Sức ép lớn đối với Vành đai - Con đường

Văn Khoa
Văn Khoa
14/06/2020 07:32 GMT+7

Sáng kiến Vành đai - Con đường, do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng, được cho là thể hiện tham vọng của Bắc Kinh kết nối các quốc gia và lục địa thông qua cơ sở hạ tầng.

Sáng kiến này dự tính tiêu tốn 1.000 tỉ USD vốn đầu tư cho các dự án ở hơn 125 quốc gia, theo tờ South China Morning Post (SCMP). Tuy nhiên, tham vọng này của Bắc Kinh đang gặp trở ngại lớn ở Romania, một đồng minh của Mỹ.

“Hợp tác sẽ không hiệu quả”

Theo biên bản ghi nhớ (MOU) được ký hồi năm 2015, Công ty hạt nhân Romania Nuclearelectrica sẽ liên doanh với Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) để xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân ở Romania. CGN sẽ sở hữu ít nhất 51% dự án và đây là một phần trong Sáng kiến Vành đai - Con đường, theo SCMP. Tuy nhiên, chính phủ Romania hồi tuần trước cho hay Nuclearelectrica cần tìm một đối tác khác và dự kiến trong tuần tới, các cổ đông của Nuclearelectrica sẽ họp để kết thúc đàm phán với CGN.
Cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với Nuclearelectrica bắt đầu từ tháng 11.2013, khi ông Lý Khắc Cường trở thành thủ tướng Trung Quốc đầu tiên thăm Romania trong gần 2 thập niên. Khi đó, ông ca ngợi mối quan hệ với Romania là “không thể thiếu” đối với quan hệ của Trung Quốc với Đông Âu cũng như toàn bộ Liên minh Châu Âu (EU). Ông đã chứng kiến hai bên ký kết hàng loạt thỏa thuận song phương, trong đó có MOU về việc sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân, đã mở đường cho sự hợp tác xây lò phản ứng hạt nhân giữa Nuclearelectrica và CGN.
Tuy nhiên, triển vọng cho sự hợp tác này trở nên không chắc chắn kể từ khi Tổng thống Romania Klaus Iohannis và Tổng thống Mỹ Donald Trump ký tuyên bố chung hồi năm ngoái, trong đó kêu gọi hợp tác chặt chẽ về năng lượng hạt nhân. Đến tháng 1.2020, Thủ tướng Romania Ludovic Orban cảnh báo chính phủ của ông phải rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Trung Quốc vì “hợp tác với công ty Trung Quốc (CGN) sẽ không đạt hiệu quả”, theo trang tin Romania Hotnews.ro.

Tác động từ Mỹ ?

Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Romania về châu Á - Thái Bình Dương Andreea Brinza cho hay có suy đoán rằng “những đề nghị bên ngoài” từ Mỹ và EU có thể đóng vai trò trong quyết định rút lại thỏa thuận hạt nhân với CGN, theo SCMP. “Với những quan ngại như Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng trọng yếu…, trong khi Romania là nơi có quân Mỹ đóng trú và một hệ thống phòng thủ tên lửa quan trọng, tôi nghĩ chính phủ Romania đã quyết định tốt nhất là không nên tiếp tục thực hiện dự án với CGN, xét thấy các cuộc đàm phán đã gặp khó khăn”, bà Brinza cho biết thêm.
Ngoài ra, Israel, một đồng minh khác của Mỹ và tham gia Vành đai - Con đường, mới đây quyết định trao dự án khử muối 1,5 tỉ USD cho công ty trong nước IDE Technologies. Một trong 2 công ty tham gia đấu thầu dự án này có Công ty CK Hutchison Holdings (Hồng Kông). Quyết định trao dự án cho IDE Technologies được đưa ra 10 ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Israel và phản đối mọi sự tham gia của Trung Quốc vào dự án cơ sở hạ tầng ở Israel. Dự án khử muối không nằm trong Vành đai - Con đường, nhưng Israel được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sáng kiến này ở Trung Đông.
Từ đó, giới quan sát nhận định cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng và những nước nhỏ tham gia Sáng kiến Vành đai - Con đường bị ảnh hưởng bởi cuộc cạnh tranh này, theo SCMP.
Thách thức cho nhân dân tệ ở Đông Nam Á
Trung Quốc đang tìm cách quốc tế hóa việc sử dụng nhân dân tệ (CNY) ở những quốc gia Đông Nam Á tham gia Vành đai - Con đường, theo SCMP. Đây là một phần trong mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là quốc tế hóa đồng tiền này. Tuy nhiên, chuyên gia kiều hối George Harrap, làm việc với nhiều công ty ở Campuchia, tin rằng vẫn còn nhiều thách thức để CNY có thể “cất cánh” ở Đông Nam Á. Ông Harrap chỉ ra ở Campuchia, vốn đang phụ thuộc nhiều vào viện trợ và đầu tư từ Trung Quốc, USD vẫn là tiền tệ được chấp nhận cho việc kinh doanh và các giao dịch hằng ngày. Ngoài ra, nhà phân tích độc lập ở Mỹ Sagatom Saha cho hay: “Tôi không nghĩ Sáng kiến Vành đai - Con đường có thể trở thành phương tiện hiệu quả cho việc quốc tế hóa CNY”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.