Thông tin này được Bộ Tài chính nêu trong tờ trình đề nghị xây dựng Dự án luật Thuế TNCN. Hiện tại, quy định 10 loại thu nhập phải chịu thuế gồm thu từ kinh doanh, tiền lương, đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng BĐS, trúng thưởng, bản quyền, nhượng quyền thương mại, thừa kế và nhận quà tặng. Theo Bộ Tài chính, các loại thu nhập chịu thuế TNCN này về cơ bản phù hợp với thực tiễn tình hình KT-XH, cũng như thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng thực tiễn phát sinh một số khoản thu nhập khác của cá nhân ngoài 10 hình thức trên. Đây thường là các khoản thu nhập có tính chất đặc thù như từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản, quyền tài sản là tên miền internet, SIM - số điện thoại. Vì vậy, cần rà soát bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế theo hướng thêm nhóm thu nhập khác (đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết cho phù hợp tình hình thực tế) hoặc quy định cụ thể các khoản thu nhập khác (gồm từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản là tên miền internet, SIM - số điện thoại).
Bình luận (0)